Quán bún ốc ‘suông’ đắt khách suốt ba thập kỷ

Quán bún ốc trên phố Hàng Chai nổi tiếng bởi công thức chế biến gia truyền, chỉ có bún và ốc, không cho thêm thành phần nào khác.

Bún ốc nằm trong danh sách những món nhất định phải thử khi tới Hà Nội. Món ăn này hiện nay có nhiều biến tấu, kết hợp với các thành phần khác nhau như trứng vịt lộn, thịt bò chần tái, giò tai, giò bò, sườn lợn… Tuy nhiên, người Hà Nội xưa thường thích ăn món bún ốc “suông”, tức là chỉ gồm bún và ốc, không cho thêm bất kỳ nguyên liệu nào khác. Hiện nay, ở Hà Nội, không có nhiều quán phục vụ theo cách truyền thống này. Một trong số đó là quán bún ốc trên phố Hàng Chai.

Khách phương xa khi tới thủ đô thường “rơi vào ma trận” không biết nên ăn ở đâu bởi có vô số quán trong các khu chợ, phố ẩm thực. Tuy nhiên, nếu hỏi một người dân phố cổ thì bún ốc Hàng Chai luôn được nhắc tới. Mở cửa đã ba thập kỷ, quán nằm trong một con phố nhỏ hẹp và khiêm tốn trong khu phố cổ nhưng luôn tấp nập khách ra vào. Vào những buổi sáng cuối tuần hay giờ cao điểm buổi trưa, quán luôn chật kín khách vòng trong, vòng ngoài.

Vì thành phần rất đơn giản nên chất lượng của từng nguyên liệu rất dễ bị “tố giác” nếu không đảm bảo đủ độ ngon. Nước dùng phải trong, chua thanh vị giấm bỗng, ngọt vị xương. Sợi bún nhỏ, mảnh, cho lượng vừa đủ, không quá nhiều cũng không quá ít bởi đặc trưng của món này là ăn thanh cảnh, ăn nhẹ, ăn chơi chơi. “Nhân vật chính” làm nên bát bún ốc luôn là những chú ốc béo múp, giòn giòn, dai dai. Chất lượng ốc tùy mùa, ngon nhất là tầm tháng 10 âm lịch.

Bát bún không thể thiếu một vài miếng cà chua đỏ rực, thái múi cau, vừa tăng vị chua thanh, vừa thêm màu sắc, kích thích vị giác. Thông thường, khách ăn sẽ gọi thêm rau sống, có thể nhờ chủ quán chần qua. Rau sống phải có đủ tía tô, kinh giới, xà lách… mùi thơm nhẹ, ăn cùng bún ốc rất hợp. Theo Đông y, ốc sống dưới nước, tính hàn, những người thể trạng yếu ăn nhiều không tốt, nhất trong những ngày trời lạnh nhưng khi kết hợp với những loại rau tính ấm như tía tô, kinh giới, món ăn được trung hòa, an toàn để ăn suốt bốn mùa.

“Dân chơi hệ bún ốc” nhất định phải cho thêm một thìa ớt chưng đặc biệt, để làm dậy vị cay tê, ngon khó cưỡng. Gắp một đũa bún, thêm chút nước dùng nóng hổi, cắn một miếng ốc ngập răng, thực khách cảm nhận rõ hương vị của một món ăn cổ truyền. Ngay cả trong những ngày nắng nóng, bún ốc vẫn được ưa chuộng bởi vị chua chua dễ ăn, không ngán.

Sự kết hợp đơn giản giữa bún và ốc đôi khi khiến nhiều người ăn không quen cảm thấy đơn điệu, nhàm chán. Thực khách có thể yêu cầu thêm thịt bò và nhờ chủ quán chần vào bát bún ăn kèm nếu thích. Dù vậy, đa phần khách tới quán đều chỉ thích thưởng thức hương vị “nguyên thủy” bởi khi cho nhiều nguyên liệu sẽ ảnh hưởng đến mùi vị gốc của món ăn.

Quán có không gian nhỏ, chủ quán để nồi nước dùng lớn ở ngay cửa, đặt ở một bên quang gánh. Bên còn lại là thúng bún tươi, lót phía dưới là lá chuối, gợi nhớ cảm giác của những gánh hàng quê dân dã. Quán đông khách nhưng phục vụ khá nhanh nhẹn. Trước đây, bún ốc Hàng Chai từng nhận một số phàn nàn về vệ sinh thực phẩm. Chỗ ngồi ít, chật hẹp và ẩm thấp. Tuy nhiên, nhiều thực khách coi đó là vấn đề “muôn thuở” của các quán ăn trong khu phố cổ, một khi đã quen vị ở đâu thì sẽ ăn trung thành ở đó.

Giá một bát khoảng 40.000 đồng, không rẻ nhưng cũng không quá đắt so với vị trí khu trung tâm. Quán chỉ bán từ sáng tới qua giờ ăn trưa.

Nguồn: https://ngoisao.vnexpress.net/quan-bun-oc-suong-dat-khach-suot-ba-thap-ky-4502355.html

Có thể bạn quan tâm

Phim ‘Móng vuốt’: Kỹ xảo tạo quái thú liệu có đủ sức chinh phục khán giả?

Trước khi chính thức ra rạp, ê-kíp phim “Móng Vuốt” đã hé lộ quá trình …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *