Trong tháng 5, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 22.789 tỷ đồng trái phiếu, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng hơn 50% so với giá trị mua lại vào tháng 4.
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 1/6 đã có 4 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ diễn ra trong tháng 5 với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng.
Các đợt phát hành trái phiếu này đều đến từ Công ty TNHH Khai Thác Chế Biến Khoáng Sản Núi Pháo, một doanh nghiệp hoạt động trong ngành nguyên vật liệu. Theo VBMA, lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất phát hành 9%/năm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 34.258 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 16% tổng giá trị phát hành) và 19 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 28.737 tỷ đồng (chiếm 84% tổng số).
Trong tổng giá trị phát hành kể từ đầu năm, nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, tới 56,7%. Đứng sau lần lượt là nhóm ngành hàng tiêu dùng (30,2%); ngành nguyên vật liệu (7,6%); ngành xây dựng (2,4%); các ngành khác (3%); ngành ngân hàng (0,1%).
Còn ở chiều mua, các doanh nghiệp đã thực hiện việc mua lại 22.789 tỷ đồng trái phiếu. Con số này cho thấy quy mô trái phiếu mua lại trước hạn trong tháng 5 đã tăng 73% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng hơn 50% so với giá trị mua lại vào tháng 4.
Mặt khác, tính tới 31/5, có 16 doanh nghiệp chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu, thanh toán mua lại trước hạn và 19 doanh nghiệp công bố đã đạt được thỏa thuận thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu trong tháng 5.
Theo VBMA ước tính trong 7 tháng cuối năm 2023 sẽ có khoảng 195.237 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Trước đó vào tháng 4, các doanh nghiệp thực hiện mua lại 11.398 tỷ đồng trong tháng trước và thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng chỉ ghi nhận có 1 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 2.671 tỷ đồng.
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục trầm lắng trong bối cảnh nhiều yếu tố bất lợi từ cuối năm 2022 vẫn chưa kết thúc và khó khăn về dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc trái phiếu.
Tuy nhiên, VBMA cho biết tới cuối tháng 4 đã có hơn 20 doanh nghiệp phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với trái chủ.
Đầu tháng 4 theo theo báo cáo của VNDirect, trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 232.600 tỷ đồng.
Trong đó quý II sẽ có khoảng hơn 70.954 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 127% so với quý I. Bất động sản vẫn là nhóm chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý này. Đứng thứ 2 là nhóm tài chính ngân hàng với tỷ lệ chiếm hơn 37% tổng giá trị đáo hạn.
Sang quý II sẽ có khoảng hơn 70.954 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Đến quý III, VNDirect ước tính sẽ có 77.738 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Và quý IV là 52.321 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.
Theo Zing