Bước sang quý 2, các ngân hàng mới thực sự “ngấm đòn” vì Covid-19

Tác động của dịch bệnh tới kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng trong quý 1/2020 là không lớn. Nhưng bước sang quý 2, kết quả kinh doanh sẽ bắt đầu kém khả quan khi thu nhập lãi, thu nhập từ phí và thu hồi nợ xấu giảm xuống rõ rệt do ngân hàng tập trung vào các gói cho vay ưu đãi, cắt giảm phí giao dịch.
Bước sang quý 2, các ngân hàng mới thực sự "ngấm đòn" vì Covid-19

Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán SSI vừa có báo cáo cập nhật nhanh tác động của dịch Covid-19 tới ngành ngân hàng.

Nhóm phân tích cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ khiến kết quả kinh doanh quý 2/2020  của các nhà băng kém khả quan.

Do tình hình dịch Covid-19 bắt đầu trở nên phức tạp kể từ tuần thứ hai của tháng 3, SSI ước tính tác động của dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng trong Quý 1/2020 là không lớn. Ngoại trừ một số ngân hàng lựa chọn chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai.

“Tuy nhiên, trong Quý 2/2020, chúng tôi kỳ vọng thu nhập lãi, thu nhập từ phí, và thu hồi nợ xấu sẽ giảm xuống khi các ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi và cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán”, báo cáo của SSI cho biết.

SSI đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế đối với các ngân hàng được nghiên cứu giảm 11,1% và giảm 16,4% so với dự báo trước đây để phản ánh tác động của dịch covid-19 đối với kịch bản cơ sở và kịch bản xấu nhất.

Cần lưu ý, kịch bản cơ sở cho rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối Quý 2/2020, trong khi đối với kịch bản xấu nhất dịch bệnh sẽ không được kiểm soát đến cuối năm 2020. Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự báo sẽ có mức tăng trưởng 7,2% và 0,8%cho hai kịch bản được đề cập.

Đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI, nhóm phân tích cho rằng ảnh hưởng sẽ diễn ra theo 2 giai đoạn.

Đối với giai đoạn 1, nhu cầu vay từ các khách hàng phân khúc bình dân đại chúng và phân khúc thu nhập thấp vẫn còn, vì khách hàng vẫn cần tiền mặt để trang trải chi phí sinh hoạt.

Tuy nhiên, đối với giai đoạn 2 khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và đạt đỉnh, về mặt lý thuyết, thu nhập của phân khúc khách hàng thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, và khả năng trả nợ của người đi vay theo kịch bản này sẽ giảm nhanh tại thời điểm này.

Sự khác biệt giữa kịch bản cơ sở và kịch bản xấu nhất sẽ rõ ràng hơn trong kết quả kinh doanh ngành ngân hàng năm 2021, chúng tôi dự đoán vào thời điểm đó, tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ cao hơn và nợ xấu gia tăng có thể bắt nguồn từ giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu.

ACB và Vietcombank là 2 ngân hàng được SSI nhận định là có chiến lược thận trọng nhất để vượt qua đại dịch, và sở hữu chất lượng tài sản tốt nhất trong số các ngân hàng mà SSI nghiên cứu. Do đó, nhóm phân tích kỳ vọng hai ngân hàng này sẽ hoạt động tốt hơn trong giai đoạn khó khăn này.

Đối với ACB, danh mục trái phiếu chính phủ tích lũy trong những năm gần đây cho phép ngân hàng này có thể vay từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi. Điều này cũng mang lại cho các nhà đầu tư lợi ích thứ hai, có nghĩa là ngân hàng có sự linh hoạt hơn khi có thể bán các trái phiếu này và ghi nhận lợi nhuận.

Trong khi đó, vị thế dẫn đầu ngành của Vietcombank sẽ mang lại cho ngân hàng nhiều cơ hội kinh doanh hơn để gia tăng lợi nhuận và thu nhập từ phí.

Từ năm 2021 trở đi, SSI cho rằng những ngân hàng này sẽ ít bị ảnh hưởng nhất từ nợ xấu hình thành khi kịch bản xấu nhất xảy ra.

Ngọc Bích

Theo Trí thức trẻ  (http://ttvn.toquoc.vn/buoc-sang-quy-2-cac-ngan-hang-moi-thuc-su-ngam-don-vi-covid-19-4202084112225131.htm)

Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Người Việt Nam mạnh về mua xổ số, đầu tư dựa vào may mắn, chứ không đầu tư bằng tri thức

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề: Làm thế nào để người dân Việt …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *