13 nguyên nhân khiến tai nghe kém

Ngoài tuổi tác, tiếp xúc với tiếng ồn trong công việc, dùng tai nghe âm lượng lớn, chấn thương đầu, dùng một số loại thuốc… cũng khiến khả năng nghe suy giảm.

Tiếng ồn trong công việc: Suy giảm thính lực là tình trạng rất thường gặp, không chỉ do quá trình lão hóa tự nhiên. Một trong những nguyên nhân là do tiếng ồn lớn ở nơi làm việc như tiếng máy móc, tiếng xe, dụng cụ điện… Những người thường xuyên làm việc trong môi trường có nhiều tiếng ồn nên thường xuyên nghỉ giải lao, đeo nút tai hoặc thiết bị bảo vệ tai.

Chấn thương đầu: Tình trạng chấn thương đầu nghiêm trọng có thể làm trật khớp xương tai giữa hoặc làm hỏng các dây thần kinh, dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn. Những thay đổi đột ngột về áp suất khi đi máy bay hoặc lặn biển cũng không tốt cho màng nhĩ, tai giữa hoặc tai trong. Tổn thương trong màng nhĩ thường lành trong vài tuần. Nhưng nếu tai trong bị thương nặng, người bệnh có thể phải phẫu thuật. Người lớn, trẻ nhỏ không nên nhét tăm bông hoặc các vật dụng khác vào tai vì có thể làm rách màng nhĩ và gây ra tổn thương vĩnh viễn.

Dùng thuốc: Mất thính lực có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc điều trị ung thư và thuốc rối loạn cương dương. Bác sĩ có thể sẽ theo dõi thính giác của người bệnh trong khi dùng các loại thuốc này. Tuy nhiên, một số trường hợp mất thính giác có thể là vĩnh viễn. Các loại thuốc khác có thể làm mất thính giác tạm thời như aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc cho bệnh cao huyết áp, thuốc chống sốt rét.

Bệnh mạn tính: Một số bệnh kéo dài dù không liên quan trực tiếp đến tai nhưng có thể gây mất thính lực. Bởi những bệnh lý tim, đột quỵ, huyết áp cao, bệnh tiểu đường… có thể làm gián đoạn lưu lượng máu đến tai trong hoặc não. Các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp cũng có liên quan đến mất thính giác.

Điếc thần kinh giác quan đột ngột: Tình trạng này xảy ra khi bạn bị mất thính lực đột ngột hoặc trong một vài ngày. Nó thường chỉ ảnh hưởng đến một bên tai. Chấn thương, thuốc men hoặc một số tình trạng y tế có thể khiến điếc thần kinh giác quan đột ngột. Nhưng trong 90% trường hợp, bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân. Điều trị có thể bảo vệ thính giác của người bệnh.

Khối u: Sự phát triển của khối u không phải ung thư như khối u xương, mô sẹo và u nang có thể chặn ống tai của bạn và khiến mất thính giác. Đôi khi, việc loại bỏ phần khối u tăng trưởng sẽ phục hồi thính giác. Một khối u hiếm gặp là u thần kinh âm thanh phát triển trên thính giác và các dây thần kinh cân bằng trong tai trong của người bệnh. Cùng với mất thính lực, nó có thể gây ra các vấn đề về thăng bằng, tê mặt và ù tai. Điều trị đôi khi có thể giúp người bệnh khôi phục khả năng nghe.

Tiếng nổ: Đạn pháo, tiếng súng nổ và các vụ nổ khác tạo ra sóng âm thanh mạnh có thể làm vỡ màng nhĩ hoặc làm hỏng tai trong. Điều này có thể dẫn đến mất thính lực đột ngột, tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong một số trường hợp có thể biết trước, bạn nên đeo thiết bị bảo vệ tai và đứng càng xa nguồn phát ra tiếng ồn càng tốt để bảo vệ thính giác.

Buổi hòa nhạc: Mức decibel trung bình ở buổi biểu diễn nhạc rock 110 decibel đủ để sát thương tai trong vòng chưa đến 5 phút. Bất kỳ tiếng ồn nào trên 85 decibel đều có thể ảnh hưởng đến thính giác của người nghe. Tai của bạn có thể bị ù sau một buổi hòa nhạc. Ù tai có thể kéo dài hàng giờ, hàng tuần hoặc mãi mãi. Để ngăn ngừa ù tai, bạn có thể đeo nút tai và hạn chế tiếp xúc với âm thanh lớn.

Dùng tai nghe với âm lượng lớn: Nếu người bên cạnh có thể nghe thấy âm thanh qua tai nghe của bạn thì bạn đang bật âm lượng quá mức cần thiết. Nghe âm thanh lớn, trong thời gian dài có thể khiến mất thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nhạc càng to và nghe càng lâu thì rủi ro càng lớn. Để nghe an toàn hơn, bạn nên chỉnh âm lượng không hơn 60% mức âm lượng tối đa và không nên nghe hơn một giờ mỗi lần.

Nghe nhạc với âm lượng lớn trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến tai. Ảnh: Freepik

Nghe nhạc với âm lượng lớn trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến tai. Ảnh: Freepik

Tích tụ ráy tai: Ráy tai bảo vệ ống tai, chống lại bụi bẩn và vi khuẩn. Nhưng nó có thể tích tụ, cứng lại và ảnh hưởng đến thính giác. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thính lực có thể điều trị được. Khi ráy tai bị tắc, bạn không nên cố gắng loại bỏ chúng, đưa tăm bông hoặc bất cứ vật gì vào ống tai. Các bác sĩ có thể giúp bạn loại bỏ ráy tai tích tụ nhanh chóng và an toàn.

Nhiềm trùng tai: Nhiều bệnh thường gặp ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến thính giác. Khi nhiễm trùng tai, tai giữa có thể chứa đầy chất lỏng, gây mất thính lực tạm thời. Các bệnh khác có thể làm tổn thương tai giữa hoặc tai trong và dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn như thủy đậu, viêm não, bệnh cúm, bệnh sởi, viêm màng não, quai bị. Vaccine có thể giúp trẻ phòng tránh một số căn bệnh này.

Khiếm thính bẩm sinh: Một số trẻ đã bị khiếm thính bẩm sinh. Trường hợp này thường xảy ra trong gia đình, có thể di truyền. Tuy nhiên, trẻ bị khiếm thính bẩm sinh cũng có thể do người mẹ mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, nhiễm trùng khi mang thai. Sinh non hoặc chấn thương trong khi sinh, vàng da… cũng có thể khiến trẻ sơ sinh mất thính lực.

Tuổi tác: Khả năng nghe suy giảm khi già đi do quá trình lão hóa ngay cả khi bạn chú trọng chăm sóc và bảo vệ đôi tai. Đến 75 tuổi, gần một nửa số người bị mất thính giác. Có những cách giúp người cao tuổi nghe tốt hơn như máy trợ thính, cấy ghép điện cực ốc tai… Bậc cao niên có thể nói chuyện với bác sĩ để xem xét phương pháp phù hợp.

Theo Kim Uyên (Theo Webmd)/vnexpress.net

Có thể bạn quan tâm

Năng suất lao động doanh nghiệp Việt Nam chỉ bằng 30% Singapore

Dù lao động trong các doanh nghiệp góp phần tạo ra 60% GDP cả nước, …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *