KOL tận dụng cả đám cưới để bán quảng cáo

Áp lực vì chi phí tổ chức đám cưới tăng vọt vì lạm phát, cô dâu và chú rể quyết định kêu gọi tài trợ từ các nhãn hàng, đổi lại là những bài đăng quảng cáo trên trang cá nhân.

Tháng 7 năm ngoái, cặp đôi Yola Robert (29 tuổi) và Mark Huntsinger (33 tuổi) đến từ bang California (Mỹ), đính hôn và bắt tay vào chuẩn bị đám cưới. Cả hai đều là người sáng tạo nội dung số, thuộc nhóm influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) với 50.000-100.000 lượng theo dõi, theo NY Post.

Sau khi tính toán, Yola kinh ngạc khi ước tính chi phí tổ chức lên đến 100.000 USD để đám cưới diễn ra theo đúng ý nguyện của mình, với các khoản tốn kém như hoa tươi, tiệc mừng, rượu và xe limousine, địa điểm cưới.

Thực tế, khi hôn lễ diễn ra vào tháng 6 năm nay, hai vợ chồng chỉ phải bỏ khoảng 20.000 USD tiền túi. Giải pháp đã làm là biến ngày cưới thành một sự kiện quảng cáo, nhận tiền tài trợ từ các nhãn hàng.

sao mang nhan tien quang cao anh 1
Yola Robert và Mark Huntsinger quyết định biến đám cưới thành sự kiện nhận quảng cáo để tiết kiệm tiền tổ chức.

Dành tiền mua nhà thay vì đổ hết vào đám cưới

Chi phí làm đám cưới ở Mỹ đã tăng vọt dưới tác động của bão giá, lạm phát. Số tiền cần bỏ ra cho ngày trọng đại đã tăng 79% trong 2 năm 2020-2021, từ 19.000 USD lên 34.000 USD, theo thống kê mới nhất từ trang The Knot.

Giống với Yola, nhiều cô dâu tương lai đang tận dụng lượng tương tác trên mạng và các mối quan hệ với nhãn hàng để lấy quà hoăc tiền cần thiết cho lễ cưới. Cách thức này giúp họ tiết kiệm hàng chục nghìn USD.

Yola cho hay cô và chồng muốn dành tiền tiết kiệm để mua nhà, thay vì “ném hết vào đám cưới”. “Chi phí tổ chức hoàn toàn do cả hai lo liệu, vì vậy chúng tôi tìm mọi cách để phải bỏ ra ít nhất có thể”, cô nói.

Với rượu mừng, nữ influencer liên hệ với một thương hiệu rượu để thương thảo. Nếu họ cung cấp toàn bộ đồ uống cho 110 khách dự tiệc, cô sẽ chia sẻ những bức hình mình đang thưởng thức rượu lên trang cá nhân, cộng với gắn thẻ tên thương hiệu. Phía công ty được phép đăng lại ảnh lên các nền tảng truyền thông của họ.

Thương hiệu đồng ý tài trợ 4.000 USD cộng các thùng rượu, đổi lại Yola cung cấp khoảng 50-60 hình ảnh, cộng với video ghi lại cảnh cô và các vị khách khác đang vui vẻ tận hưởng đồ uống.

Yola dùng số tiền được nhận để thuê 3 bartender đứng quầy, cộng với nhiếp ảnh riêng. Người này ngoài nhiệm vụ chụp ảnh đẹp cho cô dâu, chú rể, còn phải đảm bảo chất lượng hình ảnh cho các sản phẩm nhận tài trợ.

Với một công ty khác kinh doanh dịch vụ quà cưới cám ơn khách dự tiệc, Yola cũng áp dụng cách tương tự và nhận được hơn 3.000 USD tài trợ.

Tiệc độc thân của cô cùng với 6 cô bạn khác diễn ra với khung chụp ảnh, đồ trang trí, áo lụa cho cả nhóm đều do các nhãn hàng gửi tặng. Một số bên gửi sản phẩm cho cô dâu là những bên kinh doanh còn mới. Họ gửi quà và không có ràng buộc hợp đồng nào yêu cầu Yola phải chia sẻ ảnh sử dụng chúng.

“Mặc dù nhiều người có thể coi thường việc hợp tác với các thương hiệu vào dịp đặc biệt trong cuộc đời bạn, nhưng vợ chồng tôi thấy việc này không chỉ rất vui mà còn cho phép tổ chức một hôn lễ đúng ý cả hai, trong khi tiết kiệm nhiều khoản và dư tiền để thuê vũ công múa bụng”, Yola nói.

Đối với vợ chồng Yola, màn hợp tác với các nhãn hàng trong ngày cưới còn là cách giúp họ mở rộng mối quan hệ làm ăn của họ. Tuy vậy, cả hai vẫn vượt quá ngân sách 10.000 USD.

sao mang nhan tien quang cao anh 4
Bữa tiệc chia tay đời độc thân cho cô dâu cũng được tiết kiệm theo cách tương tự.

Thận trọng

Ngay cả khi cô dâu tương lai không có số lượng lớn người theo dõi, một số nhà tổ chức đám cưới cho rằng vẫn có cách để làm việc với nhãn hàng.

Amanda Orso, Giám đốc điều hành High-Low Hostess, một công ty chuyên thiết kế túi làm quà tặng ở thành phố New York, cho biết: “Ngày nay ai cũng là người có ảnh hưởng, và ngay cả khi bạn không phải thế, các thương hiệu vẫn sẵn sàng tặng đồ miễn phí để nhận được những bài đăng quảng cáo miễn phí trên mạng xã hội”.

Tuy nhiên, Orso cảnh báo các cô dâu nên thận trọng khi tiếp cận các mối quan hệ đối tác tiềm năng.

“Sự hợp tác cần mang lại cảm giác gắn kết, không phải giống như bạn đang cố giúp công ty xử lý đống hàng họ muốn thanh lý”, Orso cho hay.

Năm 2019, Marissa Fuchs, người điều hành tài khoản Instagram @FashionAmbitionist nổi tiếng, bị chỉ trích vì nói dối khi bản giới thiệu dài 13 trang để kêu gọi các nhà trợ tiềm năng cho bữa tiệc đính hôn của cô được chia sẻ lên mạng. Trước đó, cô khoe với người theo dõi rằng sự kiện đính hôn xảy ra bất ngờ, hoàn toàn không chuẩn bị trước.

Có thể bạn quan tâm

Phim ‘Móng vuốt’: Kỹ xảo tạo quái thú liệu có đủ sức chinh phục khán giả?

Trước khi chính thức ra rạp, ê-kíp phim “Móng Vuốt” đã hé lộ quá trình …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *