Khi Kentaro Yokobori ra đời cách đây gần 7 năm, đó là lần đầu tiên sau 25 năm làng Kawakami có 1 đứa trẻ sơ sinh. Sự ra đời của cậu bé giống như một phép màu đối với nhiều người dân làng.
Trong suốt hơn 1 tuần, căn nhà của cặp vợ chồng Miho và Hirohito tấp nập người tới chúc mừng. Trong đó có rất nhiều người già, thậm chí một số người đi lại khó khăn.
Phép màu sau 25 năm
Trong một phần tư thế kỷ đó, dân số trong làng đã giảm hơn một nửa, từ 6.000 người cách đây 40 năm xuống chỉ còn 1.150 người. Những cư dân trẻ tuổi rời đi và những cư dân lớn tuổi qua đời. Nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, một số bị động vật hoang dã xâm chiếm.
Kawakami chỉ là một trong vô số những thị trấn và làng mạc nhỏ ở các vùng nông thôn Nhật Bản đã bị lãng quên khi những người Nhật trẻ tuổi rời quê lên thành phố. Hơn 90% người Nhật hiện đang sống ở các khu vực đô thị như Tokyo, Osaka và Kyoto – tất cả đều được kết nối bằng hệ thống tàu cao tốc Shinkansen nổi tiếng luôn đúng giờ của Nhật Bản.
Điều đó đã khiến các khu vực nông thôn và các ngành như nông nghiệp, lâm nghiệp và trồng trọt phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Tình trạng này có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới khi lực lượng lao động già đi. Đến năm 2022, số người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp giảm xuống còn 1,9 triệu người so với 2,25 triệu người của 10 năm trước đó.
Tuy nhiên, những gì xảy ra ở Kawakami là biểu tượng của một vấn đề vượt xa khỏi vùng nông thôn Nhật Bản.
Vấn đề của Nhật Bản là: người dân ở các thành phố cũng không sinh con.
Thời gian không còn nhiều
“Thời gian để sinh sản không còn nhiều nữa,” Thủ tướng Fumio Kishida phát biểu trong một cuộc họp báo gần đây. Hồi đầu năm, sau một loạt số liệu thống kê dân số đáng lo ngại, ông cũng cảnh báo “nước Nhật đang đứng trước nguy cơ không thể duy trì các chức năng xã hội”. Tuy nhiên, có vẻ như khẩu hiệu này cho đến nay vẫn chưa truyền được cảm hứng cho dân chúng.
Năm 2022, trên toàn nước Nhật có 799.728 ca sinh, thấp nhất từ trước đến nay và chỉ bằng một nửa so với mức 1,5 triệu ca sinh của năm 1982. Tỷ lệ sinh giảm xuống còn 1,3 trẻ trên mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản – thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 2,1 để có thể duy trì dân số ổn định. Đã hơn 1 thập kỷ đất nước này ở trong tình trạng số ca tử nhiều hơn số ca sinh.
Trong khi đó dòng người nhập cư không giúp ích được nhiều. Năm 2021, người nước ngoài chỉ chiếm 2,2% dân số, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 13,6% của nước Mỹ.
Rất nhiều người lo ngại Nhật Bản rơi xuống mốc mà không còn cách nào để có thể đảo ngược xu hướng suy giảm dân số. Các nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang phải đối mặt với 1 nhiệm vụ khó nhằn là đảm bảo lương hưu và chăm sóc y tế cho bộ phận dân số già đang ngày càng phình to trong khi lực lượng lao động thì ngày càng co hẹp.
Chống lại họ là lối sống hết sức bận rộn ở thành thị và những ngày làm việc tăng ca khiến người Nhật không còn thời gian và tâm trí để nghĩ đến chuyện lập gia đình. Chi phí sống đắt đỏ khiến việc có con và nuôi con quá đắt đỏ đối với nhiều người trẻ. Và cuối cùng, truyền thống văn hóa Nhật Bản không khuyến khích phụ nữ đi làm trở lại sau khi sinh con.
Rất nhiều phụ nữ Nhật dù có trình độ cao nhưng chấp nhận làm việc bán thời gian hoặc những công việc lặt vặt sau thời gian nghỉ sinh. Năm 2021, 39% lao động nữ làm việc partime, cao hơn nhiều so với mức 15% trong lao động nam.
Tokyo đang hi vọng sẽ giải quyết được vấn đề này bằng một số cách, ví dụ như trợ cấp cho những người muốn trữ đông trứng – biện pháp giúp tăng tỷ lệ có thai nếu người phụ nữ quyết định có con muộn để phấn đấu cho sự nghiệp trước.
Hiện trên toàn nước Nhật đã áp dụng chính sách thưởng hàng nghìn USD cho các cặp vợ chồng mới sinh con. Ngoài ra chính phủ trực tiếp hậu thuẫn 1 dịch vụ hẹn hò sử dụng công nghệ AI.
Cho đến nay chưa thể biết liệu các biện pháp này có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, đối với vùng nông thôn, câu chuyện của ngôi làng Kawakami là ví dụ cho thấy điều gì sẽ xảy ra nếu như không thể đảo ngược xu hướng suy giảm dân số.
Không chỉ dân số biến mất, rất nhiều nghề truyền thống cũng mai một dần. Trong số những người tới thăm và bế cậu bé đỏ hỏn Kentaro 7 năm trước có ông Kaoru Harumashi. Năm nay đã ngoài 70 năm, ông mưu sinh bằng nghề thợ mộc và rất thân thiết với cậu.
“Thằng bé gọi tôi là ông. Tôi cũng có cháu trai nhưng rất ít gặp vì thằng bé sống ở Kyoto. Dù không phải ruột thịt nhưng tôi cảm thấy có lẽ mình còn yêu mến Kentaro hơn cả cháu ruột”.
Cả hai con trai của ông Harumashi đều đã chuyển tới thành phố từ nhiều năm trước, giống như rất nhiều người trẻ khác chọn rời nông thôn lên thành thị.
“Về quê” nuôi gà, trồng rau
Sự ra đời của Kentaro còn đặc biệt ở chỗ bố mẹ cậu đã rời phố thị để về với vùng nông thôn, đi ngược lại với xu hướng đã tồn tại nhiều thập kỷ là người trẻ luôn bị thu hút bởi đời sống sôi động và tiện lợi của thành phố.
Một số khảo sát gần đây cho thấy ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm hơn đến vẻ hấp dẫn của cuộc sống ở vùng nông thôn. Đó là không khí trong lành, chi phí sống thấp và lối sống ít áp lực hơn – thứ rất quan trọng để người trẻ có thể lập gia đình và sinh con. 34% người được hỏi bày tỏ sự quan tâm đến việc chuyển về nông thôn, tăng mạnh so với mức 25,1% của năm 2019. Tỷ lệ trong nhóm người ngoài 20 tuổi còn cao hơn, lên đến 44,9%.
Bố mẹ của Kentaro chia sẻ chuyện lập gia đình sẽ khó khăn hơn nhiều nếu họ vẫn sống ở thành phố. Thứ khiến họ đưa ra quyết định “về quê” lại là thảm họa bao trùm nước Nhật 12 năm trước.
Khi thảm họa động đất sóng thần xảy ra ngày 11/3/2011, Miho đang là 1 nhân viên văn phòng làm việc ở Tokyo. “Tất cả mọi người đều hoảng loạn. Có tiền nhưng không thể mua được thứ gì, kể cả 1 chai nước. Hệ thống giao thông tê liệt. Cuộc sống tiện nghi, hiện đại cũng không giúp ích được gì”, cô nhớ lại.
Đó chính là khoảnh khắc Miho và Hirohito nhận ra tất cả những gì họ đang dựa dẫm vào bỗng chốc trở nên không hề bền vững. Họ cần 1 nơi thực sự ổn định. Cuối cùng, hai vợ chồng tìm đến một trong những vùng xa xôi nhất của Nhật Bản, nơi có khung cảnh đẹp như tranh với những con đường uốn lượn qua những ngọn núi rợp bóng cây tuyết tùng.
Họ nghỉ việc, dọn tới làng Kawakami và sống trong 1 căn nhà nhỏ đơn giản. Hirohito học nghề thợ mộc và cung cấp thùng đựng rượu làm bằng gỗ cây tuyết tùng cho một số công ty rượu. Còn Miho là bà nội trợ toàn thời gian. Họ tự nuôi gà, trồng rau, chặt củi và chăm sóc Kentaro.
Giờ đây có 1 câu hỏi lớn đối với không chỉ làng Kawakami mà là đối với cả nước Nhật: sự ra đời của Kentaro báo hiệu 1 tương lai tươi sáng hay chỉ là 1 phép màu thắp lên niềm hi vọng le lói trước khi cái kết không có hậu xảy ra? Thời gian sẽ đem đến câu trả lời.
Tham khảo CNN
Nhịp sống thị trường