Anh Đoàn Phước Trường chia sẻ những cảm nhận thông qua quan sát và trải nghiệm khi đến Brunei trong chuyến du lịch cuối cùng của năm 2022.
Nhân chuyến bay thương mại đầu tiên sau Covid-19 nối TP HCM với Brunei, độc giả Đoàn Phước Trường, đã có chuyến đi đến quốc gia thứ 53 của mình đầu tháng 12 và chia sẻ về nơi này.
Brunei thuộc Đông Nam Á, là một vương quốc nhỏ nằm trên đảo Borneo (diện tích hơn 5.700 km2 và dân số gần 450.000), được bao bọc bởi lãnh thổ Malaysia. Đây là vùng đất của những thánh đường dát vàng, những bảo tàng với các bộ sưu tập, những bãi biển đẹp, những khu bảo tồn rừng tự nhiên hoang dã và ngôi làng nổi lớn nhất thế giới.
Brunei là quốc gia giàu có với GDP bình quân đầu người năm 2021 gần 32.000 USD, theo số liệu từ Ngân hàng thế giới. Số lượng khách quốc tế đến Brunei chưa nhiều, khi năm 2019, quốc gia này đón gần 4,5 triệu lượt, ít nhất trong khối ASEAN. Brunei cũng là quốc gia yên bình, như tên gọi mà hướng dẫn viên giải thích “Ngara Brunei Darussalam” mang ý nghĩa “Nơi chốn bình yên” còn thủ đô có tên Bandar Seri Begawan là “Nơi trú ẩn của hòa bình”.
Cảnh sắc Brunei khiến tôi choáng ngợp vì sự nguyên vẹn được gìn giữ và bảo tồn có ý thức. Mỗi con đường, mỗi công viên trong thành phố đều như một cánh rừng nhỏ, có thác chảy và tiếng chim. Temburong là một trong bốn quận của Brunei, nổi tiếng thế giới bởi những khu rừng nguyên sinh hoang dã lớn. Muốn đến vườn quốc gia Ulu Temburong bằng đường bộ phải mất 20 phút ôtô để vượt cây cầu Sultan Haji Omar Ali Saifuddien, cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á 26 km bắc qua vịnh Brunei. Ở đây có những dòng sông quanh co, những rừng cây rậm rạp. Du khách có thể đi bằng thuyền dài truyền thống của người địa phương.
Phần lớn người dân đều sở hữu một đến 2 xe hơi riêng nên taxi và xe buýt rất hiếm. Phải đặt taxi trước ít nhất một giờ đồng hồ mới có xe, phải dặn kỹ tài xế giờ đến đón và trả khách, không thể ra phố vẫy tay là kiếm được taxi ngay. Xe buýt thì nửa tiếng mới có một chuyến vì cũng ít ai sử dụng loại phương tiện công cộng này mặc dù miễn phí, chủ yếu dành cho người nước ngoài đến đây công tác hay làm việc.
Đường phố cả ngày vắng lặng, thoáng đãng, sạch sẽ và không tắc đường. Giá mỗi xe hơi trung bình chỉ khoảng 200 triệu đồng vì người mua không phải đóng thuế. Hệ thống giao thông theo hướng tay lái nghịch.
Giá xăng ở Brunei nằm trong top 3 rẻ nhất trên thế giới, chỉ 0,45 đôla Brunei (8.000 đồng một lít), còn rẻ hơn cả một chai nước khoáng có giá 1 đôla Brunei (18.500 đồng một chai).
Kampong Ayer là làng nổi có tuổi đời hơn 600 năm và là một trong những nét văn hóa đặc trưng của Brunei. Đây là quần thể bao gồm 40 ngôi làng nhỏ được kết nối bằng nhiều cầu gỗ uốn lượn, có chiều dài tổng cộng gần 40 km, diện tích 10 km2. Làng có đầy đủ trường học, bưu điện, bệnh viện, trạm xăng dầu được xây dựng trên mặt nước. Điều đặc biệt ở làng này là dù sống trên sông nhưng thiết bị bên trong rất hiện đại. Điều làm tôi “sốc” nhất là cư dân rất hiếu khách nên mọi ngôi nhà luôn được mở rộng cửa, bày sẵn bánh và trà ở bàn để chào đón khách lạ. Cuộc sống sinh hoạt, mua bán tấp nập không khác gì so với trên đất liền.
Hiện du khách không cần trình giấy chứng nhận tiêm vaccine vì Chính phủ đã dỡ bỏ các quy định về dịch Covid. Tuy nhiên, du khách cần chuẩn bị sẵn vé khứ hồi vì hải quan sẽ hỏi tới.
Để tránh gặp rắc rối khi đến Brunei, bạn nên tôn trọng văn hóa và tuân thủ các nguyên tắc của đạo Hồi như không ăn thịt lợn, không sử dụng rượu bia. Về ăn mặc, ở những nơi công cộng không mặc quần áo quá ngắn, nam giới phải mặc quần dài. Nếu là phụ nữ lại càng không nên mặc quần, váy ngắn. Khi vào nhà thờ Hồi giáo, khách nữ cần có khăn che đầu, tóc và áo choàng đen dài trùm kín đến gót chân.
Hút thuốc và xả rác nơi công cộng sẽ bị phạt tiền rất nặng. Phải xin phép trước khi chụp ảnh nhưng tốt nhất nên tránh chụp ảnh phụ nữ Hồi giáo để không rắc rối với chính quyền địa phương.
Không ăn bốc bằng tay trái vì quan niệm cho rằng tay trái là không sạch. Không bắt tay với phụ nữ Hồi giáo, chỉ đặt một tay lên trái tim và hơi cúi người để chào hỏi. Đa số các khách sạn đều không cho mang sầu riêng và quả măng cụt vào vì sợ ám mùi.
Một suất cơm gà trung bình có giá 3 đôla Brunei (55.000 đồng). Hải sản khá rẻ như cá, tôm, cua, mực. Cá thu có giá 4 đôla. Đặc biệt sầu riêng ruột đỏ là một đặc sản luôn được du khách nếm thử. Đồ ăn chủ đạo hằng ngày là cơm lam, cơm vò ăn với hải sản hay các món nướng như thịt gà, thịt bò và cá nướng.
Dường như quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có này không mặn mà với du lịch. Mọi sự tô vẽ để mời gọi mọi người đến không được bày biện trên vùng đất huyền bí này. Vì vậy, nếu muốn tìm đến để tận hưởng phồn hoa náo nhiệt hay đắm mình trong những dịch vụ tiện nghi nhất, thì Brunei sẽ dội vào bạn một gáo nước lạnh. Dù có đang ở ngay giữa thủ đô Bandar Seri Begawan nhưng nếu sau 19h sẽ khó tìm một quán ăn nóng sốt.
Các trung tâm thương mại hay các quán cà phê chỉ có ở khu trung tâm nhưng tất cả sẽ đóng cửa lúc 22h. Nhịp sống của thành phố này cũng không hiện diện để làm đẹp lòng du khách: không có những quán ăn tiệc tùng thâu đêm, thức uống không cồn, thuốc lá, đồng tính, tình dục ngoài hôn nhân là phạm pháp. Hoạt động giải trí nghèo nàn, mua sắm vắng vẻ, không có phố đi bộ, phương tiện giao thông công cộng ít ỏi sẽ làm chùn bước chân của đại đa số khách du lịch.
Riêng cá nhân, tôi cảm thấy khá thú vị về quốc gia này, Brunei. Tôi gọi đây là vùng đất để sống chậm và chiêm nghiệm, theo một cách nào đó rất nhẹ nhàng, bình yên và trầm lặng đúng như bản tính và phong cách sống của tôi.
Theo Đoàn Phước Trường/vnexpress.net