‘Vua chuối’ kể chuyện tiếp cận thị trường Nhật Bản và khắc phục sự cố khi xuất khẩu

Từng phải bay sang Nhật khi sản phẩm bị thẹo, tật, “Vua chuối” Võ Quan Huy đã chinh phục được thị trường khó tính này khi khiến đối tác cảm thấy được tôn trọng và cách giải quyết hợp tình hợp lý.

Trang trại trồng chuối của ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An tại huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) được đầu tư hệ thống dây cáp để vận chuyển chuối từ vườn về nhà xưởng. Nhờ hệ thống dây cáp này, chuối được thu hoạch nhanh và giảm sức lao động cho con người.

Ngay từ khi đến với cây chuối, ông Út Huy (cái tên mà ông từng chia sẻ là rất thích được gọi), ông đã làm bài bản để xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường khó tính, trong đó có Nhật Bản. Ông Út Huy đã chia sẻ với Nhadautu.vn về câu chuyện xuất khẩu sản phẩm đã gắn liền với tên tuổi của ông.

Vo-Quan-Huy

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc CT TNHH Huy Long An. Ảnh: Lan Đỗ

Là người nổi tiếng với biệt danh “vua chuối”, ông có thể chia sành trình đến với loại trái cây gắn liền với tên tuổi của ông?

Ông Võ Quan Huy: Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đàm phán và ký kết năm 2016, tôi chọn loại cây có thể hội nhập được và thế giới có nhu cầu lớn, có lợi thế cạnh tranh. Cây chuối đáp ứng được tiêu chí đó.

Trải qua nhiều hành trình, đến nay sản phẩm chuối Fohla của Huy Long An được xuất khẩu tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Malalaysia và Trung Quốc.

Công ty chúng tôi vừa tự trồng, vừa hợp tác với nông dân tại Tây Ninh, Đồng Nai và Long An với tổng diện tích trồng chuối khoảng 500 ha và 200 ha cho các loại cây khác là bưởi, sầu riêng và măng cụt. Sản lượng chuối đang đạt hơn 20.000 tấn/năm và xuất khẩu chiếm 95%.

Phần lớn sản phẩm chuối của Huy “Long An” là để xuất khẩu. Tại sao ông lại chọn con đường đưa sản phẩm này ra nước ngoài?

Ông Võ Quan Huy: Khi trồng tôi đã nhắm đến sản phẩm sẽ xuất khẩu cho thị trường Nhật. Mặc dù đây là thị trường khó tính nhưng tôi chọn vì ít người cạnh tranh và khi làm được sẽ ổn định. Thị trường nội địa dễ hơn nhưng nhiều người cạnh tranh.

Mới đầu, đối tác Nhật đưa ra những điều khoản chặt chẽ nhưng cơ bản vẫn dựa trên tinh thần xây dựng và hợp tác. Có những trường hợp mình không lường trước được và buộc phải trao đổi lại phía bạn hàng bên Nhật.

Ông đã tiếp cận với những đối tác đầu tiên của Nhật như thế nào?

Ông Võ Quan Huy: Mới đầu, công ty chưa chủ động trong việc tìm đối tác. Lúc đó, hệ thống hạ tầng đồng ruộng của Huy Long An được thiết kế khá độc đáo gồm cáp chống đổ ngã, thu hoạch bằng hệ thống ròng rọc, có nhà đóng gói và kho bảo quản… Sau đó, nhiều người lấy hình ảnh vườn gửi lên mạng xã hội. Nhiều báo trong nước đưa tin, nhiều khách hàng nước ngoài tìm thấy thông tin và tiếp cận chúng tôi.

Sản phẩm chuối của công ty đến đã lần nào gặp sự cố chưa?

Ông Võ Quan Huy: Tôi từng phải bay liền sang Nhật vì trái chuối có thẹo, tật. Lần đó, xuất chuối sang Nhật nhưng không kiểm soát được một số chuối có thẹo và đối tác đã phản ánh lại. Nếu tỉ lệ này trong mức thỏa thuận thì không sao nhưng nếu nhiều quá thì phải xin lỗi.

Ngay sau khi khách hàng Nhật báo tin, tôi bay sang Nhật để xem xét tình hình. Tôi muốn biết các sản phẩm bị lỗi ở đâu để rút kinh nghiêm. Phía đối tác thấy sự thiện chí, có trách nhiệm với hàng hóa từ mình nên họ rất dễ chịu trong sự cố này.

Trong văn hóa tiêu dùng của người Nhật, họ muốn hiểu thật rõ về nguồn gốc sản phẩm mà họ muốn mua và họ đánh giá cao đối tác nếu làm ăn uy tín, biết trân trọng và bảo vệ khách hàng.

Về đối thủ cạnh tranh, trái chuối Việt Nam đang gặp những đối thủ nào?

Ông Võ Quan Huy: Philippines và Campuchia là hai đối thủ đáng gờm của ngành chuối xuất khẩu Việt Nam. Đối với Campuchia, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang thuê đất và canh tác chuối. Các doanh nghiệp này đầu tư và làm trên quy mô lớn. Còn Việt Nam, việc trồng chuối đa phần do các doanh nghiệp nhỏ lẻ thực hiện. Về giá tại thị trường Trung Quốc, giá của chuối Campuchia bán giá cao hơn của Việt Nam.

Philippines có lịch sử trồng chuối xuất khẩu hơn 60 năm, được các tập đoàn lớn từ châu Âu, Nam Mỹ đến đầu tư nên quy trình chăm sóc bài bản, có nghiên cứu kỹ từ đất đai đến thổ nhưỡng, đào tạo công nhân bản địa rất chuyên nghiệp. Hệ thống hạ tầng rất hiện đại, mẫu mã đẹp, xuất khẩu đi nhiều nước và đứng thứ hai về xuất khẩu chuối trên thế giới.

Theo số liệu của Worldstopexports, kim ngạch xuất khẩu chuối toàn thế giới năm 2022 là 12,5 tỷ USD, trong đó Ecuador đứng đầu với với 3,5 tỷ USD, chiếm 28,2%. Phillippines đứng thứ 2 với 1,1 tỷ USD, chiếm 8,8%. Việt Nam là 294 triệu USD, chiếm 2,4%, xếp thứ 9. Còn Campuchia với 182 triệu USD, chiếm 1,5% toàn thế giới, xếp thứ 14.

Đó là với cây chuối, còn các loại nông sản khác như bưởi măng cụt, sầu riêng của Huy “Long An” hiện nay ra sao?

Ông Võ Quan Huy: Sản phẩm bưởi, sầu riêng, măng cụt của chúng tôi hiện đang được trồng trên diện tích 200 ha và tiêu thụ tại thị trường trong nước. Chúng tôi cũng chưa chủ động tìm thị trường xuất khẩu các mặt hàng này.

Việc Trung Quốc mở cửa có tác động như thế nào đến xuất khẩu chuối của Huy “Long An” sang thị trường này?

Ông Võ Quan Huy: Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của Huy Long An tăng không nhiều vì khách hàng của Huy Long An có tính ổn định. Do đó, thông thường doanh thu sẽ không tăng đột biến hoặc sụt giảm quá nhanh.

Còn với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam đã có hiệp định tự do nên ngày càng mở, cơ hội vẫn rất lớn.

Cao tốc Bắc – Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sang Trung Quốc?

Ông Võ Quan Huy: Cao tốc Bắc – Nam khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất khẩu nông sản. Thời gian vận chuyển ít hơn và những hư hao cũng sẽ đươc giảm thiểu vì nông sản vốn là mặt hàng khó bảo quản. Thời gian vận chuyển nhanh cũng giúp trái cây tươi hơn và dễ chinh phục khách hàng hơn. Tuy nhiên, việc cửa khẩu hoạt động thường xuyên cũng là yếu tố rất quan trọng trong xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo ông, làm thế nào để nâng tầm trái cây Việt Nam trên trường quốc tế?

Ông Võ Quan Huy: Mỗi khâu đều là mắt xích quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu nông sản. Đối với những người trồng, sản xuất có quy trình, áp dụng công nghệ là điều quan trọng. Khi kiểm soát được chất lượng, sản phẩm mới xây dựng thương hiệu tốt. Nếu có thương hiệu rồi thì sản phẩm sẽ đứng vững ở thị trường thế giới. Ở Việt Nam, sản xuất trái cây hiện vẫn còn nhỏ lẻ nên vấn đề là làm sao để kết nối được, hợp lực giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước. Khi nắm tay được, Việt Nam sẽ là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu nông sản.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Nhadautu.vn

Có thể bạn quan tâm

Công ty của Trấn Thành thu 10 đồng lãi ròng 7 đồng, siêu lợi nhuận với loạt “bom tấn” phòng vé Việt như MAI, Nhà Bà Nữ, Bố Già,…

Theo công bố của nhà sản xuất, Phim MAI hiện đã đem về hơn 381 …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *