Là một cố vấn đầu tư và giảng viên tại Đại học Hồng Kông, anh đã làm việc tại nhà toàn thời gian kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khi các công ty thực hiện những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Trong thời gian thực hiện những buổi trao đổi bằng video với các sinh viên từ văn phòng tại nhà, anh cảm thấy “nhớ” cảm giác tiếp xúc và kết nối trực tiếp với mọi người.
“Điều đó gần như không thể vào lúc này. Cửa sổ là bạn của tôi”, anh nói.
Mặc dù lúc đầu anh không cảm thấy “nhớ” cảm giác 20 phút đi tàu đến chỗ làm mỗi ngày, nhưng thái độ của anh đã thay đổi. “Tôi đang mong chờ điều đó”, anh cho biết.
Hàng triệu người đã phải làm việc tại nhà trên khắp Trung Quốc và nhiều nơi khác, khi chính phủ đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn virus chết người này.
Nhiều người đang tận hưởng cơ hội dành thời gian với gia đình hoặc gặp gỡ bạn bè cũ trên mạng, và một số người đang thấy đó là một cách làm việc hiệu quả hơn.
Henry Chang, một nhân viên có văn phòng làm việc tại Thượng Hải, là một “fan” lớn của chuyện làm việc tại nhà và đang sử dụng các công cụ gọi điện bằng video như Zoom và Google Meet để hợp tác với những đồng nghiệp của mình ở Anh.
“Thực sự nó khá tốt. Không có đồng nghiệp xung quanh để trò chuyện nên bạn thực sự dành nhiều thời gian hơn để tập trung vào công việc nếu biết rõ những gì cần phải làm”, giám đốc phụ trách thị trường Trung Quốc của trang web học ngôn ngữ Lingumi, nói.
Đồng nghiệp Fan Yi của anh cũng thích làm việc tại nhà trong thành phố, và tỏ ra thông cảm với những người không được may mắn như thế.
“Sau khi đọc tin tức, tôi lo lắng nhiều hơn cho những người bị ảnh hưởng bởi loại virus này, đặc biệt là cư dân ở Vũ Hán. Tôi cảm thấy may mắn khi bị ‘mắc kẹt’ trong nhà, so với sự hoảng loạn của họ và những điều họ đang chịu đựng”, cô nói.
Cân bằng giữa cuộc sống và công việc
Rajashree Basu, nhân viên một trường ngôn ngữ ở Vô Tích, cách Thượng Hải khoảng 135km, lúc đầu phải khổ sở vì sự thiếu liên lạc với các học sinh của mình. Tuy nhiên, cô cũng đã chuyển sang sử dụng các công cụ gọi điện bằng video và nói rằng chúng hoạt động tốt.
“Ban đầu rất khó khăn, nhưng giờ đây, theo thời gian, mọi người đều hào hứng khi họ thấy các nền tảng kỹ thuật số có tác dụng và cung cấp kết quả tương tự với các lớp học trực tiếp”.
“Đôi khi tôi cảm thấy mình có thể hoàn thành nhiều việc hơn trong cách làm việc này và hỗ trợ nhiều hơn cho học sinh và giáo viên”.
Cô Basu hiện đang bị “mắc kẹt” tại thành phố quê nhà ở Kolkata, Ấn Độ, sau khi trở về thăm nhà trong dịp cả nước Trung Quốc được nghỉ Tết Nguyên đán. Cô đang gặp một số vấn đề như kỹ năng sử dụng máy tính, tình trạng kết nối của mạng internet ở Ấn Độ và sự chênh lệch múi giờ khi gọi cho các đồng nghiệp ở Trung Quốc.
“Thiết lập được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc trong khi làm việc ở nhà đôi khi cũng là một thách thức”, cô nói thêm.
Các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu các trường học không được mở lại cho đến ít nhất là tháng 3, nhưng cô Basu lo ngại rằng “có thể mất thêm một tháng nữa hoặc lâu hơn”.
Alvin Foo đang làm việc từ căn hộ của mình ở Thượng Hải và tận hưởng sự tự do mà nó mang lại cho anh.
“Hầu hết mọi thứ đều có thể được thực hiện từ xa, vấn đề thực sự là nằm ở tính hiệu quả”, giám đốc điều hành của công ty quảng cáo IPG Mediabrands Repawn nói.
Công nghệ đang đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp anh kết nối với nhóm của mình để họ vẫn có thể tổ chức các cuộc họp từ xa.
“Điều tích cực về trải nghiệm làm việc tại nhà này là nó sẽ giúp chúng tôi hợp tác tốt hơn và phát triển các chiến lược trong tương lai để làm việc từ bất cứ nơi nào cho công ty”, anh nói.
“Với sự phổ biến của internet nhanh hơn thông qua 5G, nó sẽ thay đổi cách thức làm việc trong tương lai”.
Một điều tích cực khác mà anh thấy khi làm việc tại nhà là có thể dành thời gian cho những người thân yêu.
“Ngoài gia đình, tôi luôn bận rộn với việc đọc và tìm gặp lại những người bạn cũ mà tôi đã không liên lạc trong nhiều năm. Thời gian có thêm chắc chắn đã tạo ra một cơ hội cho các gia đình được gần nhau hơn và tìm lại những gì đã mất”.
Tham khảo: BBC
Link bài: http://ttvn.toquoc.vn/kinh-doanh/lam-viec-tai-nha-thoi-dich-benh-ke-vui-nguoi-buon-4202013213014223.htm