Là khách du lịch bị mắc kẹt tại Đà Nẵng, đại gia đình anh Hoàng ở Hà Nội đã có những ngày đáng nhớ nhờ sự lạc quan và tình cảm của những người dân nơi đây.
1h ngày 28/7, thấp thỏm không ngủ được, anh Hoàng mượn xe máy của khách sạn, phóng ra sân bay Đà Nẵng.
Lúc đó, cả sân bay chỉ có duy nhất một người bảo vệ. Các chuyến bay sau 0h đều bị hủy.
Và vị khách du lịch đến từ Hà Nội lúc này mới tin đại gia đình mình (gồm 22 người) đã mắc kẹt lại Đà Nẵng.
Chuyến du lịch bão táp
Ngày thứ 4 trong chuyến du lịch của gia đình anh Nguyễn Hữu Hoàng (41 tuổi, Hà Nội) cũng là ngày cách ly xã hội đầu tiên tại Đà Nẵng.
Anh Hoàng trở về khách sạn trong tâm trạng bất an, không biết làm thế nào để đưa cả nhà về Hà Nội. Anh cho biết đại gia đình có tất cả 28 người thì 22 người phải ở lại Đà Nẵng.
Anh tâm sự, tháng 7, dịch bệnh có dấu hiệu lắng xuống, cả nước hừng hực khí thế phục hồi kinh tế thông qua kích cầu du lịch nội địa. Anh quyết định tự tổ chức một tour du lịch ngắn ngày tại Đà Nẵng cho đại gia đình như mọi năm.
Vừa đáp xuống Đà Nẵng sáng 24/7, cả nhà anh nghe thông tin Đà Nẵng có ca nghi nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, mọi người không quá lo lắng và tiếp tục đi tham quan nhiều điểm du lịch như kế hoạch ban đầu.
Đến ngày 27/7, Đà Nẵng ghi nhận 11 ca nhiễm mới, vợ chồng anh Hoàng cảm thấy bất an. Anh đến phòng vé Vietnam Airlines cũng như sân bay để hỏi và được biết ngày 28/7 hành khách vẫn có thể rời khỏi Đà Nẵng. Anh an tâm về khách sạn.
Vài tiếng sau, hai vợ chồng biết tin Đà Nẵng dừng toàn bộ chuyến bay và hoạt động vận tải cố định.
Sân bay Đà Nẵng rạng sáng 28/7 vắng vẻ trước giờ đóng cửa để cách ly xã hội. Ảnh: Phạm Ngôn. |
“Đoàn có nhiều người ở độ tuổi khác nhau (từ cháu nhỏ đến người già 80 tuổi), nên mình xử lý tình huống chưa nhanh nhạy lắm. Một số khuyên gia đình thuê ôtô đi ra Huế hay Quảng Nam để di chuyển tiếp. Tuy nhiên, cả đoàn nhất trí cao là ở lại và chờ thông tin hỗ trợ của Nhà nước để về bằng con đường chính thống”, anh Hoàng chia sẻ.
Là một chiến sĩ công an nhân dân, anh Hoàng hiểu hơn ai hết những hệ quả của việc không tuân thủ các hướng dẫn y tế mà ngành chức năng đã ban hành.
Anh nói, giai đoạn dịch bệnh cao điểm tại Hà Nội, anh cũng phải xa nhà cả tháng để chốt chặn tại các điểm phong tỏa, đảm bảo người dân tuân thủ quy định về cách ly xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Vì thế, đợt dịch lần thứ 2 ập tới, anh nói việc tốt nhất có thể làm và nên làm là nghe theo chỉ dẫn của ngành chức năng.
Gia đình ở bên thì đâu cũng là nhà
Sáng 28/7, khách sạn nơi anh ở thông báo đóng cửa và cho nhân viên nghỉ để cách ly xã hội. Trong thời điểm hoang mang nhất, Sở Du lịch TP và những người làm du lịch địa phương mà anh quen trước đó đã không ngừng hỗ trợ cả đại gia đình.
Nhờ sự giới thiệu của một tài xế, cả nhà anh chuyển đến Khách sạn Thanh Hà trên đường Dương Đình Nghệ, chờ Sở Du lịch thu xếp phương án đưa du khách mắc kẹt rời Đà Nẵng.
Giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài, cả đại gia đình đã tự có nhiều cách để vượt qua những ngày nhàm chán. Đoàn 22 người thì có 2 cô giáo cùng 6 học sinh cấp 1, 5 học sinh cấp 2, 1 học sinh cấp 3 và 2 sinh viên đại học. Thế là vừa đủ cho một lớp học tại gia các cấp.
Các cô giáo thay vì đứng lớp ở trường thì nay họ đứng lớp ở khách sạn để dạy cho chính con cháu của mình. Những người còn lại thì lo công tác nướng nấu, giặt giũ, dọn dẹp nơi ở.
Anh Hoàng nói có gia đình ở bên thì đâu cũng là nhà.
Để tuân thủ cách ly xã hội, mỗi ngày, gia đình anh chỉ cử một người đi chợ hoặc tự mua thực phẩm do siêu thị giao hàng về để nấu. Có thành viên trong đoàn chưa một lần xuống sảnh khách sạn.
Lớp học tại khách sạn của gia đình anh Hoàng. Ảnh: NVCC. |
Dù cố gắng suy nghĩ tích cực và tìm niềm vui trong những hoạt động thường ngày, gia đình anh Hoàng vẫn không tránh khỏi những phút giây suy tư khi nghe thông báo số ca nhiễm mới tại Đà Nẵng. 7 ngày cách ly xã hội, số ca nhiễm liên tục tăng vọt, có ngày tăng gấp 2-3 lần. Mỗi lần có bản tin thời sự là chuông điện thoại của một số thành viên trong đoàn lại reo liên hồi.
“Mình cảm nhận ở ngoài đấy (Hà Nội – PV) lo nhiều hơn trong này. Ngày nào cũng gọi điện vào hỏi thăm. 1-2 ngày đầu nhiều khi mình phát cáu. Nhưng rồi cả nhà cũng động viên nhau suy nghĩ lạc quan, chấp hành cách ly và chờ sự hỗ trợ của Nhà nước”, người đàn ông 30 tuổi chia sẻ.
Điều khiến cả gia đình anh Hoàng ấm lòng nhất những ngày này là sự quan tâm, giúp đỡ của những người làm du lịch ở Đà Nẵng, đặc biệt là chủ khách sạn mà cả nhà đang ở. Trong khi các khách sạn ở Đà Nẵng đều đóng cửa thì chị Thanh Hà (chủ khách sạn Thanh Hà) không chỉ hỗ trợ nơi ở mà còn cho mượn bếp ăn, hướng dẫn sinh hoạt để các vị khách xa quê vượt qua đại dịch.
Khách sạn Thanh Hà đã trở thành mái nhà bình yên của gia đình 22 người giữa tâm dịch Đà Nẵng. Ảnh: NVCC. |
Bốn phương là nhà
Đó là tên nhóm Zalo mà chị Thanh Hà (chủ khách sạn) tạo ra để tương tác với 34 vị khách của mình.
Khách sạn của chị có 30 phòng thời điểm đó đều đã kín – chuyện hiếm thấy ở Đà Nẵng những ngày cách ly xã hội. Đông người ở vậy nhưng khách sạn duy nhất chỉ có mình chị.
Khi Đà Nẵng bước vào 14 ngày cách ly xã hội, khách sạn của chị vẫn còn 9 khách du lịch đang lưu trú. Trước yêu cầu của thành phố là các cơ sở lưu trú du lịch tạm dừng hoạt động, chị Hà cũng cho nhân viên nghỉ và liên hệ Sở Du lịch để thu xếp cho 9 vị khách mắc kẹt trở về nhà hoặc tìm nơi ở mới.
Tuy nhiên, Sở Du lịch lại vận động khách sạn hỗ trợ những người mắc kẹt lưu trú cho đến khi thành phố có phương án đưa khách rời Đà Nẵng. Tâm lý chị bất an nhưng vẫn vui vẻ san sẻ với thành phố. Thế là từ 9 vị khách, chị tiếp tục đón tiếp thêm 25 người.
Nhằm đảm bảo giãn cách, chị xếp lịch dùng bếp chung cho từng đoàn khách để mọi người hạn chế tiếp xúc. Ai ai cũng quán triệt nhau rằng tránh gặp gỡ, luôn đeo khẩu trang và đảm bảo vệ sinh khách sạn.
Để phòng chống dịch Covid-19, mọi người đeo khẩu trang cả khi nấu ăn. Ảnh: NVCC. |
Chị Hà kể khách sạn mấy ngày phòng, chống dịch còn sạch hơn cả khi có nhân viên dọn dẹp. Các vị khách thì nói đùa với nhau rằng sau những ngày ở đây, họ sẽ có thêm một nghề mới là dọn phòng và mở nhà hàng.
Những ngày lưu trú ở đây, mỗi người một công việc khác nhau. Người nấu nướng, người dọn dẹp, người thì xung phong đi bộ 9 tầng để gom rác và nhắc nhở mọi người giữ vệ sinh.
“Mọi người ý thức rất cao và rất đoàn kết. Ai có cá khô, lạc rang thì để ở bếp và mời mọi người tự tới lấy ăn. Ngoài dọn dẹp, mọi người còn xung phong trực ở cửa khách sạn để nhắc nhở khách ra vào đeo khẩu trang, rửa tay. Thấy vậy mà cũng ấm lòng”, chị Hà tâm sự.
Mong mỏi lớn nhất của 34 vị khách lẫn chị Hà lúc này là mọi người sớm được về nhà.
Anh Hoàng mong về đơn vị, hỗ trợ đồng đội trong trường hợp dịch bệnh nếu có căng thẳng ở thủ đô. Vợ anh thì muốn sớm trở lại Hà Nội để chuẩn bị nhận lớp, bắt đầu một mùa tuyển sinh mới.
Còn chị Hà cũng hy vọng những vị khách sớm được hồi hương để chị không phải gọi Sở Du lịch mỗi ngày chỉ hỏi một nội dung là bao giờ khách mắc kẹt được về nhà.
Tối 3/8, bà Nguyễn Thu Thủy, Chánh văn phòng Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết sau cuộc họp chiều cùng ngày, lãnh đạo sở đã thống nhất phương án thuê 2 chuyến bay để chở hơn 400 du khách rời khỏi thành phố. Chi phí vé máy bay do du khách chi trả.
“2 chuyến bay này sẽ xuất phát từ Đà nẵng đưa những người có nhu cầu về Hà Nội và TP.HCM”, bà Thủy nói và cho biết Sở Du lịch đã đề nghị lãnh đạo 2 địa phương trên hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức đón 2 chuyến bay, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Thu Hằng
https://zingnews.vn/dai-gia-dinh-22-nguoi-mac-ket-giua-tam-dich-da-nang-post1115043.html