Hy Lạp vỡ nợ sau Olympic 2004, Brazil lỗ 2 tỷ USD với Olympic 2016 còn Qatar kỳ vọng World Cup 2022 là cơ hội để nền kinh tế chuyển dịch, bớt trông cậy vào dầu mỏ.
World Cup hay Olympic thường được các đơn vị tổ chức quảng bá như cơ hội đem đến những giá trị kinh tế lớn cho các nước chủ nhà. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng thành công sau những đại sự kiện thể thao tốn kém này. Hy Lạp đã vỡ nợ với một trong những nguyên nhân chính là Olympic Athens 2004. Brazil cũng lỗ 2 tỷ USD với Olympic Rio 2016. Kinh tế Ukraine cũng không khởi sắc sau khi Euro 2012.
Từ khi được FIFA trao quyền tổ chức vào năm 2010 đến nay, Qatar đã chi ít nhất 220 tỷ USD để đầu tư, xây dựng cở sở hạ tầng phục vụ World Cup 2022, thậm chí Bloomberg ước tính con số lên đến 300 tỷ USD. Nếu tính theo mức 220 tỷ USD, tương đương bình quân mỗi năm Qatar dành khoảng 10% GDP cho World Cup.
Với mức đầu tư khổng lồ trên, nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng Qatar khó có thể phát sinh lợi nhuận từ giải đấu này. Các cơ sở hạ tầng như sân vận động cũng bị nghi ngờ về kế hoạch sử dụng sau World Cup khi Qatar chỉ có dân số hơn 300.000 người.
Tuy nhiên, World Cup đã có những tác động tích cực cho kinh tế Qatar trong ngắn hạn. Theo Nasser Al Khater, Giám đốc điều hành FIFA World Cup Qatar 2022, giải đấu này có thể mang về cho nước chủ nhà 17 tỷ USD. Quốc gia vùng Vịnh dự kiến đón hơn một triệu du khách trong một tháng diễn ra sự kiện. Trong đó, theo tính toán của Capital Economics, nếu 1,5 triệu khách đến Qatar ở lại 10 ngày và chi 500 USD mỗi ngày, nước này sẽ thu được 7,5 tỷ USD.
Fitch Solutions dự báo, kinh tế của Qatar quý IV sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ World Cup khi cả thế giới hướng về quốc gia này. “Chúng tôi tin rằng giải đấu sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Qatar quý IV thông qua xuất khẩu dịch vụ cao hơn, mức chi tiêu của chính phủ và tiêu dùng tăng. Tác động nổi bật của World Cup với Qatar đến từ lượng du khách nước ngoài tăng đột biến”, báo cáo của tổ chức này viết.
Còn IMF dự báo kinh tế Qatar sẽ tăng trưởng 3,4% năm 2022 nhờ World Cup. Sau đó, mức tăng trưởng có thể giảm xuống còn 1,7% vào năm 2024.
Thị trường chứng khoán Qatar cũng hưởng lợi từ giải đấu. Dù 2022 là một năm khó khăn khi thời kỳ tiền rẻ chấm dứt, các ngân hàng đều mạnh tay tăng lãi suất, chỉ số QSE của thị trường Qatar vẫn có mức tăng tốt nhất so với các nước khu vực vùng Vịnh trong 8 tháng đầu năm.
Akber Khan, giám đốc cấp cao về quản lý tài sản của Al Rayan có trụ sở ở Doha cho biết thị trường chứng khoán Qatar đã tăng hơn 50% trong 5 năm qua khi các công tác chuẩn bị cho World Cup được đẩy nhanh tiến độ. Hiệu ứng từ World Cup với chứng khoán Qatar được cho rằng còn kéo dài sang năm sau khi đầu tư cho xây dựng, bất động sản, du lịch, bán lẻ vẫn chảy vào các doanh nghiệp niêm yết và cả nền kinh tế.
Bên cạnh đó, World Cup còn có những đóng góp quan trọng cho Qatar trong dài hạn. Đây được coi như bước đệm để nước này đa dạng hóa nền kinh tế. Theo một báo cáo của PwC, World Cup là một phần không thể thiếu trong bức tranh kinh tế tổng thể theo kế hoạch “Tầm nhìn Quốc gia 2030” của Qatar.
Cũng như nhiều quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, Qatar đang phải chạy đua để quảng bá hình ảnh như một điểm đến hấp dẫn, nhằm đảm bảo tương lai nền kinh tế trước khi nhu cầu với nhiên liệu hoá thạch suy giảm. Năm 2030, quốc gia vùng Vịnh này đặt mục tiêu đón 6 triệu du khách, tăng gấp đôi so với năm 2016.
Theo Giorgio Cafiero, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn rủi ro Gulf State Analytics có trụ sở tại Washington, việc tổ chức World Cup “sẽ giúp củng cố hình ảnh của Qatar”. Ông cho rằng World Cup sẽ giúp Qatar như một đất nước có tư duy cầu tiến, hướng ngoại. Hay hiểu theo cách khác, thay vì một nơi gắn liền với xuất khẩu dầu mỏ, Qatar sẽ trở thành địa điểm một doanh nhân đi công tác có thể thoải mái chiêu đãi khách hàng, một tổ chức thương mại có thể tổ chức hội nghị và nơi một gia đình có thể đến nghỉ ngơi vài ngày như Las Vegas.
“Từ khi giành quyền đăng cai World Cup vào năm 2010, Qatar đã dần hướng tới đa dạng hóa nền kinh tế. Cụ thể, đóng góp từ nhiên liệu hóa thạch vào GDP từ 53% vào năm 2010 đã giảm xuống còn 39% vào năm 2020”, Rituparna Majumder, người đứng đầu mảng phân tích kinh tế tại Frost & Sullivan nhận xét.
Theo chuyên gia này, Qatar trong những năm qua cũng đạt được những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực như xây dựng, thương mại, tài chính, sức khoẻ… Nhờ phát triển cơ sở hạ tầng liên quan World Cup, ngành xây dựng đã đóng góp 14,4% vào GDP Qatar năm 2020, trong khi năm 2010 chỉ 6%.
Hãng tư vấn bất động sản Knight Frank cho biết quy mô phòng khách sạn của Qatar có thể tăng 89%, lên 56.600 phòng vào năm 2025, trong đó khoảng 30.000 phòng đã hoàn thành tính đến cuối năm ngoái. Adam Stewart, đối tác đứng đầu tại Qatar của Knight Frank, cho biết ngành du lịch và khách sạn dự kiến chiếm tỷ trọng 12% trong GDP Qatar vào năm 2030.
Theo Tú Anh (tổng hợp)/vnexpress.net