Vụ xài thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, “ôm” nợ 8,8 tỉ đồng: Con số 8,8 tỉ đồng ở đâu ra?

Một khách hàng xài thẻ tín dụng của Eximbank phát sinh dư nợ 8,5 triệu đồng nhưng không thanh toán, 11 năm sau dư nợ thẻ tín dụng được ngân hàng thông báo lên gấp cả ngàn lần, vì sao?

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, khách hàng P.H.A có mở thẻ Master Card tại Eximbank chi nhánh Quảng Ninh ngày 23-3-2013 với hạn mức 10 triệu đồng. Thẻ tín dụng này phát sinh 2 giao dịch tổng cộng 8,5 triệu đồng nhưng khách hàng chưa thanh toán.

Từ ngày 14-9-2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.

Tổng số tiền chủ thẻ này phải thanh toán gồm gốc và lãi tạm tính đến ngày 31-10-2023 là hơn 8,8 tỉ đồng.

Theo Eximbank, về phương thức tính lãi, phí là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15-3-2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank).

Thông tin dư nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu đồng lên tới 8,8 tỉ đồng sau 11 năm thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là những người đang sử dụng thẻ tín dụng.

Vậy mức lãi suất mà Eximbank áp dụng với khách hàng P.H.A là bao nhiêu và công thức tính thế nào để ra con số 8,8 tỉ đồng?

Tìm hiểu của Báo Người Lao Động, lãi suất thẻ tín dụng Eximbank công bố là 33%/năm. Do thẻ tín dụng thường sao kê hàng tháng, nên tiền lãi sẽ được tính hàng tháng theo công thức: Tiền lãi hàng tháng = Dư nợ thẻ x 33%/365 (ngày) x số ngày phát sinh giao dịch.

Đồng thời, mỗi tháng không chỉ tiền lãi mà khách hàng sẽ còn chịu thêm khoản phí phạt chậm trả, phí SMS Banking…

Các khoản lãi và phí này sẽ trở thành số dư cuối kỳ. Đến tháng tiếp theo, sẽ tiếp tục được tính theo công thức cũ. Hàng năm sẽ có thêm phí thường niên cũng cộng dồn vào dư nợ rồi tiếp tục tính lãi…

Vụ xài thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, “ôm” nợ 8,8 tỉ đồng: Con số 8,8 tỉ đồng ở đâu ra?- Ảnh 1.

Cách tính lãi suất số nợ 8,5 triệu đồng ban đầu

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động cách tính gốc, lãi và lãi phạt hàng tháng của khoản dư nợ 8,5 triệu đồng thẻ tín dụng, sau khoảng 11 năm, dư nợ gốc và lãi lên hơn 8,8 tỉ đồng.

Theo đó, lãi suất là cố định 33%/năm nhưng sẽ cộng thêm các khoản phí phạt, phí thường niên… vào dư nợ gốc và lãi hàng tháng (thẻ tín dụng sao kê hàng tháng), từ đó dư nợ tiếp tục tăng lên hàng năm.

“Lãi suất thẻ tín dụng được sao kê và tính lãi hàng tháng. Nếu khách hàng thanh toán đúng hạn trong thời gian miễn lãi 45-55 ngày sẽ không phát sinh lãi, phí. Nhưng sau thời gian này, ngoài lãi suất thẻ tín dụng sẽ thêm các khoản phí, lãi phạt khác cộng dồn theo năm sẽ lên con số rất lớn. Trường hợp này gọi là lãi kép.

Lãi kép áp dụng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm hoặc đầu tư chứng khoán nếu thuận lợi sẽ mang lại khoản lợi nhuận lớn. Nhưng áp dụng với một khoản vay tiêu dùng như nợ thẻ tín dụng sẽ rất rủi ro nếu không thanh toán đúng hạn” – một chuyên gia tài chính phân tích.

Vụ xài thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, “ôm” nợ 8,8 tỉ đồng: Con số 8,8 tỉ đồng ở đâu ra?- Ảnh 2.

Cũng với cách tính như trường hợp trên, ở đây là bảng minh họa một khoản dư nợ thẻ tín dụng khác có số dư 15 triệu đồng ban đầu, lãi suất cố định 33%/năm và phí phạt hàng tháng khoảng 5%/năm. Nếu chủ thẻ không thanh toán đúng hạn, năm đầu tiên gốc và lãi sẽ khoảng 34,8 triệu đồng nhưng với cách tính lãi kép, tổng dư nợ gốc và lãi, phí các loại cần phải thanh toá vào năm thứ 7 sẽ lên tới… 5,45 tỉ đồng.

Liên quan đến vụ việc giữa Eximbank và khách hàng P.H.A, thông tin mới nhất từ khách hàng này khi trả lời Báo Người Lao Động là ông khẳng định “bản thân là bị hại khi không tiêu 8,5 triệu đồng trong thẻ tín dụng”.

Phía Eximbank cho biết đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ khách hàng xử lý nợ. Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.

Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục thông tin vụ việc…

Theo Thái Phương

Người lao động

Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Người Việt Nam mạnh về mua xổ số, đầu tư dựa vào may mắn, chứ không đầu tư bằng tri thức

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề: Làm thế nào để người dân Việt …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *