Trung Quốc mở cửa tác động thế nào đến kinh tế toàn cầu

Việc người Trung Quốc đại lục tăng mua sắm, du lịch có thể giúp Hong Kong, Hàn Quốc hưởng lợi, nhưng giá dầu thế giới cũng sẽ bị kéo lên cao.

Hôm 26/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo sẽ hạ cấp độ ứng phó Covid-19, ngừng cách ly bắt buộc với hành khách nhập cảnh nước này từ ngày 8/1/2023. Động thái trên được coi là bước tiếp theo nhằm nới lỏng dần chiến lược “Zero Covid” được Trung Quốc duy trì gần 3 năm qua, chuyển sang sống chung với dịch bệnh.

Thông tin này không chỉ kéo thị trường chứng khoán Trung Quốc đi lên, mà còn có tác động tích cực lên cổ phiếu hàng loạt công ty liên quan đến du lịch và tiêu dùng tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Cổ phiếu Lotte Tour Development sáng nay có thời điểm tăng 7%. Japan Airport Terminal tăng 3,7%. Các hãng mỹ phẩm được ưa chuộng tại Trung Quốc, như Shiseido và Amorepacific cùng tăng 5,7%.

“Chính phủ Trung Quốc đang bước thêm bước nữa để tiến tới mở cửa hoàn toàn. Động thái này có thể tạo ra đà tăng cho nhóm cổ phiếu liên quan đến tiêu dùng Trung Quốc, như mỹ phẩm, giải trí và du lịch”, Han Jiyoung – chiến lược gia tại Công ty Chứng khoán Kiwoom nhận định trên Bloomberg.

Hành khách tại Sân bay Quốc tế Bắc Kinh hồi tháng 3/2022. Ảnh: Reuters

Hành khách tại Sân bay Quốc tế Bắc Kinh hồi tháng 3/2022. Ảnh: Reuters

Dù vậy, một báo cáo hồi giữa tháng của Goldman Sachs nhận định Hong Kong, Thái Lan và Singapore mới là các nền kinh tế có thể hưởng lợi lớn nhất khi Trung Quốc bỏ hạn chế về Covid-19 và mở cửa nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là việc này sẽ giúp kéo nhu cầu hàng nhập khẩu và du lịch nước ngoài lên cao.

GDP Hong Kong được dự báo tăng thêm 7,6% nhờ nguồn thu từ xuất khẩu và du lịch. GDP Thái Lan hưởng lợi thêm 2,9%. Tác động này với Singapore nhỏ hơn, vào khoảng 1,2%. Theo sau là Malaysia với 0,7%.

Ước tính trên dựa trên giả thiết việc Trung Quốc mở cửa sẽ tăng nhu cầu nội địa của nước này thêm 5% và số chuyến bay quốc tế quay về mức năm 2019. “Việc Trung Quốc mở cửa có thể mang lại tác động tích cực nhất lên du lịch quốc tế, rồi đến hàng hóa nhập khẩu”, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho biết.

Chi tiêu du lịch tại Hong Kong có thể tăng tương đương 6% GDP. Tác động này lên Thái Lan vào khoảng 3%. Các con số này có thể còn lớn hơn nếu khách Trung Quốc “chi tiêu bù” sau 3 năm biên giới bị đóng cửa, các nhà kinh tế học cho biết.

Dù vậy, trừ Hong Kong và Singapore, tác động thương mại trực tiếp từ việc Trung Quốc mở cửa lên các nền kinh tế khác ở châu Á là khá nhỏ, chỉ tương đương 0,2 – 0,4%.

Với thị trường hàng hóa, Goldman Sachs cho rằng nhu cầu từ Trung Quốc hồi phục có thể kéo giá dầu thế giới lên thêm 15 USD một thùng. Chính sách phong tỏa tại Trung Quốc là lý do chủ yếu khiến giá dầu đi xuống thời gian qua. Nhu cầu dầu của nước này năm nay cũng giảm lần đầu tiên trong hai thập kỷ. Vì thế, việc Trung Quốc tái gia nhập thị trường năng lượng sẽ có tác động khổng lồ lên giá cả năm tới.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng vọt, thêm 2,2 triệu thùng một ngày năm tới. Con số này cao đáng kể so với mức tăng sản xuất trung bình của OPEC giai đoạn 2010 – 2019 là 1,5 triệu thùng một ngày. Trung Quốc có thể đóng góp tới 60% tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm sau. Forbes cho biết chỉ riêng khả năng Trung Quốc mở cửa đã là lá chắn lớn nhất giúp ngăn chặn suy thoái.

Tuy nhiên, một số quốc gia sẽ không hào hứng với tác động từ việc mở cửa này. Theo Financial Times, trên lý thuyết, tăng trưởng của Trung Quốc tăng tốc sẽ khiến giá hàng hóa tăng mạnh, từ đó gây tác động lan truyền sang các mặt hàng khác.

Ví dụ, các thị trường châu Âu vốn đau đầu vì giá năng lượng cao và chuỗi cung ứng gián đoạn cả năm qua. Tuy nhiên, họ vẫn đang hưởng lợi phần nào vì nhu cầu khí đốt tại Trung Quốc yếu. Việc này giúp họ mua được khí dễ dàng hơn. Nhưng sang năm tới, khi Trung Quốc nhập khí đốt trở lại, nguồn cung sẽ lại căng thẳng và sức ép lạm phát sẽ tăng tốc.

Với người tiêu dùng Mỹ, giá dầu cao sẽ kéo giá xăng trong nước lên. Tiền sưởi ấm cũng sẽ tăng khi mùa đông năm nay, Mỹ đang phải hứng chịu các trận bão tuyết lớn chưa từng có. Nhiều hàng hóa khác sẽ tăng giá theo khi chi phí vận tải và sản xuất lên cao.

Nếu sức ép lạm phát đủ lớn, thị trường sẽ phải nghĩ lại về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngừng nâng lãi suất trong năm tới. Cơ quan này đã nâng lãi suất 7 lần năm nay, khiến suy thoái trở thành nỗi lo thường trực trên toàn cầu.

Theo Hà Thu/vnexpress.net

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng, chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhờ lạm phát hạ nhiệt

Mỗi ounce vàng tăng gần 20 USD, còn chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tốt …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *