Trong lúc nhiều doanh nghiệp (DN) cho hay được lợi không nhỏ từ việc điều chỉnh tỉ giá gần đây thì rất nhiều DN khác chưa tận dụng được hoặc thiệt hại.
Khách hàng giao dịch kiều hối tại một ngân hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
1 USD thay vì đổi được khoảng 23.500 đồng trước đây, qua nay đã đổi được trên 24.500 đồng nhờ tỉ giá thay đổi. Có nghĩa với DN xuất khẩu thu về 1 triệu USD, nay đem đi đổi có thể thu số tiền nhiều hơn trước cả tỉ đồng.
DN nhập khẩu tăng chi phí
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đặng Hiến – phó chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP.HCM – cho biết tỉ giá USD tăng sẽ có lợi cho các DN xuất khẩu và bất lợi cho DN nhập khẩu.
Lý do: khi xuất khẩu, DN thu về USD với tỉ giá cao nhưng lại mua hàng trong nước để chế biến, xuất khẩu lại bằng VND. Trong khi đó, các DN nhập khẩu sẽ gặp khó khăn hơn khi phải thanh toán bằng đồng USD, phải đi mua USD từ các ngân hàng với giá cao nhưng lại bán ra sản phẩm nội địa bằng tiền Việt.
Lấy câu chuyện DN của mình, ông Hiến cho biết đang làm các thủ tục để nhập khẩu máy móc để nâng công suất nhà máy với giá 300.000 USD. Thay vì dự toán bỏ ra dưới 7 tỉ đồng để nhập khẩu, khi USD tăng giá, nay ông sẽ phải bỏ ra từ 7,3 – 7,5 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, việc mua hạt nhựa từ nước ngoài cũng ảnh hưởng khi phải thanh toán bằng USD với giá cao. “Thực sự rất khó khăn đối với các DN sản xuất hàng tiêu dùng để phục vụ chủ yếu cho tiêu dùng nội địa khi áp lực chi phí đầu vào rất lớn nhưng rất khó để DN tăng giá đầu ra bởi nếu tăng sẽ mất thị phần, ảnh hưởng ngay lập tức đến doanh số bán hàng”, ông Hiến nói.
DN xuất khẩu có thể hưởng lợi
Một số DN xuất khẩu vui mừng vì khi USD đắt lên, giá hàng xuất khẩu của VN tại nhiều thị trường sẽ rẻ đi, thúc đẩy xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh hàng Việt. Tuy nhiên, nếu phải đi nhập khẩu nguyên vật liệu để xuất khẩu thì sẽ giảm lợi ích.
Lãnh đạo một DN dệt may lớn xác nhận các DN xuất khẩu quy mô, việc tăng tỉ giá USD sẽ giúp các DN hưởng lợi khi họ có thặng dư về ngoại tệ.
Khi ngoại tệ giá cao, quy đổi ra để mua nguyên liệu trong nước, trả tiền lương, các chi phí hoạt động… cũng lợi hơn. Bên cạnh đó, vị lãnh đạo trên chia sẻ thực tế việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng sẽ có lợi hơn cho các DN VN khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với VN như Ấn Độ, Bangladesh… đã báo giá tăng lên cao, trên 10%, trong khi VN chỉ mới tăng 4%.
“Nhìn một cách tích cực, việc thay đổi tỉ giá cũng đóng góp một phần vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh đối với các DN xuất khẩu VN”, vị lãnh đạo này cho hay.
Ông Nguyễn Chánh Phương – phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM – cho biết lẽ ra các DN ngành gỗ sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá USD khi bán được giá cao vào mùa xuất hàng tốt, song thời điểm hiện tại các DN ngành gỗ đang khó khăn về xuất khẩu.
Ông Phương nói hiện các DN ngành gỗ không nhập khẩu quá nhiều nên tác động về giá đầu vào cũng hạn chế. Nếu USD tăng giá cao, các DN Việt vẫn có thể chuyển hướng sang nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường châu Âu bởi hiện đang có lợi thế nguyên liệu từ châu Âu giá rẻ.
Có điều, khi USD tăng giá, ông Phương cảnh báo lãi suất ngân hàng cũng đang có xu hướng tăng, kéo theo các DN vốn đã khó tiếp cận nguồn tín dụng nay lại thêm khó khăn về nguồn vốn.
Ví dụ về hàng Việt rẻ hơn khi tỉ giá USD thay đổi – Đồ họa: TẤN ĐẠT
Theo Ngọc Hiển/tuoitre.vn