Theo vị chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế và thị trường hiện tại, việc đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng, tìm hiểu kỹ các nhóm ngành và phân bổ tài sản phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank, từ nay đến cuối năm, trong bối cảnh kinh tế và thị trường hiện tại, việc đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng, tìm hiểu kỹ các nhóm ngành và phân bổ tài sản phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư.
Đối với thị trường chứng khoán, vị chuyên gia nhận định, xét chung thì dòng tiền khá yếu và VN-Index khó có thể phục hồi về mức đỉnh cũ. Các số liệu kinh tế tốt lên, nhưng các doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn, chỉ trừ một số doanh nghiệp có xuất khẩu là khá hơn. Điều đáng lo là dòng tiền trên thị trường rất yếu, nên thực sự rất khó để kỳ vọng có sự bứt phá trong ngắn hạn. Nếu có kỳ vọng, theo ông sẽ xảy ra nhiều hơn vào năm 2025 hoặc sớm hơn thì cuối năm nay. Tuy nhiên, đầu tư chứng khoán vẫn sẽ mang lại lợi nhuận tốt nếu đầu tư vào đúng nhóm ngành.
Ông Khánh nói, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục xác lập đỉnh lịch sử, còn thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn không vượt qua được 1.300 từ đầu năm đến nay. Đỉnh lịch sử mà chúng ta từng đạt được đã cách đây 2 năm. Vì vậy, nếu đánh giá tiềm năng theo chỉ số chung VNIndex thì không nhiều triển vọng. Tuy nhiên, một số ngành trong đó vẫn rất ổn. Ví dụ như cổ phiếu nhóm công nghệ đứng đầu, FPT đã có 30 lần lập đỉnh.
“Một số nhóm ngành mà tôi thấy có thể tăng tốt nửa cuối năm như năng lượng, tập trung vào nhóm năng lượng mới, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Nhóm tiếp theo là nhóm vận tải, tập trung vào vận tải hàng không, vận tải đường biển. Ngoài ra, nhóm ngành hàng tiêu dùng, đặc biệt tiêu dùng thiết yếu cũng có triển vọng khả quan”, ông dự báo.
Trong khi đó, các nhóm truyền thống như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản sẽ khó phục hồi về mức đỉnh cũ trong ngắn hạn. “Nhóm cổ phiếu bất động sản thì đã yếu trong 2-3 năm nay. Tôi kỳ vọng nhóm này sẽ tăng trong khoảng giai đoạn cuối năm, hoặc sang năm 2025 chứ không phải hiện tại”, ông nói thêm.
Đối với các kênh truyền thống, gửi tiết kiệm cũng là lựa chọn tốt với nhiều người, cần có trong danh mục. Hiện lãi suất tiết kiệm cũng đang có xu hướng tăng trở lại, thu hẹp chênh lệch với lãi suất cho vay.
Đầu tư bất động sản sẽ phù hợp với nhà đầu tư trung, dài hạn trở lên chứ để lướt sóng lúc này không phù hợp. Đầu tư trung dài hạn sẽ phải giữ sang năm sau, thậm chí là năm sau nữa thì mới ổn.
Đầu tư vàng cũng không hấp dẫn, mặc dù vàng đang liên tục lập đỉnh gần đây và được sự chú ý của thị trường. Trong giai đoạn nửa đầu năm, vàng thế giới đã lập đỉnh liên tục, tiềm năng đã được phản ánh, nên thời gian tới tốc độ tăng có thể chậm lại.
“Hơn nữa, giá vàng tại Việt Nam sẽ có độ trễ so với giá vàng thế giới. Vàng trong nước cũng có chênh lệch giá mua và giá bán đáng kể, ví dụ như hiện tại giá vàng SJC là 79-81 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn là 78,5-78,3 triệu đồng/lượng. Do đó, kể cả khi giá tăng thì nhà đầu tư vẫn phải chờ một thời gian cho mức tăng hơn mức chênh lệch đó thì mới có lãi. Chưa kể, tích trữ vàng không thuận tiện, gửi vàng ở ngân hàng còn bị mất phí”, vị chuyên gia không đánh giá cao việc đầu tư vào vàng trong thời gian tới.
Đối với số tiền nhàn rỗi 1-2 tỷ đồng, ông Khánh cho rằng, sẽ không có một công thức chung đầu tư ra sao, mà còn tùy thuộc vào bối cảnh thu nhập cũng như khẩu vị rủi ro của từng người. Ngoài ra, quyết định đầu tư còn phụ thuộc vào khả năng vay tiền, mượn tiền của bạn bè, người thân, ngân hàng.
Nếu bạn đang có cả nguồn thu nhập khác ổn định, có khẩu vị rủi ro cao thì có thể dành 70-80% dành cho chứng khoán, bất động sản, đầu tư an toàn khoảng 20-30%. Nếu bạn không ưa thích rủi ro thì dành phần lớn 70-80% để mua vàng, gửi tiết kiệm.
An ninh Tiền tệ (tại đây)