CBRE Việt Nam cho rằng các nhà phát triển bất động sản công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ từ việc gia tăng nhu cầu đất công nghiệp liên quan đến sản xuất và mở rộng kinh doanh của các công ty sản xuất và nhà phân phối xe ôtô.
Ngoài ra, theo CBRE, việc thiếu các khu phức hợp ôtô chuyên dụng lớn cũng sẽ tạo thêm cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản khai thác thêm lợi ích. Báo cáo của CBRE chỉ rõ 3 năm qua đã có những thỏa thuận thuê đất công nghiệp và thương mại lớn liên quan đến ngành công nghiệp ôtô. Tỷ lệ lấp đầy cao, giá cho thuê tăng chính là thách thức cho việc mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, điều này cũng được xem là cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản.
Theo nhận định của đơn vị nghiên cứu, mặc dù ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn còn non kém trong việc phát triển sản xuất và lắp ráp so với các quốc gia ASEAN khác, sự tích tụ các quỹ đất công nghiệp dành cho nền công nghiệp ô tô đang được gia tăng trên thị trường. Đồng thời, mỗi vùng miền ở Việt Nam lại có những lợi thế cạnh tranh riêng biệt dựa trên sự khác biệt về tính chất kinh doanh và sản xuất cũng như quỹ đất sẵn có.
Bất động sản công nghiệp được cho là sẽ hưởng lợi khi ngành công nghiệp ôtô phát triển. Ảnh minh họa: Tạp chí Kiến trúc.
Khoảng 61% dây chuyền sản xuất nằm ở miền Bắc và chủ yếu là ở xung quanh Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Hải Phòng, nơi hầu hết các hãng xe nổi tiếng như Toyota, Honda và Fordđặt nhà máy của họ ở đó.
Miền Nam chiếm hơn một nửa tổng số nhà máy ôtô. TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương là các địa điểm ưa thích của các nhà sản xuất ôtô ở miền Nam. Khu vực miền Trung là khu vực kém phát triển nhất trong việc sản xuất, lắp ráp ô tô và phụ tùng ôtô.
Hầu hết dây chuyền lắp ráp và dây chuyền sản xuất được đặt nhiều ở các tỉnh và thành phố công nghiệp của Việt Nam nhưng không được tổ chức tốt và hoặc quy hoạch thành các khu/ cụm công nghiệp chuyên dùng ôtô.
Theo CBRE, Khu liên hợp ôtô VinFast, Khu Liên hợp Chu Lai – Trường Hải là 2 trong số những cụm công nghiệp sản xuất ôtô lớn, hiện đại bậc nhất tại Việt Nam, tập trung ở miền Bắc và miền Trung. Trong khi đó, tại phía Nam dường như không có bất kỳ khu phức hợp sản xuất ôtô quy mô nào tương tự. Hầu hết các nhà máy lắp ráp ô tô và phụ tùng ôtô/ kho bãi được đặt trong các khu công nghiệp đa ngành.
Ngoài ra, quy mô sản xuất của từng nhà máy cũng nhỏ và tỷ lệ các nhà máy sản xuất ôtô hoặc các linh kiện có liên quan tại các khu công nghiệp tương đối thấp. Các công ty cơ khí và ôtô chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số khách thuê tại các khu công nghiệp ở Bình Dương và Đồng Nai. TP.HCM có tỷ lệ khách thuê nhà máy sản xuất ôtô và máy móc cao nhất trong các tỉnh miền Nam (khoảng 23%).
Từ những phân tích của mình, CBRE khẳng định các nhà phát triển bất động sản sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng chuyên dụng và toàn diện đi kèm với quỹ đất cho các nhà sản xuất ô tô để tạo ra các khu liên hợp sản xuất ô tô chuyên dụng.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng khẳng định năm 2019, bất động sản công nghiệp “lên ngôi” do hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng trong năm 2019, phân khúc BĐS công nghiệp sẽ đặc biệt phát triển. Đây là làn sóng mới tại Việt Nam, việc phát triển các khu công nghiệp theo đó cũng phải đồng bộ hơn để thu hút nước ngoài, các nhà đầu tư phải quan tâm đến nhà ở thương mại để đáp ứng các khu công nghiệp. Ông Hà đánh giá đây sẽ là một trong những phân khúc thị trường còn nhiều dư địa phát triển.
Theo Người Đồng Hành