Sẽ có 2 cuộc điều tra của giới chức New York tiếp tục diễn ra, trong khi Trump Organization cần phải thoát khỏi 1 đợt khan hiếm tiền mặt nhiều khả năng sẽ xảy ra do những khoản nợ sắp đáo hạn của mảng bất động sản.
Tới nước Mỹ trên một con tàu sử dụng động cơ hơi nước vào năm 1885, gia tộc Trump không chỉ gây dựng được chỗ đứng trên thương trường với 4 thế hệ làm kinh doanh mà ông Donald Trump còn trở thành Tổng thống Mỹ. Nếu cuộc chiến pháp lý không thể lật ngược kết quả bầu cử hiện nay, Tổng thống Trump sẽ phải rời Nhà Trắng vào tháng 1 tới. Khi đó đế chế kinh doanh của gia đình ông sẽ phải đối mặt với những thách thức cả về tài chính và pháp lý sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Dù đương kim Tổng thống có kế hoạch làm gì sau khi kết thúc nhiệm kỳ, chắc chắn ông sẽ phải dành nhiều công sức để mắt đến hoạt động kinh doanh của Trump Organization. Sẽ có 2 cuộc điều tra của giới chức New York tiếp tục diễn ra, trong khi Trump Organization cần phải thoát khỏi 1 đợt khan hiếm tiền mặt nhiều khả năng sẽ xảy ra do những khoản nợ sắp đáo hạn của mảng bất động sản.
Nguồn thu sụt giảm
Một số lãnh đạo của tập đoàn cho biết sẽ tập trung quảng bá thương hiệu trên toàn cầu ngay sau khi ông Trump rời Nhà Trắng. Tuy nhiên, Wall Street Journal nhận định các kế hoạch này sẽ gặp phải những trở ngại không hề nhỏ. Ở Trung Quốc, thị trường mà ông Trump vẫn để mắt tới từ lâu, hình ảnh Tổng thống đã xấu đi ít nhiều sau khi ông phát động cuộc chiến thương mại. Còn ở châu Âu, một số thương hiệu của tập đoàn đang lâm vào bế tắc vì những thách thức pháp lý.
Trump Organization có thể sẽ sớm phải thu hẹp. Ngay ở thời điểm hiện tại tập đoàn cũng đang rao bán một số tài sản, trong đó có khách sạn ở Washington và 2 toà nhà chọc trời ở New York và San Francisco. Dự án Seven Springs ở ngoại ô New York City thì đang trong danh sách xem xét rao bán.
Trump Organization có các khoản nợ tổng trị giá hơn 400 triệu USD sẽ đáo hạn trong những năm tới. Nhiều chủ nợ đã phát tín hiệu rằng họ lo lắng về chuyện làm ăn với ông Trump.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng khá mạnh tới các khách sạn và khu nghỉ dưỡng của tập đoàn, và nếu ông Trump rời Nhà Trắng thì các lợi ích về tài chính mà Trump Organization được hưởng từ việc ông là Tổng thống sẽ giảm xuống.
Chưa rõ liệu ông Trump có muốn quay trở lại lãnh đạo tập đoàn hay không. Sau khi đắc cử, ông đã giao lại toàn bộ quyền điều hành cho 2 người con trai Eric và Donald Jr. nhưng vẫn giữ nguyên số cổ phần mà ông đang sở hữu. Một số người thân tín dự đoán ông sẽ quay trở lại văn phòng của mình tại tầng 26 của tháp Trump ở New York.
Tuy nhiên cũng có một số người cho rằng ông sẽ tranh cử một lần nữa.
Kể từ khi Trump bắt đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2015, hoạt động kinh doanh của Trump Organization có mối quan hệ khá chặt chẽ với đảng Cộng hoà. Theo tài liệu từ Uỷ ban bầu cử liên bang, số tiền mà đảng Cộng hoà chi tiêu tại các dự án bất động sản của Tổng thống kể từ năm 2015 đến nay đã tăng lên mức 23 triệu USD, so với con số chưa đến 200.000 USD của 5 năm trước đó.
Gần như chắc chắn nguồn doanh thu này sẽ giảm xuống, bao gồm cả khoản tiền thuê hàng tháng giá 37.000 USD mà chiến dịch tranh cử của ông chi trả cho Trump Tower ở New York. Số lượng khách thuê tại toà nhà văn phòng này đã liên tiếp sụt giảm kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng, theo Wall Street Journal.
Tuy nhiên các dự án khác lại “ăn nên làm ra” hơn, ví dụ như 2 toà nhà văn phòng ở San Francisco và Manhattan. Ông Trump chỉ là đồng sở hữu 2 dự án này cùng với quỹ tín thác Vornado Realty Trust. Vornado cho biết đang có dự định bán 2 toà nhà này.
Một loạt vụ kiện
Bên cạnh những thách thức tài chính, ông Trump còn phải đối mặt với 2 vụ kiện. Luật sư Cyrus Vance Jr. (đảng Dân chủ) đã theo đuổi vụ kiện xung quanh vấn đề tài chính cá nhân của Tổng thống từ nhiều năm nay. Ông này cho rằng Trump đã gian lận thuế về cố tình báo cáo sai về hoạt động kinh doanh của Trump Organization.
Trong khi đó Tổng chưởng lý của bang New York Letitia James (cũng là người của đảng Dân chủ) đang điều tra xem liệu có phải ông Trump đã thổi phồng giá trị các tài sản đang nắm giữ để có thể hưởng nhiều khoản vay cũng như các lợi ích về thuế. Giống như trường hợp trên, phía ông Trump khẳng định đó là những cuộc điều tra mang mục đích chính trị.
Trump khác với các Tổng thống khác bởi vì phần lớn những thách thức pháp lý mà ông đang đối mặt đều xuất phát từ những hành động đã được thực hiện từ trước khi trở thành Tổng thống.
Trump Organization tuyên bố đã tạm ngừng mọi thương vụ ở nước ngoài trong thời gian ông Trump ở Nhà Trắng. Tuy nhiên trong 1 cuộc phỏng vấn vào mùa hè vừa qua, Eric Trump cho biết phát triển ở các thị trường nước ngoài sẽ là trọng tâm trong chiến lược của tập đoàn sau khi ông Trump ra đi.
Các cuộc thăm dò cho thấy việc đương kim Tổng thống nghiêng về chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chủ nghĩa dân tộc khiến tỷ lệ ủng hộ ông giảm mạnh ở nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc – nơi ông từng rất chú ý và muốn kiếm lời từ tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc.
Chuyên gia kinh doanh quốc tế Victor Gao cho rằng một số doanh nhân Trung Quốc sẽ ngại hợp tác kinh doanh với ông Trump. Tuy nhiên mặt khác có thể chính phủ Trung Quốc sẽ không ngăn cản ông kinh doanh ở đó mà thay vào đó sẽ coi đó là 1 cơ hội để biến ông thành đồng minh.
Gần đây Trump Organization đã thua một loạt vụ kiện về việc sử dụng tên Trump ở 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu EU. Cuộc chiến quanh thương hiệu Trump sẽ làm phức tạp khả năng sử dụng thương hiệu Trump của Trump Organization ở nhiều lĩnh vực kinh doanh gồm bất động sản, sòng bạc, dụng cụ chơi golf và đồ uống có cồn.
Tại Scotland, Trump Organization đã chi hơn 100 triệu USD để mua và cải tạo khu resort kết hợp điểm chơi golf mang tên Trump Turnberry. Dự án này vẫn chưa có lãi kể từ khi được ông Trump mua lại năm 2014. Mùa hè năm nay khoảng 70 nhân viên tại đây đã bị sa thải.
Tham khảo Wall Street Journal
Theo Tổ Quốc (http://toquoc.vn/de-che-kinh-doanh-4-doi-cua-nha-trump-se-ra-sao-sau-ngay-20-1-2021-4202016110463442.htm)