Tác động từ việc tăng giá xăng sẽ ảnh hưởng trực đến giá các sản phẩm dịch vụ của 5 nhóm ngành này do xăng là đầu vào quan trọng.
Tăng thuế bảo vệ môi trường có thể làm tăng giá xăng dầu và ảnh hưởng lan tỏa đến nền kinh tế. Từ ngày 1/1/2019, giá xăng dầu trên cả nước áp dụng thêm phí bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng tăng từ mức hiện hành là 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít. Các sản phẩm khác như dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, dầu hỏa đều tăng từ 500 đến 1.100 đồng/lít. Tác động của việc tăng biểu thuế này có thể khiến giá xăng dầu nói chung tăng khoảng 5% so với năm 2018.
Kết quả nghiên cứu trong ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam 2018 do trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát hành cho thấy: chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng khoảng 0,18%. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng khiến chi phí trung gian của nền kinh tế tăng 0,39%, tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất tăng lên 0,1 điểm phần trăm. Từ đó dẫn đến chỉ số giá bán cho người mua tăng 0,25%.
Ảnh hưởng trực tiếp của giá xăng đến tiêu dùng cuối cùng của dân cư khiến CPI của 3 tháng sau ước tính sẽ tăng 0,22%. CPI tăng ở chu kỳ sản xuất sau thông qua quá trình sản xuất là 0,25%. Như vậy, ở ngay chu kỳ sản xuất tiếp theo, CPI có thể tăng 0,47%.
5 nhóm ngành chịu tác động trực tiếp và mạnh từ việc tăng giá xăng gồm có: dịch vụ vận chuyển, lưu trữ và bưu chính (1), dịch vụ lưu trú và ăn uống (2), thủy sản (3), dịch vụ khí đốt, cấp thoát nước, xử lý nước thải và chất thải (4) và dịch vụ vận tải, kho bãi (5).
5 nhóm ngành chịu tác động từ vòng sau là: sản phẩm kim loại (1), sản xuát thực phẩm đồ uống và thuốc lá (2), sản phẩm hóa chất, cao su, nhựa, thuốc, hóa và dược liệu, khoáng phi kim loại (3), sản xuất xe có động cơ, rơ mooc (4) và khai khoáng (5). Đây là những nhóm ngành sử dụng sản phẩm đầu vào từ ngành khác nhiều, nên tác động của việc tăng giá sẽ có độ trễ.