Bộ phận phân tích của chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo phân tích về ngành bảo hiểm.
Theo nhóm phân tích, nhu cầu bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ hồi phục nhanh trogn năm 2020. Bảo hiểm hàng không, du lịch và vận chuyển hàng hóa (chiếm khoảng 6% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ) bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Trong khi đó, nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ đã phục hồi khá tốt sau giai đoạn giãn cách xã hội.
Doanh thu chủ yếu giảm trong giai đoạn giãn cách xã hội trong tháng 3 và tháng 4, nhưng đã phục hồi mạnh mẽ trong những tháng sau đó. Theo Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam (AVI), doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ lần lượt tăng 25,6% và 21,2% so với cùng kỳ trong 9T2020. Điều này sát với cũng phù hợp với kỳ vọng của SSI rằng Covid-19 sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm mang tính chất bảo vệ trước rủi ro đối với cá nhân. Tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5,4% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2020.
Đáng chú ý, Top 2 đang mất dần thị phần tại cả hai thị trường Bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ khi cạnh tranh tiếp tục gay gắt. Trong số 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu, chỉ có BVH và PVI có thị phần giảm trong 9 tháng 2020. Trong khi đó, trong số 10 công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu, có 6 công ty tăng thị phần (Manulife, AIA, Generali, MB Ageas, FWD và AVIVA) và 4 công ty mất thị phần (Baoviet Life, Prudential, Dai-i-chi Life, Chubb Life, Hanwha Life).
Trong tháng 11 và tháng 12, có hai hợp đồng bancassurance độc quyền lớn được ký kết giữa ACB và SunLife Việt Nam; VietinBank và Manulife. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thay đổi hơn nữa vào năm 2021 trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Một trong những thay đổi có thể diễn ra là thị phần của AIA giảm do kết thúc hợp đồng phân phối sản phẩm bảo hiểm với ACB. ACB đã đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu phí bảo hiểm của AIA Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong khi đó, Manulife và SunLife có thể mở rộng doanh thu phí BH mạnh hơn nữa. Trong 9 tháng đầu năm 2020, kênh bancassurance chiếm 30% tổng doanh thu phí khai thác mới và 18,3% tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ (so với 29% và 16% tương ứng vào năm 2019).
SSI cho rằng tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc sẽ cao hơn vào năm 2021 đối với cả mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, với dự báo tăng lần lượt 22% và 10-12% so với cùng kỳ.
Cụ thể, nhu cầu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ở mức khá và nhờ các hợp đồng banca độc quyền mới được ký kết, các công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng lớn hơn. Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và không còn giãn cách xã hội, các hoạt động bán hàng (họp mặt, hội nghị khách hàng…) sẽ có thể phục hồi về mức trước Covid, thúc đẩy hoạt động bán hàng mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, kinh tế phục hồi cũng sẽ thúc đẩy bảo hiểm phi nhân thọ.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị (https://doanhnghieptiepthi.vn/canh-tranh-gay-gat-thi-phan-bao-hiem-nhan-tho-xao-tron-161211301143109123.htm)