BVSC cho rằng, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại có thể tiếp tục khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng và lãi suất huy động thời gian tới.
Bên cạnh đó, dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 22 về việc giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ mức 40% về 37% đang được lấy ý kiến với thời hạn được lùi lại 6 tháng hoặc 1 năm. Trên cơ sở đó, thanh khoản hệ thống được dự báo sẽ vẫn ở trạng thái tích cực trong ngắn hạn.
Lãi suất huy động trong tháng 7 của các nhóm Ngân hàng đều giảm đối với cả kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất trung bình của nhóm Ngân hàng quốc doanh giảm mạnh nhất (0,5%) từ 4,9% xuống 4,4%, nhóm Ngân hàng lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) cũng giảm 0,14% lãi suất huy động 6 tháng.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất của nhóm Ngân hàng quốc doanh với mức giảm 0,5% từ 6,12% xuống 5,62%. Nhóm Ngân hàng lớn có vốn trên 5.000 tỷ thì giảm 0,12%.
Nguyên nhân có thể đến từ tăng trưởng huy động vẫn ổn định trong khi tăng trưởng tín dụng tăng trưởng thấp. Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,26%, chỉ bằng khoảng 1 nửa so với cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong 7 năm qua.
Cụ thể, tại Vietcombank, tăng trưởng tiền gửi của khách hàng trong Qúy 2 đã tăng khoảng 5,05% so với quý trước nhưng tăng trưởng hoạt động cho vay khách hàng chỉ khoảng 2,15%. Việc chưa thể hấp thu được lượng vốn huy động này khiến nhóm Ngân hàng này buộc phải điều chỉnh để cân đối chi phí.
Dịch Covid-19 xuất hiện phức tạp trở lại có thể tiếp tục khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Điều này có thể tiếp tục khiến tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp và lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm trong thời gian tới.
Theo Trí thức trẻ (http://ttvn.toquoc.vn/dich-covid-19-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-lai-suat-huy-dong-se-bi-tac-dong-the-nao-thoi-gian-toi-42020489462534.htm)