Những đứa trẻ Thượng Hải bị lãng quên

Ở tuổi 61, Sun Baowei vẫn không biết mình sinh ra ở đâu, hay cha mẹ mình là ai. Hàng chục bạn học cũ của ông cũng vậy.

Cuộc sống của Sun khá bình lặng. Ông làm chủ một cửa hàng nhỏ ở Dorbod Banner, một vùng đồng cỏ trải dài hẻo lánh ở biên giới Trung Quốc giáp Mông Cổ. Như nhiều người cùng tuổi ở vùng này, tuổi thơ của ông mang đậm dấu ấn đau thương.

Người dân địa phương ở đây có cùng một cái tên được mọi người ví như Sun: Búp bê Thượng Hải. Họ là một thế hệ trẻ lớn lên trong thời kỳ xảy ra nạn đói đầu những năm 1960 ở Trung Quốc bởi thiên tai và mất mùa. Các tỉnh ở vùng ven biển phía đông của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đến năm 1961, hàng chục nghìn trẻ sơ sinh từ các vùng quê xung quanh đổ về Thượng Hải. Nhiều trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi bởi những gia đình tuyệt vọng hy vọng thành phố đủ thức ăn để nuôi bọn trẻ.

Họ đã nhầm. Mặc dù là một trong những thành phố giàu có nhất của Trung Quốc, Thượng Hải không thể cung cấp thực phẩm cho tất cả trẻ sơ sinh. Chính quyền trung ương buộc phải can thiệp, sắp xếp các cuộc đàm phán khẩn cấp và yêu cầu các quan chức ở miền bắc, nơi ít bị những ảnh hưởng bởi nạn đói, hỗ trợ khẩn cấp.

Thượng Hải đã yêu cầu Nội Mông, nơi có ngành công nghiệp sữa khổng lồ do có đồng cỏ trù phú, gửi sữa bột khẩn cấp để nuôi trẻ sơ sinh. Nhưng Ulanhu, chủ tịch sáng lập Nội Mông đã đề nghị nhận nuôi một số trẻ không nơi nương tựa.

Hơn 3.000 trẻ sơ sinh đã được chuyển đến Nội Mông, vùng đất cách hơn 1.500 km về phía bắc. Theo hồ sơ của chính phủ, tổng cộng hơn 50.000 trẻ em đã được đưa từ Thượng Hải và các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang lân cận đến Nội Mông.

Các cuộc sơ tán thay đổi vĩnh viễn cuộc đời của những đứa trẻ. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc hầu như không thừa nhận điều đó. Chỉ gần đây đất nước và chính những đứa trẻ mới bắt đầu đối mặt với quá khứ rắc rối này.

Quá trình di dời thường hỗn loạn. Trong một số trường hợp, những chuyến tàu chở đầy trẻ mồ côi chạy qua miền bắc Trung Quốc cho đến khi tìm được nơi sẵn sàng nhận bọn trẻ. Một số trẻ đã kết thúc hành trình ở tận Khu tự trị Tân Cương.

Không có hồ sơ lưu giữ nơi những đứa trẻ được đưa đến hoặc tên của chúng. Cho đến nay, nhiều người không bao giờ tìm thấy tên họ của mình.

Sun Baowei đến thăm Duguima tại nhà riêng của bà, năm 2021. Ảnh: Sun Baowei

Sun Baowei đến thăm Duguima tại nhà riêng của bà, năm 2021. Ảnh: Sun Baowei

Ông Sun Baowei đến Nội Mông năm 1961. Sau khi đến Dorbod Banner, ông và 27 đứa trẻ khác, hầu hết là bé gái, được đưa đến một nhà trẻ do nhà nước quản lý, nơi chính quyền địa phương đã vội vàng thiết lập để nhận chúng. Ở đó, chúng được một phụ nữ tên là Duguima chăm sóc.

Nội Mông đã phải vật lộn để giải quyết lũ trẻ. Đó là một vùng nông thôn nghèo, có khí hậu và văn hóa rất khác với miền đông Trung Quốc. Người dân địa phương chủ yếu chăn nuôi gia súc, chế độ ăn uống nhiều thịt và sữa. Không giống như miền nam ẩm ướt, mùa đông Nội Mông rất lạnh, thường xuyên có những trận bão tuyết dữ dội.

Một số trẻ em đã chết ngay sau khi đến Nội Mông. Các quan chức địa phương quyết định cần phải làm gì đó để giảm bớt tổn hại. Họ bắt đầu tạo ra một mạng lưới các nhà trẻ và thuê những người dân địa phương như Duguima để điều hành chúng. Những người như Duguima được giao nhiệm vụ giúp những đứa trẻ thích nghi với đồng cỏ, trước khi chúng được các gia đình địa phương nhận nuôi.

Khi đó Duguima mới 19 tuổi. Bà chưa lập gia đình và không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhưng bà xin việc vì nghĩa vụ và được nhận vì “trong sáng về mặt đạo đức”. Thời điểm đó, bà ở trong một ngôi nhà tường bằng đất sét, một mình chăm sóc 28 đứa trẻ từ vài tháng đến 5 tuổi.

Bây giờ đã 81 tuổi, Duguima vẫn nhớ những tháng ngày đó khó khăn thế nào. Bà gần như không ngủ vào ban đêm. Cứ một đứa trẻ khóc, những đứa còn lại sẽ khóc theo. Không nói được tiếng phổ thông, bà thể hiện tình cảm của mình với lũ trẻ bằng cách đan cho chúng những chiếc áo dài truyền thống của Mông Cổ với nhiều màu sắc khác nhau.

“Tôi cảm thấy thương những đứa trẻ mồ côi đó. Tôi muốn chăm sóc chúng và giúp chúng thích nghi với cuộc sống ở đây”, Duguima nói. Nhưng trong vài tháng sau, những đứa trẻ được gửi đến các gia đình nhận nuôi, nhà trẻ trống trơn.

Muốn những đứa trẻ được đối xử tối, chính quyền chỉ cho phép những cặp vợ chồng hiếm muộn, có khoản tiết kiệm mới đủ điều kiện nhân nuôi. Dẫu vậy, Sun, khi đó một tuổi, được một gia đình nhận nuôi sau 2-3 tháng, rồi bỏ rơi. May mắn là một gia đình khác khá giả hơn nhận nuôi cậu ngay sau đó.

Sun Baowei lúc 5 tuổi, 1965(ảnh trái) và ảnh ông chụp với gia đình nuôi của mình vào năm 1970. Ảnh: Sun Baowei

Sun Baowei lúc 5 tuổi năm 1965 (ảnh trái) và ảnh ông chụp với gia đình nuôi của mình vào năm 1970. Ảnh: Sun Baowei

Những đứa trẻ khác sống khó khăn hơn. Jalgamj đến Dorbod Banner cùng với Sun, nhưng khi đã 5 tuổi. Sau 6 tháng, cậu bé vẫn chưa được nhận nuôi. Khi nhà trẻ bắt đầu đóng cửa, cậu và một vài đứa trẻ còn lại đến sống với Duguima.

Cuối cùng, một gia đình chăn nuôi đã đề nghị nhận Jalgamj. Duguima, lúc đó rất yêu quý cậu bé, thường cưỡi ngựa đến thăm. Một ngày nọ, bà nhìn thấy Jalgamj, khi đó 7 tuổi, đang vác một bao phân bò nặng trịch trong cái lạnh cóng. Các ngón tay trái của cậu bé đã cứng đơ, không thể cựa quậy. Duguima rất tức giận. Bà trách mắng gia đình kia và đưa Jalgamj trở về chỗ cũ.

Vẫn còn độc thân, theo quan niệm truyền thống ở Nội Mông, Dguima không thể nhận nuôi cậu bé nên nhờ một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi đón về. Họ thương cậu bé như con đẻ, cho đến trường.

Trong nhiều thập kỷ, nhiều “búp bê Thượng Hải” hầu như không biết gì về quá khứ đau thương này. Ulanhu, lãnh đạo của Nội Mông, đã bị cách chức vào cuối những năm 1960. Di sản của ông gây tranh cãi. Các gia đình Mông Cổ thường tránh nhắc đến chuyện con nuôi, coi đó như một bí mật đen tối cần được che đậy.

Nhưng không phải tất cả đều làm thế. Gia đình người Mông Cổ nhận nuôi Jalgamj từng công khai nói chuyện về việc việc này. Khi cậu bé 12 tuổi, cha mẹ nuôi đưa cậu đến thăm Duguima. Jalgamj không nhớ bà, nhưng cha mẹ nuôi giải thích và yêu cầu cậu gọi bà là Eej, có nghĩa là mẹ trong tiếng Mông Cổ.

Cha mẹ nuôi của Sun, giống như nhiều gia đình, luôn từ chối thảo luận về nguồn gốc của con trai. Cho đến ngày hấp hối, họ vẫn duy trì ảo tưởng rằng ông là con đẻ. “Cha mẹ tôi coi việc nhận con nuôi là điều cấm kỵ”, Sun kể lại. “Họ đã cố gắng giữ bí mật với tôi trong suốt cuộc đời”.

Sun đã tự mình tìm ra sự thật. Dorbod Banner trải dài trên một khu vực rộng lớn, nhưng đó là một cộng đồng nhỏ với khoảng 10.000 người sống ở đó vào những năm 1960. Và mọi người bắt đầu đồn thổi.

Ở trường tiểu học, những đứa trẻ khác sẽ gọi Sun và những đứa trẻ được nhận nuôi là “búp bê Thượng Hải”. Khi đánh nhau, ông nhớ lại những người bạn cùng lớp đã hét lên: “Mày là đứa mồ côi không ai muốn nuôi”. Một ngày nọ, sau một lần như vậy, Sun về nhà và hỏi thẳng mẹ: “Con có phải là con nuôi không?”

“Ai đã nói thế?”, mẹ Sun hét lên và đến thẳng nhà đứa trẻ kia. Bà không chịu quay về nếu cha mẹ đứa trẻ không chịu trừng phạt con mình. Sau đó, Sun đã học cách né tránh chủ đề này. Tuy nhiên, những nghi ngờ của ông vẫn tiếp tục đeo đẳng. Ông bắt đầu nhận thấy mình không có mặt trong tất cả các bức ảnh gia đình từ năm 1960, năm sinh của ông. Cuối cùng, Sun nhận ra những tin đồn là sự thật.

Ông nhấn mạnh, những “búp bê Thượng Hải” không bao giờ cảm thấy thấp kém hay bị phân biệt đối xử nhưng ông không thể ngừng băn khoăn về quãng đời đã mất.

Năm 1983, Sun, lúc này 22 tuổi, đến Thượng Hải lần đầu tiên kể từ khi rời thành phố. Không có manh mối nào cụ thể để tìm nguồn cuội, ông làm nghề bán thịt đông lạnh ở đây, nhưng vẫn dành phần lớn thời gian hỏi han, cố gắng tìm hiểu xem mình đến từ đâu.

Một ngày nọ, Sun thuê một chiếc xe ôm đến trại trẻ mồ côi nơi ông ở trước khi được đưa đến Nội Mông. Sun đứng bên ngoài, ngước nhìn tòa nhà bốn tầng màu gụ. Ông nán lại bên cửa để tìm cảm giác, rồi nhìn vào trong.

“Tôi không thể không tưởng tượng mình sẽ có cuộc sống như thế nào ở đây nếu tôi không đến Nội Mông”, Sun nhớ lại.

Tuy nhiên, Sun không bao giờ bước qua cánh cửa đó và không bao giờ lần theo dấu vết của cha mẹ đẻ của mình. Năm 2009, Trung Quốc đã tạo ra một cơ sở dữ liệu ADN để kết nối lại những đứa trẻ bị ly tán với gia đình, nhưng Sun không đăng ký. Ông vẫn đấu tranh để giải thích tại sao.

Khi đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ra mắt “Waiting for Me” – một chương trình truyền hình thực tế về việc giúp đỡ những đứa trẻ bị bỏ rơi tìm lại gia đình, vào năm 2014, Sun đã nộp đơn đăng ký. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ nhận được phản hồi từ nhà sản xuất. Thời điểm đó, ông đã rất đau khổ, nhưng giờ cân bằng hơn.

“Tôi hài lòng với cuộc sống ở đây, nó đơn giản. Bất lợi duy nhất là khí hậu nhiều gió”, ông nói khi ngồi trong căn hộ của mình ở Dorbod Banner.

Trong những năm qua, Sun đã gặp hàng chục người khác từ Thượng Hải đến Nội Mông cùng thời với mình. Một số người trong số họ cũng đã quay về quê cũ, nhưng không một ai đăng ký ADN để tìm kiếm gia đình ruột thịt. “Tôi muốn nhìn thấy nơi tôi sinh ra nhưng tôi coi Nội Mông là nhà của mình”, Jalgamj nói.

Trong những năm gần đây, những “búp bê Thượng Hải” đã hình thành một mối liên kết chặt chẽ muộn màng, vì Trung Quốc cuối cùng đã bắt đầu thừa nhận các cuộc sơ tán.

Khi Nội Mông tưởng niệm cuộc đời của Ulanhu vào năm 2006, Sun và 20 “búp bê Thượng Hải” khác từ Dorbod Banner đã được mời tham dự một buổi lễ đặc biệt ở Hohhot, thủ phủ của khu vực. Khi lên xe buýt, Sun ngạc nhiên khi thấy một số bạn học cũ của mình đang ngồi ở đó. Họ cười, nói: “Ông cũng bị bỏ rơi!”.

Kể từ đó, nhóm vẫn giữ liên lạc. Họ đã thành lập một nhóm trò chuyện trên ứng dụng xã hội WeChat, có gần 500 thành viên và tổ chức các buổi gặp mặt nhiều lần trong năm.

Mặc dù tất cả đều được sinh ra ở miền đông Trung Quốc, nơi chủ yếu là người Hán, nhưng giờ là một nhóm đa dạng. Họ đã được nhận nuôi bởi các gia đình Nội Mông từ nhiều nguồn gốc khác nhau: Mông Cổ, Hui và Daurs…

Bà Duguima đã được trao tặng các danh hiệu danh dự trong những năm gần đây, bao gồm “10 người mẹ phi thường hàng đầu Trung Quốc” và “Người được đề cử cho vai trò đạo đức quốc gia”. Năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi bà là “Hình mẫu của nhân dân”. Ngay cả các trạm dừng xe buýt ở Dorbod Banner giờ cũng được dán đầy áp phích Duguima.

Đối với Duguima và những đứa trẻ mà bà giúp đỡ, đó là một sự đảo ngược kỳ lạ sau nhiều thập kỷ im lặng. Nhưng Sun tự hào về sự công nhận mà Duguima đã nhận được. “Cho đến năm 2006, tôi không biết bà là ai, nhưng bà chắc chắn đã cứu mạng tôi”, ông nói.

Nhật Minh (Theo Sixthtone)/vnexpress.vn

Có thể bạn quan tâm

Năng suất lao động doanh nghiệp Việt Nam chỉ bằng 30% Singapore

Dù lao động trong các doanh nghiệp góp phần tạo ra 60% GDP cả nước, …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *