Lãi suất đã giảm, doanh nghiệp vẫn… sợ

Đại diện doanh nghiệp kiến nghị ngành ngân hàng có chính sách ổn định lâu dài, lãi suất hiện tại cần duy trì trong trung và dài hạn. “Sự không ổn định là điều doanh nghiệp rất sợ, nhất là lãi suất”.
Lãi suất đã giảm, doanh nghiệp vẫn... sợ

 Ngày 04/10/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Vinh – Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên – Tổng GĐ Công ty CP Thương mại Thái Hưng chia sẻ một số câu chuyện thực tế mà doanh nghiệp gặp phải khi vay vốn ngân hàng thời gian qua.

Bà cho rằng, NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành rất nhanh, nhưng lãi suất cho vay thì không đồng tốc, diễn ra rất chậm. Đến thời điểm này, lãi suất huy động đã giảm ít nhất 2% nhưng lãi suất cho vay mới chỉ giảm 0,5-1%. “Một lãnh đạo ngân hàng trả lời lãi suất cho vay giảm 1% là nhiều rồi, ngân hàng cũng khó khăn lắm và doanh nghiệp cần đồng hành với ngân hàng”.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng khó khăn với việc áp dụng Thông tư 02 về chính sách giãn nợ. Một doanh nghiệp chia sẻ với bà Vinh rằng khi đề cập đến việc giãn nợ, phía chi nhánh ngân hàng cho biết, để hiệu quả nhất thì doanh nghiệp nên thanh toán khoản nợ cũ rồi ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay để đảm bảo doanh nghiệp không bị giãn nợ, vì ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp. Doanh nghiệp này đã nghe theo và thanh toán khoản nợ, nhưng đến khi vay lại thì chi nhánh ngân hàng trả lời rằng bây giờ phương thức đó không được hội sở phê duyệt, không được thực hiện.

Mặc khác, theo bà Vinh, lãi suất thấp, chi phí rẻ chưa phải là vấn đề lớn với doanh nghiệp lúc này. Trong khi đó về pháp lý, việc cải cách các thủ tục hành chính đang chậm hơn nhiều so với tốc độ phát triển của kinh tế. Sự chồng chéo giữa các luật, hay nhiều bộ luật đang được sửa đổi và trong thời gian chờ đợi cũng khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên nêu 5 kiến nghị tại Hội nghị. Bà cho rằng, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ ngân hàng trong việc dự báo chính sách như lãi suất, tỷ giá (đặc biệt là cần cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được sự bình đẳng khi tiếp cận nguồn vốn, bình đẳng giữa các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là nên có sự ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ.

Thêm vào đó, kiến nghị ngành ngân hàng có chính sách ổn định lâu dài, lãi suất hiện tại cần duy trì trong trung và dài hạn. “Sự không ổn định là điều doanh nghiệp rất sợ, nhất là lãi suất”.

Đại diện Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên cũng kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc về khung pháp lý, các ngân hàng, cơ quan chính quyền rà soát để đưa ra chuẩn mực chung về cho vay.

Đại diện Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh lãi suất các nước trên thế giới tăng cao để kìm chế lạm phát, NHNN đã có sự cố gắng trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp. Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Thực tế thời gian qua, nhiều TCTD đã có nhiều lần giảm lãi suất cho vay. Hiện nay, đối với các khoản cho vay mới có lãi suất bình quân là 8%, giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022.

Lý giải vì sao lãi suất cho vay giảm chậm, đại diện NHNn cho biết, vào thời điểm cuối năm 2022, do tình hình thanh khoản khó khăn, các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên khá cao để đảm bảo thanh khoản, có nguồn vốn cho vay. Do đó, các ngân hàng phải cân đối nguồn vốn, do chi phí vốn huy động cuối năm 2022 cao nên việc giảm lãi suất cho vay sẽ chậm hơn.

Về cơ chế cho vay, NHNN cũng đã sửa đổi một số cơ chế chính sách đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, chẳng hạn như cho vay theo phương thức điện tử.

Theo thông tin tại Hội nghị, đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Tuy có sự cải thiện thời gian gần đây, nhưng mức tăng này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm.

Minh Vy – Nhịp sống thị trường

Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Người Việt Nam mạnh về mua xổ số, đầu tư dựa vào may mắn, chứ không đầu tư bằng tri thức

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề: Làm thế nào để người dân Việt …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *