Nét văn hóa bình dị từ nghề chằm nón lá Ninh Sơn

Nói đến nón lá ở Tây Ninh, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến nghề truyền thống chằm nón lá ở phường Ninh Sơn, TP.Tây Ninh, nơi những bàn tay khéo léo tạo ra những chiếc nón lá bình dị cho người dân khắp các tỉnh, thành.

Những ngày giữa tháng 10, dưới cái nắng mưa thất thường của thời tiết ở Tây Ninh, tác dụng che nắng, che mưa của chiếc nón lá càng được người dân tận dụng. Từ thành thị đến nông thôn, những chiếc nón lá truyền thống vẫn mang nét đẹp bình dị và hút hồn du khách khi đến Tây Ninh.

Ngày nay chiếc nón lá truyền thống vẫn mang nét đẹp bình dị

Mỗi chiếc nón lá có giá chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng không phải ai cũng biết để tạo được chiếc nón lá mộc mạc đó là cả một kỳ công ở phía sau. Ở Tây Ninh, nghề chằm nón lá cũng không còn nhiều khi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang dần thế chỗ và nét sinh hoạt công nghiệp đang dần phổ biến.

Nghề chằm nón lá Ninh Sơn

Và nói đến chiếc nón lá, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nghề truyền thống chằm nón lá ở phường Ninh Sơn, TP.Tây Ninh. Từ năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã ký quyết định công nhận nghề chằm nón lá Ninh Sơn là nghề truyền thống của tỉnh.


Chiếc nón lá gắn liền với đời sống nông thôn của người dân tại Tây Ninh

Cả một đời gắn liền với nghề chằm nón lá ở Ninh Sơn, bà Võ Thị Hương kể, cái nghề chằm nón lá ở đây trước kia rất thịnh. Những người chằm nón lá lớn tuổi nhất ở đây cũng không nhớ rõ nghề có từ khi nào, họ chỉ biết cái nghề được bà con họ hàng mang từ miền Trung vào rồi lưu giữ đến tận ngày nay. Nghề chằm nón lá hàng chục năm trước rất thịnh ở các khu phố Ninh Lộc, Ninh Thọ và Ninh Trung. Đó là giai đoạn người người, nhà nhà thậm chí cả xóm làng xôn xao với nghề chằm nón. Đáng nói, hầu hết phụ nữ ở Ninh Sơn đều biết chằm nón từ 5- 6 tuổi. Khắp nơi trên phố, dưới ruộng đồng ở Tây Ninh, dường như đâu đâu cũng thấy chiếc nón lá Ninh Sơn đi theo cùng người dân.


Cuộc sống người dân gắn liền với chiếc nón lá

Nghề chằm nón lá, có thể xem là một nghề kỳ công trong những nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam. Nón lá tuy giản dị, rẻ tiền nhưng nghệ thuật làm nón cần phải khéo tay. Nguồn nguyên liệu chính của nón lá là trúc và lá mật cật. Theo những người chằm nón, trúc được vót thành nan phải đều nhau, lá mật cật được luộc chín, phơi khô và vuốt thẳng. Để làm ra chiếc nón, người ta vừa xếp nan trúc làm sườn vừa xếp chồng lá mật cật lên khung chằm hình chóp có kích thước bằng chiếc nón lá. Lá mật cật được xếp phải đều đặn chằm kết với thanh nan tre tỉ mỉ bằng sợi chỉ trong suốt. Khi xây và lợp lá, người ta phải khéo léo sao cho khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp để nón có thể thanh và mỏng nhưng không bị dột nước khiến nón lá dễ hư.


Nón lá tuy giản dị, rẻ tiền nhưng nghệ thuật làm nón cần phải khéo tay

Nghề chằm nón không chỉ dành riêng cho phụ nữ, đàn ông thường đảm nhận khâu chuốt vành, lên khung nón, vào rừng tìm lá mật cật. Từng đoạn trúc được chuốt thành nan bằng mác hoặc rựa mỏng. Mỗi chiếc nón sẽ cần từ 16 – 18 nan vành được vót một cách công phu. Lá để tạo nên chiếc nón đẹp, người ta thường chọn lá mật cật còn tươi non trong tận sâu ở cánh rừng. Vật liệu làm nón tuy đơn sơ nhưng ngày nay lại khó tìm. Mật cật mọc ở những vùng biên giới, tiếp giáp Campuchia. Hiện nay nguồn nguyên liệu lá chủ yếu phải nhập từ Campuchia.

Hiện nay nguồn nguyên liệu lá chủ yếu phải nhập từ Campuchia


Chiếc nón lá vẫn có mặt từ nông thôn đến thành thị

Để người làm nón trụ được với nghề…

Kể từ khi có quy định đội mũ bảo hiểm cũng là lúc những chiếc nón lá dần xuất hiện ít hơn trong cuộc sống. Và đó cũng là lúc thời hoàng kim của nghề chằm nón lá P.Ninh Sơn dần mai một. Nhiều hộ làm nón cũng dần chuyển nghề đi làm ăn tứ tán, còn một số ít vẫn bám trụ với nghề gia truyền nhưng khá hiu hắt. Bởi nếu trước đây, mỗi ngày họ bán được vài chục chiếc nón lá thì giờ mỗi ngày được vài ba cái đã mừng.


Kể từ khi có quy định đội mũ bảo hiểm cũng là lúc những chiếc nón lá dần xuất hiện ít hơn trong cuộc sống

Ngậm ngùi hơn, nón lá bây giờ chỉ bán được cho các chị, các bà đi chợ, đi ruộng nên vài năm họ mới thay một cái. Thế nhưng, giá trị của chiếc nón lá trong đời sống của người dân vẫn giữ nguyên, bởi nó mang trên mình vẻ đẹp bình dị của người Việt Nam hiền hòa. Nhưng để duy trì, bảo tồn và phát triển nghề chằm nón truyền thống thì cũng không hề đơn giản…


Ngày nay, để duy trì, bảo tồn và phát triển nghề chằm nón truyền thống thì cũng không hề đơn giản

Chị Võ Thị Thúy Hà, tổ trưởng tổ liên kết nghề chằm nón lá phường Ninh Sơn, TP.Tây Ninh cho biết đầu ra cho chiếc nón hiện là vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Theo chị Hà, chiếc nón lá Ninh Sơn hiện đã có mặt khắp nơi trong tỉnh và lan sang các tỉnh thành lân cận. Nếu có thêm nhiều cơ hội hơn để quảng bá cho chiếc nón lá Ninh Sơn đi xa hơn thì bà con càng bám trụ với nghề lâu hơn.

Theo Giang Phương/Thanhnien.vn

Có thể bạn quan tâm

Phim ‘Móng vuốt’: Kỹ xảo tạo quái thú liệu có đủ sức chinh phục khán giả?

Trước khi chính thức ra rạp, ê-kíp phim “Móng Vuốt” đã hé lộ quá trình …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *