Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10: Đề cao đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh

Nhận định này được ông Phạm Tấn Công, chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đưa ra trong Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay.


Hệ thống ATM gạo do anh Hoàng Tuấn Anh khởi xướng đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần nhân văn và trách nhiệm với cộng đồng của doanh nhân trong đợt dịch COVID-19 vừa qua – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Công, để xây dựng đội ngũ doanh nhân xứng tầm với mục tiêu, khát vọng của quốc gia, dân tộc cần xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh.

* Thưa ông, vì sao bây giờ VCCI mới nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh?

– Chúng ta thấy rằng đóng góp của đội ngũ doanh nhân Việt Nam rất lớn nhưng gần đây xảy ra một số vụ doanh nhân kinh doanh không liêm chính, gục ngã trên thương trường nên việc xây dựng đạo đức doanh nhân là vấn đề rất quan trọng với đội ngũ doanh nhân hiện nay. Nếu không có đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh thì không có phát triển bền vững và doanh nhân, doanh nghiệp dù lừng lẫy đến đâu cũng sẽ biến mất.

Doanh nhân, với vai trò là người thủ lĩnh của doanh nghiệp, là chủ thể mang tính hạt nhân quyết định, thúc đẩy hình thành và định hình văn hóa doanh nghiệp, từ đó hình thành văn hóa kinh doanh của cả cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Do vậy, xây dựng văn hóa kinh doanh cần bắt đầu từ đạo đức doanh nhân, đây vừa là nhiệm vụ có tầm chiến lược, vừa là vấn đề cấp bách của giới doanh nhân Việt Nam.

Từ đó, VCCI nhận thấy càng phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh. Vì thế, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII tháng 12-2021 với tầm nhìn xây dựng “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”, chúng tôi đã đề ra sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược, trong đó tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam.


Ông Phạm Tấn Công

* Vậy VCCI đã làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng văn hóa kinh doanh?

– Với vai trò là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, VCCI đã đồng hành cùng với các hiệp hội doanh nghiệp để vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Tháng 5-2022, VCCI đã công bố và phát động thực hiện sáu quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Đây cũng là sáu cánh sao trên tấm huy hiệu đúc bằng vàng, là biểu trưng của danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

Các quy tắc này được xây dựng dựa trên các giá trị truyền thống của dân tộc, kết hợp với các chuẩn mực đạo đức kinh doanh của giới doanh nhân quốc tế. Chúng tôi tin tưởng rằng việc thực hiện bộ quy tắc này sẽ củng cố niềm tin, tăng sự tín nhiệm của xã hội, của thị trường đối với doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Từ đó uy tín, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam đều nâng cao, đây chính là nguồn sức mạnh mềm trong hội nhập. Với 200.000 doanh nghiệp hội viên, gần 200 hiệp hội doanh nghiệp thành viên, VCCI tin rằng đây sẽ là cơ sở quan trọng để quy tắc đạo đức đi vào cuộc sống.

Đến tháng 7-2022, VCCI đã phát động chương trình bình xét trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022”. Chương trình bình xét năm nay được thiết kế để hướng đến xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh thông qua việc đưa các tiêu chí về đạo đức doanh nhân lên hàng đầu, là điều kiện tiên quyết trong bình xét danh hiệu.

Kết quả đã lựa chọn và tôn vinh 60 doanh nghiệp tiêu biểu của năm 2022, trong đó có 10 doanh nghiệp tiêu biểu nhất.


Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự lễ kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam và tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 – Ảnh: TTXVN

* Ngoài bộ quy tắc này, theo ông, cần làm gì để thúc đẩy văn hóa doanh nhân?

– Đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh là vấn đề lớn, phức tạp, VCCI đã tổ chức nghiên cứu sâu về đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh thông qua triển khai thực hiện đề tài khoa học và tổ chức hội thảo khoa học với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để huy động đội ngũ các nhà lý luận hàng đầu cùng tham gia nghiên cứu về vấn đề này.

Các kết quả nghiên cứu sẽ được chắt lọc để VCCI báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 09-NQ/TW, tham mưu cho Bộ Chính trị để đưa ra các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới.

VCCI nhìn vấn đề xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh là vấn đề lớn, doanh nhân phải thực hiện trước, nhưng một mình doanh nhân làm chưa đủ, cần có cả hệ thống tham gia vì còn liên quan đến thể chế, pháp luật, văn hóa tiêu dùng, văn hóa ứng xử trong kinh doanh, văn hóa truyền thông về kinh doanh…

Vì thế, VCCI sẽ tiếp tục tham mưu cho các cơ quan để hoàn thiện môi trường kinh doanh, khích lệ các hoạt động kinh doanh có đạo đức, có văn hóa kinh doanh. Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về kinh doanh theo hướng minh bạch, tạo thuận lợi cho kinh doanh, VCCI hợp tác với các cơ quan hữu quan để xây dựng môi trường truyền thông theo hướng thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động kinh doanh có đạo đức.

Theo Bảo Ngọc – Lê Thanh/tuoitre.vn

Có thể bạn quan tâm

Năng suất lao động doanh nghiệp Việt Nam chỉ bằng 30% Singapore

Dù lao động trong các doanh nghiệp góp phần tạo ra 60% GDP cả nước, …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *