Bảo hiểm khoản vay hay còn gọi bảo hiểm tín dụng là một hình thức bảo hiểm giúp người vay trả nợ ngân hàng nếu mất khả năng thanh toán. Khi người vay gặp rủi ro bị tử vong hoặc tai nạn thương tật vĩnh viễn, công ty bảo hiểm sẽ thanh toán khoản dư nợ còn lại cho ngân hàng.
Theo quy định, khi bên đi vay mất, bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn khiến bản thân mất đi khả năng tạo ra thu nhập để trả nợ, nghĩa vụ trả nợ không bị chấm dứt mà tiếp tục tồn tại cho đến khi bên đi vay trả hết nợ cho bên cho vay. Thậm chí, trường hợp bên đi vay không may tử vong, nghĩa vụ trả nợ sẽ chuyển sang cho những người thừa kế của bên đi vay trong phạm vi di sản thừa kế.
Các ngân hàng thường khuyến nghị khách hàng mua bảo hiểm khoản vay cho tất cả các hợp đồng tín dụng, đặc biệt là các khoản vay tín chấp như vay tiêu dùng. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để các ngân hàng dễ dàng phê duyệt khoản vay của khách hàng hơn. Thông thường, công ty bảo hiểm sẽ do ngân hàng chỉ định.
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, các loại bảo hiểm bắt buộc bao gồm: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; Bảo hiểm cháy, nổ.
Mặt khác, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng cũng không có điều khoản nào bắt buộc về bảo đảm khoản vay.
Như vậy, việc khách hàng mua bảo hiểm tín dụng đối với khoản vay là thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng vay trên cơ sở tự nguyện của các bên. Việc mua bảo hiểm liên quan đến khoản vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật về bảo hiểm, qua đó đảm bảo cho khách hàng sẽ được bù đắp một phần hoặc toàn bộ tổn thất trong trường hợp rủi ro xảy ra trong phạm vi bảo hiểm và góp phần hỗ trợ ngân hàng kiểm soát chất lượng tín dụng.
Tùy từng ngân hàng và khoản tiền theo nhu cầu vay của khách hàng mà mức phí bảo hiểm khoản vay sẽ là khác nhau, thông thường từ 3-6%. Tiền phí bảo hiểm khoản vay sẽ được ngân hàng trừ trực tiếp vào khoản vay khi giải ngân hoặc sẽ được cộng thêm vào số nợ gốc. Với những khoản vay lớn và dài hạn, mức phí này là khá lớn đối với nhiều khách hàng. Do đó, khách hàng tùy vào điều kiện tài chính và nhu cầu của mình có thể cân nhắc có tham gia bảo hiểm tiền vay hay không.
Mặc dù quy định không bắt buộc nhưng thực tế ở nhiều ngân hàng, việc tự nguyện mua bảo hiểm chỉ mang tính hình thức. Nếu không mua gói bảo hiểm khoản vay thì ngân hàng sẽ không xét duyệt hoặc giải ngân chậm khoản vay đó. Tuy nhiên, việc ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn là hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Nếu cố tình vi phạm, ngân hàng có thể bị phạt vi phạm hành chính theo điểm đ khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng.