Đến Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào tháng 9, tháng 10, du khách có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa thu hoạch. Cảnh đẹp ấy được tạo nên bằng chính sự lao động của người dân nơi đây.
Đồi võng lúa, móng ngựa tại bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, Mù Cang Chải thu hút nhiều du khách ghé thăm – Ảnh: NAM TRẦN
Đồi võng lúa, móng ngựa tại bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, Mù Cang Chải là điểm du lịch được nhiều du khách ghé thăm. Những thửa ruộng uốn mình thành hình ảnh như chiếc võng hay móng ngựa.
Tại đây, du khách có thể ngắm nhìn đầy đủ sắc độ của những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín. Và người dân nơi đây, từ việc trồng lúa chỉ để thu hoạch đã bước sang một hướng đi mới.
“Gom ruộng” để làm du lịch
Đứng trên bờ ruộng bậc thang vào mùa lúa đã đổ vàng, anh Giàng A Chinh (27 tuổi, người dân tộc Mông) chất phác nói: “Trước đây, không có dòng chữ kia (Móng Ngựa – Mù Cang Chải – PV), cũng không có cảnh du khách ngồi uống nước ngắm cảnh như bây giờ”.
Khung cảnh của đồi võng lúa, móng ngựa với những dải lúa đều tăm tắp một màu là nhờ có Tổ hợp tác du lịch Võng lúa, móng ngựa.
Anh Chinh – chủ nhiệm tổ hợp tác du lịch, cũng là người con của bản Sáng Nhù – chia sẻ: “Trước kia võng lúa, móng ngựa đã trở thành điểm đến của nhiều du khách gần xa. Thế nhưng, người dân chỉ trồng lúa thâm canh theo tập quán nên chưa khai thác được tiềm năng du lịch của địa phương”.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Bắc Giang, anh Chinh được lựa chọn đi giao lưu du học 1 năm tại Israel, về địa phương năm 2018. Sau khi về quê hương Mù Cang Chải, anh đã bắt tay vào xây dựng du lịch sinh thái trên chính mảnh đất quê hương mình.
Anh Giàng A Chinh – chủ nhiệm Tổ hợp tác du lịch Võng lúa, móng ngựa (Mù Cang Chải, Yên Bái)
Mù Cang Chải có hai mùa thu hút du khách, đó là mùa nước đổ và mùa lúa chín. Khi vào mùa nước đổ thì những thửa ruộng bậc thang phải được tráng đầy nước, còn mùa lúa chín thì phải chín đồng đều, tạo nên cảnh quan đẹp.
Vì vậy, anh Chinh nghĩ phải tập hợp tất cả các hộ dân có ruộng trong khu vực này thành một tổ thống nhất cùng nhau cấy, cùng nhau bừa, cùng nhau thu hoạch để làm sao cảnh quan được tạo nên đồng nhất.
Nghĩ là làm, anh Chinh tập hợp hơn 2,5ha đất ruộng của 10 hộ dân trong khu vực võng lúa, móng ngựa tại xã Mồ Dề. Trong đó, có 5 hộ dân cùng nhau chung vốn để xây dựng cánh đồng lúa phục vụ du lịch.
“Khó khăn nhất là khi tập hợp các hộ dân, nhiều hộ dân không đồng ý vì họ muốn cấy trước, thu sớm. Họ nói rằng tôi cấy trước thì lúa của tôi sẽ tốt hơn, người cấy muộn lúa sẽ không đạt sản lượng bằng. Để thuyết phục người dân, chúng tôi cam kết nếu thu hoạch không đạt như yêu cầu của chủ hộ thì tổ hợp tác sẽ “đền bù” cho các hộ.
Trồng lúa bán ra, mỗi hộ chỉ thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/năm. Khi chuyển qua khai thác du lịch, người dân vẫn đảm bảo thu nhập về lúa là 6-7 triệu đồng/năm, lại có thêm công việc phục vụ khách du lịch để tăng thêm thu nhập.
Sau khi thuyết phục như vậy, các hộ dân có ruộng mới đồng ý giao ruộng cho tổ hợp tác để làm du lịch”, anh Chinh kể lại.
Cuộc sống người dân đổi thay
Bắt đầu thực hiện “quy hoạch” cánh đồng 2,5ha từ năm 2018, sau 2 năm dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn, năm nay những thửa ruộng bậc thang võng lúa, móng ngựa đã nườm nượp du khách ghé thăm.
Từ TP.HCM lần đầu đến Mù Cang Chải, bà Thủy (60 tuổi) thích thú lưu lại những hình ảnh đẹp của đồi võng lúa, móng ngựa.
Bà hồ hởi nói: “Quang cảnh nơi đây thật sự rất đẹp, hoang sơ và hùng vĩ. Người dân thật giỏi khi tạo nên những ruộng lúa như vậy. Bà con cũng rất dễ thương, họ mặc trang phục của dân tộc họ, trò chuyện và chụp ảnh cùng du khách. Đó là những trải nghiệm rất đẹp của tôi với mảnh đất này”.
Tổ xe ôm tự quản được thành lập để phục vụ khách du lịch đến các điểm tham quan
Anh Chinh cho biết khi đưa đồi võng lúa, móng ngựa vào khai thác du lịch đều giữ nguyên trạng từng bờ ruộng. “Những cánh đồng này không làm thêm nhà, không đào bới hay san lấp mà phải giữ nguyên cảnh quan. Mù Cang Chải đẹp nhất bởi cảnh hoang sơ vốn có”, anh Chinh nói.
Vào mùa du lịch cao điểm của Mù Cang Chải, mỗi ngày cuối tuần điểm du lịch võng lúa, móng ngựa đón 600 – 700 lượt khách tham quan. Hiện tổ hợp tác bán vé tham quan là 20.000 đồng/lượt, phục vụ nước uống, trang phục dân tộc cho khách tham quan.
Tổ hợp tác cũng kết hợp với huyện để làm tổ xe ôm “tay lái vững vàng” để phục vụ đưa du khách đến điểm du lịch, tổ xe ôm được quản lý, có quy định rõ ràng về giá cả.
Anh Chinh cho hay từ khi khai thác điểm du lịch đã tạo thêm nhiều thu nhập cho người dân. Đối với chị em phụ nữ thì bán đặc sản bản địa, rau củ quả, mật ong, táo mèo cho du khách. Còn các anh thì có thể chạy xe ôm chở du khách. Tổ hợp tác tạo việc làm thường xuyên trong mùa du lịch cho gần 10 người tại điểm du lịch võng lúa, móng ngựa và 200 xe ôm phục vụ.
“Cuộc sống của người dân nơi đây đang thay đổi từng ngày. Chúng tôi sẽ cùng nhau, cùng địa phương để phát triển du lịch bản địa. Cùng nhau tạo nên một thương hiệu Mù Cang Chải để du khách ghé thăm nhiều hơn”, anh Chinh hứa hẹn.
Một số hình ảnh tại điểm du lịch võng lúa, móng ngựa:
Vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Mù Cang Chải thu hút khách du lịch ghé thăm
Những thửa ruộng bậc thang đang chín vàng khiến nhiều du khách mê mẩn
Điểm du lịch võng lúa, móng ngựa thu hút nhiều du khách ghé thăm
Theo Dương Liễu – Nam Trần/tuoitre.vn