Ngân hàng sẽ cung cấp thông tin tài khoản cá nhân cho ngành thuế?

Nghị định 126 có hiệu lực từ 5/12 cho phép người đứng đầu cơ quan thuế được đề nghị ngân hàng cung cấp các thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư… của khách hàng.

Đây là quy định mới trong Nghị định 126/2020/NĐ-CP về một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12.

Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 126 là việc yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin của khách hàng như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan thuế.

Ngành thuế được nắm dữ liệu giao dịch ngân hàng?

Theo cơ quan quản lý, việc cung cấp các thông tin kể trên nhằm phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Cơ quan thuế cũng có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin kể trên theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, hàng tháng, ngân hàng phải cung cấp cho cơ quan thuế thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cấp, ngày mở – đóng tài khoản.

Nghị định 126 cũng yêu cầu các ngân hàng phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số với tổ chức, cá nhân trong nước.

thong tin tai khoan ngan hang anh 1
Người đứng đầu cơ quan thuế sẽ được quyền đề nghị ngân hàng cung cấp các thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của khách hàng tại ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà

Quy trình được thực hiện sau khi xác định nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế, Tổng cục Thuế sẽ thông báo cho ngân hàng, trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch và khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế.

Trường hợp cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ hoặc các hình thức ngân hàng, trung gian thanh toán không thể khấu trừ, nộp thay, các đơn vị này có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho nhà cung cấp ở nước ngoài gửi về Tổng cục Thuế hàng tháng.

Ngân hàng có quyền nói “không”?

Dù sắp có hiệu lực (từ 5/12) nhưng theo đại diện nhiều ngân hàng, quy định trên đang mâu thuẫn với quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Luật các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng tại đơn vị mình cho tổ chức cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận của khách hàng.

Đại diện một ngân hàng tư nhân tại Hà Nội (đề nghị giấu tên) cho biết trước nay ngân hàng vẫn cung cấp các thông tin của khách hàng khi nhận được yêu cầu của các cơ quan hành pháp, tư pháp như cơ quan cảnh sát điều tra, công an, tòa án.

thong tin tai khoan ngan hang anh 2
Luật các tổ chức tín dụng yêu cầu các ngân hàng không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của khách hàng trừ một số trường hợp đặc biệt. Ảnh: Tiến Đức.

Trong khi đó, Bộ Tài chính hay Tổng cục Thuế không thuộc nhóm cơ quan hành pháp hay tư pháp được yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin của khách hàng kể trên.

“Hiện tại, ban lãnh đạo vẫn chưa có ý kiến về vấn đề này. Đây mới là quy định tại nghị định và phải chờ thông tư hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, ở thời điểm này nếu cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cá nhân, ngân hàng cũng sẽ từ chối”, vị này nói.

Đại diện một ngân hàng khác cho biết hiện tại vẫn chưa thể ghi nhận phản ứng từ phía khách hàng bởi nghị định kể trên chưa có hiệu lực. Tuy nhiên, những thông tin kể trên đều rất quan trọng và mang tính bảo mật cao của ngành ngân hàng. Dù có nghị định yêu cầu thì vẫn phải thông qua một bên thứ 3 như cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, ngân hàng mới có thể cung cấp.

“Nghị định mới ra đời cũng không thể nói có hay không, nhưng các ngân hàng hiện nay được quản lý theo luật chuyên ngành là Luật các tổ chức tín dụng. Về cơ bản, luật chuyên ngành luôn được áp dụng trước luật quy định chung. Ngoài ra, quy định kể trên mới ở trong nghị định chưa phải là luật nên xét về mặt pháp lý thì các ngân hàng vẫn phải tuân thủ Luật các tổ chức tín dụng trước”, vị này khẳng định.

Đại diện một ngân hàng quốc doanh thì khẳng định cơ quan thuế không phải là cơ quan hành pháp hay tư pháp nên theo Luật các tổ chức tín dụng, ngân hàng không được cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan này.

Dưới góc độ nghiệp vụ, mỗi ngành đều chịu quản lý của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, trong luật ban hành quy phạm pháp luật có quy định trong trường hợp có sự “vênh” nhau giữa các văn bản cấp địa phương, trung ương, giữa văn bản nghị định, thông tư với luật thì phải áp dụng theo văn bản có giá trị cao nhất.

Trong trường hợp kể trên, Nghị định 126 mang tính hướng dẫn và “vênh” nhau với Luật các tổ chức tín dụng. Như vậy, các ngân hàng phải tuân thủ Luật các tổ chức tín dụng trước. Nếu cơ quan thuế muốn ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng thì buộc phải sửa luật.

“Trường hợp cơ quan thuế dựa vào nghị định này để yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin cá nhân khách hàng, ngân hàng cũng sẽ từ chối và bộ phận pháp chế của ngân hàng sẽ tham gia giải quyết”, vị này nhấn mạnh.

Quang Thắng

https://zingnews.vn/ngan-hang-se-cung-cap-thong-tin-tai-khoan-ca-nhan-cho-nganh-thue-post1155884.html

Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Người Việt Nam mạnh về mua xổ số, đầu tư dựa vào may mắn, chứ không đầu tư bằng tri thức

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề: Làm thế nào để người dân Việt …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *