VIB dẫn đầu ngành ngân hàng, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam.
Bảng xếp hạng 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam (Top 50) do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) thực hiện thường niên, với sự tham vấn của các chuyên gia kinh tế, kinh doanh từ trường Kinh doanh Harvard.
Top 50 triển khai trên cơ sở đo lường kết quả kinh doanh các công ty liên tiếp 3 năm, dựa vào 3 chỉ số tăng trưởng: doanh thu, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên cổ phiếu. Kết quả đo lường nhằm đánh giá khách quan năng lực quản trị của doanh nghiệp.
Góp mặt trong top 50 lần này ở ngành ngân hàng có VIB cùng TPBank, MB, SHB, Techcombank, ACB, VPBank và Vietcombank.
Những năm qua, 8 ngân hàng trong bảng xếp hạng cũng có những bước chuyển đổi chiến lược, đổi mới trong sản phẩm dịch vụ, qua đó đưa tăng trưởng doanh thu trung bình trong 3 năm đạt trên 17%. Trong đó, VIB, TPBank và MB có tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 28,3%, 26,1% và 19%.
ROE trung bình của top 8 đạt 22% cao hơn mức trung bình ngành là 17%. Trong đó, VIB dẫn đầu ngành với ROE trung bình giai đoạn 2019 – 2021 là 29%. Các nhà băng cũng đầu tư vào con người, công nghệ và nền tảng vận hành, đẩy mạnh các nền tảng số hóa, xây dựng mô hình vận hành và quy chuẩn bộ sản phẩm dịch vụ phục vụ khách hàng.
Năm 2022, ngành ngân hàng tiếp tục dẫn đầu top 50 công ty niêm yết tốt nhất 2022 với 7 đại diện theo công bố của Forbes. Đà tăng trưởng bền vững là điểm nổi bật của các ngân hàng trong danh sách. Những năm qua, các ngân hàng này đã xây dựng bộ đệm vững chắc về nội lực, thiết lập đà tăng trưởng bền vững, mở rộng về quy mô vốn, duy trì các chỉ số an toàn và hiệu quả hoạt động trong nhóm dẫn đầu thị trường.
Định kỳ hàng năm, Ngân hàng Nhà Nước cũng xếp hạng các ngân hàng theo bộ tiêu chuẩn đánh giá gồm các tiêu chí về cả định tính và định lượng, theo mô hình CAMELS. Tong đó, C (Capital: Vốn chủ sở hữu), A (Assets: Chất lượng tài sản), M (Management: Quản trị điều hành), E (Earnings: Kết quả kinh doanh), L (Liquidity: Khả năng thanh khoản), S (Sensitivity: Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường).
“Các thước đo và đánh giá của các tổ chức độc lập cũng như các cơ quan quản lý sẽ là những yếu tố tích cực để giúp các nhà băng tiếp tục phát triển kinh doanh bền vững, tạo nên các định chế tài chính chất lượng, tạo niềm tin cho khách hàng, cơ quan quản lý và nhà đầu tư”, đại diện VIB chia sẻ.
Theo Tuấn Khang/vnexpress.net