Trả mặt bằng ở TP.HCM: Người từng thuê hàng chục mặt bằng trung tâm giờ còn gì?

Những ông bà chủ chịu không nổi khi làm ăn không được phải đứt ruột trả mặt bằng, chấp nhận từ bỏ ‘đứa con’ dày công xây dựng.

Nhiều người nói vui trả mặt bằng giờ đây cũng ngang ngửa với bảng quảng cáo cho thuê mặt bằng. Người vừa trả xong, thì bảng quảng cáo thuê mặt bằng lại xuất hiện. Nhiều của chủ cửa hàng, quán ăn cố gắng ‘gồng gánh’ thuê mặt bằng với với hy vọng làm ăn sẽ khởi sắc trở lại nhưng cuối cùng họ đành từ bỏ.

Từng thuê 20 mặt bằng, giờ còn 3

Đã gần 5 năm kể từ ngày anh Nguyễn Trường Danh, chủ của chuỗi cà phê EMC Coffee khai trương thương hiệu do mình làm chủ đã phải trải qua nhiều “sóng gió” với sự biến động của thời buổi làm ăn.

Nhớ thời vàng son kinh doanh, anh Trường Danh cho đó là bước đột phá nhất trong sự nghiệp. Anh kinh doanh loại hình cà phê mang đi và ngồi tại quán bằng cách thuê mặt bằng. Từ 1 quán cà phê, 2 năm đầu anh Danh đã mở rộng quy mô lên đến 20 quán cà phê với hơn 100 trăm nhân viên ở nhiều quận trong TP.HCM.

Anh Danh thuê nhiều loại mặt bằng, từ 20 đến 100 triệu đồng/tháng với các vị trí khác nhau. Tổng chi phí mặt bằng lên đến hơn 500 triệu đồng chưa kể các chi phí khác.

Chuỗi cà phê của anh Danh trong thời điểm nở rộ (Ảnh: Phạm Hữu)

Tuy nhiên, hơn ai hết, vào thời khó khăn, anh mới thấm thía hết những gì mà việc kinh doanh không mấy thuận lợi xảy đến. Anh từng trải qua 2 thời kỳ phải trả mặt bằng lớn nhất trong sự nghiệp kinh doanh. Lần đầu ở thời điểm sau dịch Covid-19, lần thứ hai là lúc khó khăn chung của hồi năm 2022 cho đến nay.

“Thời điểm sau dịch, do không còn khả năng xoay sở, lần đầu tôi xin trả lại 3 mặt bằng đang thuê. Có 3 nguyên nhân dẫn đến là: tiền thuê mặt bằng quá cao, không tuyển được nhân sự, cơ sở vật chất bị hao hụt và phải đầu tư lại rất nhiều. Tuy vậy, không phải gọi là chấm hết, tôi cảm thấy may mắn khi được nhiều chủ mặt bằng khác thương miễn và giảm tiền thuê mặt bằng. Do đó, tôi mới giữ lại được 17 quán cà phê còn lại”, anh Danh chia sẻ và nói rằng đó là thời điểm khủng hoảng tâm lý trầm trọng.

Cụ thể hơn là mỗi tháng, thay vì lo đầu tư, vận hành thì anh lại dành 20 ngày để đi “xin” các chủ mặt bằng miễn, giảm tiền thuê nhà.

Trước kia, quán cà phê của anh Danh luôn trong tình trạng đông khách (Ảnh: Phạm Hữu)

Để hạn chế rủi ro, anh Danh phải tái thiết lại bằng cách nhượng quyền thương hiệu, giảm đầu tư và dành thời gian nhiều hơn cho những quán mà mình tâm huyết. Tuy nhiên, ổn định được chưa lâu, đến năm 2023, khách đến quán ít lại, nguồn thu giảm sút, anh không còn nhiều vốn để duy trì chuỗi cà phê của mình nữa.

Cho nên, anh tiếp tục phải trả mặt bằng và đóng cửa một số quán còn lại. Cuối cùng, anh chỉ giữ lại và “gồng gánh” 3 quán cà phê cho đến tận bây giờ.

“Tôi đau xót lắm khi trả mặt bằng, nhìn các quán đóng cửa. Nó như đứa con của mình vậy. Từng quán là công sức tạo dựng thiết kế, vận hành, nhận diện thương hiệu, đội ngũ gần như mất hết. Có nơi tồn tại chỉ vài tháng, lâu hơn là một năm thì bản thân khó chấp nhận lắm”, anh Danh bày tỏ.

Đến hiện tại, việc kinh doanh của anh Danh chưa phải “ổn” mà là “gồng” để duy trì 3 quán cuối cùng. Anh Danh chọn cách kinh doanh chia sẻ. Tức, cắt bớt diện tích nơi kinh doanh, cho các đối tác khác thuê phần còn lại mới mong đủ chi phí duy trì các quán cà phê. “Ví dụ, trước kia tôi thuê căn nhà 3 tầng đều dùng để bán cà phê thì hiện giờ, tôi chỉ dành bán ở tầng trệt, 2 tầng còn lại tôi cho thuê làm văn phòng. Có như vậy, mới vượt qua được khó khăn hiện nay”, anh tâm sự.

Do sau dịch Covid – 19 kèm kinh tế khó khăn những năm gần đây, nhiều người thắt chặt chi tiêu nên lượng khách đến quán có phần ít lại. Cho nên Danh phải đóng cửa nhiều mặt bằng kinh doanh (Ảnh: Phạm Hữu)

Mỗi ngày “gồng” hơn tập tạ

“Sắp gồng không nổi rồi” là cụm từ mà chị Nguyễn T. T, chủ quán một cà phê nằm đường Bình Quới, Q.Bình Thạnh, TP.HCM phải nói lên khi chỉ mới thuê mặt bằng kinh doanh cách đây gần 1 năm.

Chị T. bắt đầu thuê nhà nguyên căn từ tháng 7.2023, dù thời điểm được xem là khó khăn chung với nhiều loại hình kinh doanh liên quan đến thuê mặt bằng. Chị chọn cách “bắt đáy” lúc mặt bằng đang giảm và chờ tình hình kinh tế sẽ ổn trong tương lai nên chị T quyết định thuê nhà 3 tầng mặt tiền đường với giá 30 triệu đồng. Trong đó mặt tiền tầng trệt dùng để kinh doanh quán cà phê, các phòng ở tầng trên sẽ cho thuê phòng trọ.

Anh Lương Thành Phát, chuyên viên môi giới mặt bằng ngành thời trang, nhà hàng tại các quận trung tâm TP.HCM thông tin: Trước dịch, vài mặt tiền nhà ở Q.1, 3, 5 có giá thuê trung bình từ 7.000 – 8.000 USD/tháng. Sau dịch nhiều chủ mặt bằng vẫn giữ giá nên tỉ lệ trả mặt bằng tăng cao.

Đến thời điểm này, cá nhân anh Phát nhìn nhận giá cho thuê thời điểm này giảm khoảng 30 – 50% so với sau dịch. Mặt bằng chuẩn ở phố thời trang Nguyễn Trãi (Q.5) giá cho thuê từ 70 – 100 triệu đồng/tháng, diện tích ngang 8m dài 16m. Thậm chí, có nhà ngang 9 m – dài 20 m hiện đang rao giá cho thuê là 110 triệu đồng/tháng dù trước dịch Covid-19 giá là 7.000 USD/tháng (khoảng 170 triệu đồng). Tuy giá mặt bằng đã giảm nhiều, có thể thương lượng nhưng đã nhiều tháng qua vẫn chưa có người hỏi thuê.

Còn ở phố thời trang đường Lê Văn Sỹ (Q.3), anh Phát cho biết giá đã giảm sâu vào khoảng 30 – 40%, dao động từ 15 – 50 triệu đồng/tháng.

Thời điểm đầu, chị T kinh doanh thuận lợi vì vào đầu năm học, sinh viên đến thuê phòng khá đông. Đồng thời, đến tháng thứ 3 quán cà phê đã có khách ổn định và có lãi. Kinh doanh chưa được bao lâu, nhiều thách thức lớn lại đến với chị T khi khách thuê trọ trả phòng, quán cà phê cũng ít khách hơn thường ngày. Từ đó, rất nhiều chi phí chị phải bỏ ra để tìm môi giới phòng trọ, giảm giá thuê, đầu tư trang thiết bị và bù đắp hao hụt vào tiền mặt bằng.

Ở phố thời trang Nguyễn Trãi, bên cạnh một cửa hàng đã dán bảng cho thuê là shop thời trang đang thanh lý để chuẩn bị trả mặt bằng (Ảnh: Phan Diệp)

“Tôi không có nhiều vốn để duy trì lâu dài, nếu để phòng trọ trống 1 – 2 tháng cũng là vấn đề lớn. Không thể bù đắp chi phí từ quán cà phê qua phòng trọ hoặc ngược lại. Đến giờ, tôi cũng hết cách để xoay vốn. Mỗi tháng, tôi phải bù lỗ để đóng tiền thuê nhà”, chị T cho hay và với tình hình này, chị T cho biết không còn phương án nào khác ngoài thương lượng với chủ nhà để cắt ngắn hợp đồng, trả mặt bằng dù mới kinh doanh được gần 1 năm.

Anh N.V.T, chủ cửa hàng thời trang nam trên đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM) chia sẻ việc buôn bán ế ẩm đã bắt đầu từ giữa năm ngoái nhưng đến thời điểm hiện tại đã “ngoài sức tưởng tượng”. Anh T tâm sự rằng có xưởng may áo sơ mi, áo thun nam ở Q.Bình Tân nên chủ động về nguồn hàng và giá cả cạnh tranh hơn các cửa hàng khác.

Ngoài cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi, anh còn có thêm 3 điểm bán khác ở Q.Gò Vấp. Không chỉ bỏ sỉ cho khách ở trong, ngoài địa bàn TP.HCM, 4 cửa hàng thời trang nam giúp anh có thêm nguồn thu mỗi tháng đến trăm triệu đồng. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm trước.

“Khoảng 1 năm nay, tôi thường xuyên bán xả với giá vốn nhưng khách vẫn không đến. Hôm nay, từ sáng đến chiều mới bán được vài trăm nghìn đồng tiền hàng. Trong khi mặt bằng thuê đã hơn 50 triệu đồng/tháng. Tôi gồng lỗ hơn nửa năm nay rồi”, ông chủ này bày tỏ vào buổi chiều buôn bán ảm đạm.

Nhiều cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi đang trong giai đoạn xả hàng, tính đến chuyện trả mặt bằng sau thời gian dài gồng lỗ (Ảnh: Phan Diệp)

Năm ngoái, tuy buôn bán ế ẩm nhưng anh T vẫn kỳ vọng sức mua sẽ tăng vào thời điểm cuối năm. Nhưng cái tết vừa rồi là năm “thất bát” nhất trong gần 20 năm kinh doanh mặt hàng thời trang nam của anh.

“Tôi nghĩ khó khăn là tình hình chung nên cố gắng gượng. 3 cửa hàng ở Q.Gò Vấp của tôi gần khu đông sinh viên nên vẫn có khách lai rai nên vẫn đủ tiền trả lương cho nhân viên. Nhưng nếu cứ đà này, chắc chắn sẽ không trụ nổi”, anh T nói.

Theo Phạm Hữu – Diệp Phan/Thanhnien.vn

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm sữa châu Âu và Ireland tăng cường quảng bá tại Triển lãm FiV 2024

Vừa qua, Sản phẩm sữa châu Âu và Ireland đã có mặt tại Triển lãm …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *