Áp lực công việc, theo đuổi sự nghiệp khiến nhiều phụ nữ kết hôn và sinh con muộn, nhưng sau tuổi 35, chức năng sinh sản nữ giới bị ảnh hưởng khá nhiều.
Chị Bùi Thu Hoa (35 tuổi, TP HCM) mới kết hôn cách đây 2 năm. Gia đình nội ngoại vừa hối thúc vừa khuyến khích vợ chồng chị sinh con, nhưng chị Hoa muốn trì hoãn. “Bác sĩ tư vấn nên có con sớm vì đã lớn tuổi, nhưng công việc căng thẳng nhiều áp lực, bản thân tôi không thể cùng lúc chu toàn 2 việc”, chị nói.
Tại các thành phố lớn như TP HCM, nhiều phụ nữ như chị Hoa kết hôn muộn và chưa xác định được thời điểm sinh con. Thậm chí, ngày càng nhiều trường hợp phụ nữ độc lập về kinh tế lựa chọn cuộc sống độc thân, không muốn kết hôn và sinh con. Hiện tuổi kết hôn lần đầu của những người dân TP HCM cao hơn mức trung bình của cả nước là khoảng 2 tuổi.
Năm 2010, độ tuổi kết hôn ở cả hai giới tại TP HCM là 26,6 tuổi, 8 năm sau tăng lên 27,7 tuổi. Kết hôn muộn nên mức sinh ở độ tuổi 20-25 thấp và tập trung nhiều ở độ tuổi 25-34, khi các cặp vợ chồng ổn định công việc và đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn.
Điều này đã khiến tỷ suất sinh ở TP HCM thấp nhất cả nước. Theo số liệu Tổng cục thống kê năm 2018, tỷ suất sinh TPHCM là 1,33 con trong khi mức trung bình cả nước là 2,1 con. Năm 2020, tổng tỷ suất sinh của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP.HCM là 1,53 con, có xu hướng tăng so với trước. Sau nhiều nỗ lực vận động cải thiện mức sinh thấp, TP HCM vẫn chưa thoát khỏi báo động. Thành phố vẫn nằm trong nhóm 21 tỉnh thành có tổng tỷ suất sinh thấp nhất cả nước.
Ghi nhận tại Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM, số phụ nữ mang thai, sinh con sau tuổi 35 chiếm trên 30% gồm sinh con lần đầu và sinh con thứ.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, phụ nữ sinh con muộn được xác định là ở độ tuổi trên 35. Thời điểm này, sức khỏe tổng thể của người phụ nữ đã bắt đầu suy giảm và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ. Khi phụ nữ sinh con muộn, số lượng và chất lượng trứng suy giảm, người mẹ dễ mắc các bệnh thai kỳ (tăng huyết áp, tiểu đường, tiền sản giật), sinh non, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi…
Chị Lê Thị Ngọc Mai sinh con lần đầu tại BVĐK Tâm Anh ở tuổi 38 nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF. Ảnh: Tuệ Diễm
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu phụ nữ 35 tuổi, không có bất kỳ triệu chứng hay yếu tố nguy cơ vô sinh nào, mong muốn có con hãy cố gắng mang thai theo cách tự nhiên bằng cách dựa vào chu kỳ kinh nguyệt. Nếu quá bận rộn, chị em có thể sử dụng các app theo dõi kinh nguyệt, khả năng dự tính ngày rụng trứng để tăng khả năng thụ thai.
“Nếu không thể mang thai sau 6 tháng cố gắng, phụ nữ sau 35 tuổi cần đi khám chuyên khoa hỗ trợ sinh sản để được tư vấn sớm nhất. Không nên cố gắng chờ đợi thêm vì tuổi tác càng lớn, khả năng điều trị sinh sản càng giảm”, bác sĩ Mỹ Tú khuyên.
Công nghệ hỗ trợ sinh sản cho phụ nữ sinh con muộn
Với y học hiện đại, phụ nữ không còn lo quá già để sinh con. Tuy nhiên, hành trình mang thai của họ có thể khó khăn hơn, cần sự can thiệp từ các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Phần lớn phụ nữ sinh con sau tuổi 35 gặp nhiều vấn đề cản trở thụ thai tự nhiên, trong đó quan trọng nhất là dự trữ buồng trứng suy giảm.
Bác sĩ Mỹ Tú cho biết, phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ (Mild Stimulation) được coi là giải pháp mới, mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ lớn tuổi có chỉ số buồng trứng thấp và mong muốn có con. Công nghệ giúp bác sĩ thu được số lượng noãn tối ưu với liều thuốc tối thiểu, kỹ thuật nuôi phôi tốt nhất giúp phụ nữ lớn tuổi có thể mang thai, sinh con.
Phụ nữ có thể chọn thêm giải pháp trữ trứng xã hội, một “bảo hiểm sinh học” giúp bảo tồn chức năng sinh sản. Trữ trứng giúp ngăn ngừa tác động từ những yếu tố về tuổi tác, bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới. Ngay khi trữ lạnh, đồng hồ sinh học của trứng dừng lại. Nhờ đó, một phụ nữ trữ trứng năm 20 tuổi thì đến năm 40 tuổi, chất lượng trứng vẫn được bảo tồn. Tại hệ thống BVĐK Tâm Anh, nhiều em bé từ những người mẹ lớn tuổi, trên 35, thậm chí trên 50 tuổi, đã ra đời nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại.
Bác sĩ Mỹ Tú khuyến cáo, dù chưa có ý định mang thai, nhưng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần lưu ý khám phụ khoa và kiểm tra sức khỏe sinh sản định kỳ. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên đi khám ít nhất một lần mỗi năm. Phụ nữ 35 tuổi trở lên và chưa sinh con nên khám phụ khoa 6 tháng/lần.
Khi bước vào tuổi 35, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự suy giảm buồng trứng ảnh hưởng chức năng sinh sản. Phụ nữ trì hoãn sinh con cần được khám phụ khoa để phát hiện những bất thường và can thiệp kịp thời. Các cận lâm sàng như siêu âm phụ khoa, xét nghiệm máu, đánh giá dự trữ buồng trứng, nước tiểu, dịch âm đạo… giúp xác định bệnh lý phụ khoa, bệnh truyền nhiễm để điều trị.
Nếu chưa sẵn sàng mang thai nhưng có quan hệ tình dục, chị em nên sử dụng phương pháp ngừa thai an toàn với mục tiêu bảo vệ chức năng sinh sản và sức khỏe bản thân. Đặc biệt, không nên lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp vì có nguy cơ rong kinh, rối loạn kinh nguyệt, u nang buồng trứng do lạm dụng thuốc.
Theo Tuệ Diễm/vnexpress.net