Chẳng ngờ nó nhún vai: “Mùa hè là của con, mẹ để con tự quyết đi!”.
Nhưng đấy là một thằng bé lớp 9, đủ cứng đầu và tự tin quyết định mùa hè của mình. Những đứa trẻ ở tầm tuổi khác sẽ đối diện các loại kế hoạch hè ra sao ngoài các lớp ngoại khóa học thêm? Thông thường, chúng chẳng có lựa chọn gì, bởi đấy chính là kế hoạch hè của các bậc cha mẹ.
“Học kỳ ba” ở nhà cô giáo
Khi em gái tôi dặn “bác đón cháu hộ em ở nhà cô giáo”, tôi hiểu “học kỳ ba” của con bé 5 tuổi đã bắt đầu. Không một ngày gián đoạn, khi trường mầm non tắt nhạc bài hát Tạm biệt búp bê, hôm sau cháu tôi bắt đầu dọn đến lớp học mới: nhà cô ở chung cư.
Lớp tuy có chật chội nóng bức hơn, lại không có sân chơi nhưng vẫn dăm ba bạn cũ, vẫn cô giáo quen thuộc, thực đơn dinh dưỡng hao hao, giờ ăn giờ ngủ vẫn thế và mẹ vẫn tới đón về lúc 5h chiều. Mọi việc ổn thỏa cả, cô giáo lúc nhận lương tháng tại nhà thấy dễ thương ân cần hơn hẳn hồi trong học kỳ 1 và 2.
Phúc thay cho các bậc cha mẹ mà trường học có ngay “học kỳ ba” cho con mình. Tuy học phí có cao hơn nhưng nghe nói chương trình học rất dễ chịu, nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích tốt cho phát triển trí tuệ và thể chất của các con.
Cuộc sống trôi chảy như bình thường: con cái ngày ngày tới lớp và cha mẹ yên tâm đi làm như chưa hề có một mùa hè rớt đánh đùng xuống đầu.
Công sở – Nhà trẻ:
Cảnh tượng những đứa trẻ 6-8 tuổi nằm ngủ lóc nhóc dưới gầm bàn ở các công sở buổi trưa chính là điều nhắc nhở rõ ràng hơn bao giờ hết: mùa hè đã đến thật rồi. Thang máy nhiều cơ quan vào đầu giờ sáng bỗng xuất hiện thêm các “lao động” nhí râm ran chào bác chào cô và theo chân cha mẹ tỏa vào từng phòng.
Các bậc cha mẹ ngượng nghịu dẫn con vào góc bàn làm việc của mình kèm lời đe dọa tuyệt vọng: “Ngồi yên, đàng hoàng vào đấy!”.
Cả ngàn chuyện dở khóc dở cười cứ thế xảy ra, năng suất lao động của nhân viên mang con đi làm trong mùa hè sụt giảm trông thấy, những bất hòa công khai và ngấm ngầm giữa đồng nghiệp với nhau cũng gia tăng dưới tác động rõ ràng là không nhỏ của lực lượng “lao động” nhí bất đắc dĩ này.
Sếp của một cơ quan sau một lần vào thang máy chung với một thằng bé chừng 7-8 tuổi theo cha hoặc mẹ đi làm, bị nó bấm số tầng liên tiếp từ 1 đến 18 đã điên tiết ra quy định cấm mang con đến công sở. Dần dà, do những bất tiện quá sức hiển nhiên, phương án mang con đi làm trong mùa hè trở nên khá hạn chế.
Gửi về quê
Thế là phương án 2 được đặt ra: gửi con về quê cho ông bà hoặc họ hàng gần trông giúp, may ra thì con mình được hưởng mùa hè giữa thiên nhiên, hiểu biết thêm về vật nuôi cây trồng “rất có ích cho cháu làm văn sau này”, lại gia tăng tình cảm gắn bó gia đình dòng tộc.
Khổ cái không phải ai cũng có quê, ai cũng còn ông bà, cha mẹ ở quê mà gửi con về, trẻ con về quê háo hức được vài ba ngày đầu, tới ngày thứ tư thứ năm đã đau khổ gọi điện phàn nàn “giờ con chỉ muốn ăn gà rán KFC và ngủ máy lạnh”, chưa kể chuyện trẻ con tắm sông tắm suối đuối nước đọc đầy trên báo mạng mỗi sáng cũng khiến phương án này không mấy khả thi.
Mà có gửi gì thì gửi, một hai tuần còn được, nhưng đây tận ba tháng hè cơ mà, quý lắm yêu lắm nhưng ai mà kham được việc trông coi chăm bẵm quý tử quý cô nhà các vị mãi, nhiễu nhương phức tạp lắm, xảy ra chuyện gì thì còn khổ nữa.
Đi trại hè: Tiền ơi ở đâu?
Quảng cáo các trại hè đầy rẫy ngay khi năm học còn chưa kết thúc, thời buổi dịch vụ gì mà chả có.
Nào là trại hè ở châu Âu dành cho những thiên tài nhí kiệt xuất, lãnh đạo thế giới tương lai; tầm trung có các trại hè loanh quanh mấy nước cùng khu vực ôi thôi là phong phú những leo núi cắm trại, thăm bảo tàng, học kỹ năng cứng – mềm, giao lưu quốc tế tăng khả năng giao tiếp Anh ngữ.
Nhà có hai đứa tầm tuổi 8-15 xin mời chi ra ít nhất 10.000 USD cho khóa hè 1-2 tháng. Phương án này nói chung ít dành cho số đông công nhân viên chức hành chính lương cơ bản mới được tăng 100.000 đồng, và hình như sắp được tăng 100.000 đồng nữa.
Thế ta nghiên cứu trại hè trong nước. Cũng hằng hà sa số phong phú hấp dẫn lên rừng xuống biển, dạy đủ kỹ năng, khám phá đủ địa danh kỳ thú, tham gia đủ các sinh hoạt đa dạng. Chưa kể rất nhiều khóa tu mùa hè, hướng đạo, trại hè khoa học…
Cơ bản cũng giải quyết được 1-3 tuần rảnh rang cho cha mẹ, tiền cũng vừa phải, ai may mắn có cơ quan, tập đoàn tài trợ, nếu phải móc túi chi trả thì coi như đi khoản du lịch hằng năm cơ quan cho vào đấy là vừa. Còn lại hơn hai tháng hè nữa thì từ từ ta tính tiếp.
Đảm bảo là nhà có Internet
Phương án phổ biến là hai đứa trẻ mỗi đứa một iPad hoặc máy tính trông lẫn nhau, thằng anh hoặc con chị “đừng có để em nó leo trèo nghịch dại hay đốt lửa giật điện”, cha mẹ đảm bảo mình đóng đủ tiền Internet hằng tháng và “không được coi cái gì bậy bạ đâu đấy, chơi game ít thôi, 10h nhớ cắm nồi cơm điện cho mẹ”.
Ngày làm việc tại công sở tuy có ngắn đi đáng kể và thình lình sếp lại thấy một nhân viên biến mất vào buổi chiều nhưng cả nhà an toàn, tiết kiệm chờ đến ngày tập trung vào năm học mới, may quá hình như đầu tháng tám đã đến rồi.
Những “giáo khoa thư” về tầm quan trọng của mùa hè đối với sự trưởng thành thể chất và tinh thần của một đứa trẻ đầy trên mạng, cha mẹ đọc tới đâu thấm thía gật gù đến đó.
Chuyên gia nhắc nhở: “Mùa hè là mùa để cho trẻ chơi, để cho trẻ thư giãn, để cho trẻ được sống “đúng tuổi thơ” của mình – đặc biệt là với trẻ thành phố vốn cả năm học bị “áp tải” trong bốn bức tường trường học, về nhà loanh quanh bốn bức tường gia đình chật chội, bí bách và nghèo nàn trò chơi, hoạt động tuổi thơ”, nghe không sai một từ nào.
Những lời khuyên về các kế hoạch hè bổ ích lý thú góp phần tăng cường cảm xúc, nuôi dưỡng trách nhiệm cho trẻ cũng lênh đênh khắp các cõi truyền thông, đọc lời khuyên nào cũng thấy chí lý.
Nhưng đại loại các lựa chọn kế hoạch hè phổ biến cũng loanh quanh trong ngần ấy phương án nói trên. Những bậc cha mẹ tận tụy sáng tạo lắm cũng chỉ đi chơi hè, nghỉ hè cùng con trong một vài tuần, hoặc đủ tiềm lực tài chính và sự kiên nhẫn để sắp xếp khéo léo các kế hoạch hè liên tiếp nhau sao cho vừa hết ba tháng.
Tôi vốn thuộc diện phụ huynh không đủ khả năng tận tụy, cũng ít sáng tạo và tiềm lực tài chính thì rất không nhiều, tôi sẽ lên kế hoạch hè cho con thế nào nhỉ?
Theo Thủy Tiên ( Tuoitre.vn)