Khi đi thuê trọ, sinh viên cần đặc biệt lưu ý, nhà ở cần phải đảm bảo có lối thoát an toàn và dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân, người trọ; không lắp đặt “chuồng cọp” bít lối thoát nạn; lối thoát không bị chặn hoặc bị cản trở bởi vật dụng, đồ đạc.
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, vụ cháy xảy ra vào rạng sáng 24/5, tại một căn nhà trong ngõ phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) đã làm 14 người chết, 6 người bị thương.
Hiện trường vụ cháy nằm sâu trong một con ngõ trên phố Trung Kính. Đây là đoạn phố Trung Kính nhỏ, nền đường hẹp và thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm (khác với phố Trung Kính lớn). Quãng đường từ mặt phố vào hiện trường vụ cháy khoảng 200 bước chân, là ngõ nhỏ với bề rộng khoảng 2-3m.
Hiện trường vụ cháy (Ảnh: KSC).
Một trong những yếu tố gây khó cho lực lượng chức năng là thông tin ban đầu báo vụ cháy xảy ra tại ngõ 43 Trung Kính. Tuy nhiên, “ngõ 43” là tên cũ, được người làng quen gọi. Địa điểm chính xác cần báo cho lực lượng cứu hỏa phải là ngõ 119 Trung Kính.
Theo chia sẻ của người dân, lính cứu hỏa vẫn tới được hiện trường khá sớm (hơn 10 phút từ khi báo cháy). Tuy nhiên, khi tới được hiện trường, họ lại vấp phải bài toán hóc búa hơn: Lối thoát duy nhất của khu trọ đã bị lửa bịt kín.
Khu đất bị các căn nhà xung quanh quây gần như 4 phía, chỉ có một ngõ nhỏ để ra vào. Phía bên trong, xe máy, xe đạp điện bốc cháy dữ dội, trở thành chướng ngại không thể vượt qua.
Địa bàn các TP lớn nói chung và Hà Nội nói riêng có số lượng người lao động, học sinh, sinh viên tập trung về làm việc, học tập cao. Vì thế nhu cầu thuê trọ tại các khu nhà cho thuê, chung cư mini phổ biến.
Tuy nhiên, loại hình nhà trọ, phòng trọ, chung cư mini lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh cháy nổ cao, do đa phần là dân lao động, công nhân, học sinh sinh viên thuê trọ sinh sống và học tập, thường nhiều người ở trong một phòng, ăn, ngủ, sinh hoạt, nấu nướng trong không gian hẹp, chứa nhiều vật dụng gia đình dễ bắt cháy, có nơi còn câu mắc điện…
Nhiều nhà trọ, chung cư mini nằm trong các hẻm sâu, hẹp, cách xa nguồn nước; không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn về lối thoát nạn; bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa bít lối đi.
Bên cạnh đó, có thực trạng là chủ nhà trọ cũng như người thuê trọ chưa nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ có thể gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Thông tin thêm:
– Khi đi thuê nhà, sinh viên cần thường xuyên yêu cầu chủ nhà trọ kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện và các thiết bị điện định kỳ để tránh nguy cơ chập điện gây cháy hoặc ngắn mạch (còn gọi là đoản mạch) làm dòng điện tăng cao quá mức, sẽ hủy kết cấu của các thiết bị, chập cháy nổ.
– Quản lý chặt chẽ trong quá trình sạc điện đối với các phương tiện sử dụng pin cho xe đạp điện, xe máy điện, sạc dự phòng, điện thoại… tuyệt đối không sạc qua đêm khi không kiểm soát được các thiết bị đang sạc.
– Không đốt nhang/hương, nến khi đi ngủ, khi ra khỏi nhà.
– Thường xuyên kiểm tra hệ thống gas, nguồn lửa nguồn nhiệt khi đun nấu… phải tắt lửa hoàn toàn khi đi ra ngoài và làm việc khác. Không sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần không đảm bảo an toàn PCCC.
– Tìm hiểu kiến thức về an toàn PCCC và trang bị các dụng cụ phương tiện chữa cháy và thoát nạn phù hợp với kiến trúc của nơi mình ở.
– Chìa khóa mở khóa phòng trọ, căn hộ nhà ở phải để nơi dễ lấy và phổ biến cho gia đình đều biết… nghiên cứu, tận dụng bố trí lối thoát nạn thứ hai trên cửa sổ, mái nhà, qua ban công hoặc trang bị dụng cụ phá dỡ phù hợp với đặc thù nơi mình ở để phá dỡ mở lối thoát nạn khẩn cấp khi có cháy.
– Tổ chức giả định phương án chữa cháy và thoát nạn cho gia đình mình để thực tập xử lý khi có cháy, nổ xảy ra để chữa cháy hiệu quả và thoát nạn an toàn.
– Phản ánh kịp thời đến quản lý chung cư mini, phòng trọ về những nguy cơ mất an toàn PCCC, có thể gây phát sinh cháy, nổ.