Khi một công ty khai thác than thuộc sở hữu nhà nước ở miền trung Trung Quốc vỡ nợ 152 triệu USD trái phiếu trong tháng này, thì vụ việc này dường như vẫn chưa gây ra chấn động lớn cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Theo Fitch Ratings, trước khi tập đoàn than Yongcheng Coal and Electricity Holding Group vỡ nợ vào ngày 10/11, chỉ có 5 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc không thể trả nợ cho trái chủ trong 10 tháng đầu năm 2020 – tương tự với tốc độ trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 tuần sau đó, Tsinghua Unigroup – một tập đoàn công nghiệp nhà nước nổi tiếng, cũng vỡ nợ. Những vụ vỡ vỡ nợ là nguyên nhân khiến quan chức tài chính hàng đầu nước này – Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cảnh báo những công ty đi vay rằng Bắc Kinh sẽ có cách tiếp cận “không khoan nhượng” đối với các hành vi sai trái trong các thương vụ tài chính, chẳng hạn như thông báo sai lệch hoặc cố tình trốn nợ của các doanh nghiệp.
Những diễn biến và bước đi mới này đã khiến thị trường nợ trị giá gần 4 nghìn tỷ USD của Trung Quốc bị chao đảo, mà trong đó các doanh nghiệp nhà nước ước tính chiếm hơn 1 nửa. Trong tuần xảy ra vụ vỡ nợ của Yongcheng Coal, ít nhất 20 công ty Trung Quốc đã tạm dừng kế hoạch phát hành trái phiếu mới, với tổng trị giá 15,5 tỷ CNY (2,4 tỷ USD), lấy lý do “thị trường bất ổn trong thời gian gần đây”.
Lời cảnh báo của ông Lưu Hạc đã làm lung lay quan điểm đã có từ lâu của nhà đầu tư, rằng chính quyền địa phương sẽ luôn hỗ trợ những doanh nghiệp đi vay thuộc sở hữu nhà nước. Hiện tại, các nhà phân tích lo ngại rằng nhà đầu tư sẽ có cái nhìn bi quan về thị trường trái phiếu và gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp đi vay.
Logan Wright – nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Rhodium Group, nhận định: “Số đông các doanh nghiệp này không chấp nhận rủi ro bởi họ nghĩ rằng họ có thể chờ đợi chính phủ can thiệp, trước khi phải bán tài sản. Tuy nhiên, bây giờ, chính phủ sẽ để cho ‘nỗi đau’ diễn ra.” Ông nói thêm, những vụ vỡ nợ gần đây khác với các năm trước, “bởi chính quyền địa phương đang được coi là nguồn cơn rủi ro hơn là sự ổn định”.
Xiaoxi Zhang và Wei Hei – nhà phân tích tại Gavekal, cho biết: “Rủi ro ở đây là những sự kiện này đã vĩnh viễn phá vỡ niềm tin của nhà đầu tư với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp nhà nước. Rất khó để vực dậy niềm tin một khi nó mất đi.”
Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang thể hiện sự quan tâm hơn đối với trái phiếu Trung Quốc, nhưng vẫn thận trọng đối với trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước. Theo Goldman Sachs, nhóm nhà đầu tư này sở hữu khoảng 9% trái phiếu chính phủ Trung Quốc. Nhưng BIS cho biết, họ chỉ nắm giữ chưa đến 1% tổng trái phiếu doanh nghiệp chưa thanh toán của quốc gia này.
Giá trị trái phiếu Trung Quốc phát hành bởi chính phủ, doanh nghiệp tài chính và doanh nghiệp phi tài chính Trung Quốc (đơn vị: nghìn tỷ USD).
Nếu nhóm nhà đầu tư trong nước – ước tính nắm giữ 60% tổng số trái phiếu doanh nghiệp, có tâm lý cảnh giác tương tự đối với doanh nghiệp nhà nước địa phương, thì các công ty này sẽ đối diện với áp lực lớn hơn nữa.
Huachen Automotive Group – một doanh nghiệp nhà nước khác vỡ nợ hồi cuối tháng 10, cũng được cho là có sự hậu thuẫn từ chính quyền tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Một trong những công ty con của Huachen là đối tác của BMW trong liên doanh sản xuất sản phẩm ở Trung Quốc.
Yongcheng và Huachen có một điểm chung khác, chính là trái phiếu của 2 công ty này đều được các tổ chức danh tiếng xếp hạng AAA.
Theo nhà cung cấp thông tin Wind, 70% tổng số trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc quá hạn thanh toán đều được xếp hạng AAA, bất chấp những căng thẳng kinh tế do Covid-19 gây ra. Dù Trung Quốc đã vượt qua đại dịch một cách ấn tượng so với các nền kinh tế lớn, nhưng tăng trưởng cả năm dự kiến chỉ đạt dưới mức 2%. Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với các công ty từng tăng trưởng ở mức 6% hoặc cao hơn.
Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng ở Trung Quốc đã ổn định trong năm nay, nhưng nhiều khu vực – trong đó có Hà Nam và Liêu Ninh, đang gặp khó khăn. Shen Meng đến từ ngân hàng đầu tư Chanson & Co. nhận định: “Khi nền kinh tế chịu nhiều áp lực, thì hỗ trợ tài chính của chính phủ sẽ bị hạn chế.”
Wright cho hay: “Chính phủ không có đủ tín dụng để hỗ trợ toàn bộ hệ thống, chính quyền các địa phương cũng đang đối diện với thực tế là họ phải hạn chế các nguồn lực.”
Hơn nữa, các vụ vỡ nợ cũng nhấn mạnh mối lo ngại về việc các công ty tiết lộ thông tin cho nhà đầu tư. Trong vụ việc của Yongcheng Coal, giám đốc điều hành của công ty này đã nói với các chủ nợ rằng phần lớn tiền mặt của họ bị ràng buộc bởi những khoản tiền gửi “hạn chế”.
Hồi tháng 9, Huachen đã chuyển cổ phần trong đối tác JV của BMW qua một công ty con khác. Công ty này sau đó đã thế chấp khoản này cho 1 chủ nợ. Trong thông báo hôm 22/11, ủy ban của ông Lưu Hạc đã cảnh báo các tổ chức phát hành trái phiếu rằng giới chức sẽ “trừng phạt nghiêm khắc” bất kỳ trường hợp nào tiết lộ thông tin sai lệch và hành động chuyển giao tài sản với mục đích xấu.
Hiện tại, nhà đầu tư đang chờ đợi các cơ quan quản lý sẽ làm giảm căng thẳng thị trường ở mức nào, trước nguy tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong phạm vi lớn.
Tham khảo Financial Times
Theo Nhịp sống kinh tế (http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/cac-doanh-nghiep-nha-nuoc-vo-no-day-chuyen-thi-truong-tai-chinh-trung-quoc-chiu-ap-luc-lon-420202411111351636.htm)