Những hé lộ độc đáo về Sài Gòn từ năm 1860 đến năm 1875

Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Nguyễn Đình Đầu dịch, NXB Trẻ, tái bản tháng 9.2022) nguyên là bài diễn văn được Trương Vĩnh Ký đọc tại trường Thông ngôn (Collège des Interprètes), tiết lộ nhiều chuyện độc đáo về Sài Gòn.

Ký ức lịch sử về sài Gòn và các vùng phụ cận (nguyên tác: Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs) đăng trên tạp chí Excursions et Reconnaisances (Du ngoạn và Thám sát) số ra ngày 1.5.1885 (tr. 5-32), cũng trong năm 1885 bài diễn văn này được in riêng thành cuốn sách mỏng dày 30 trang.

Kinh chợ Vải, hai bên là đường Charner và đường Rigault de Genouilly, về sau san lấp thành đại lộ Charner (boulevard Charner, nay là đại lộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM)

Dù nội dung không nhiều nhưng khi dịch sang Việt ngữ, người dịch đã bỏ đi một số đoạn lược sử ở phần đầu, nhằm tập trung cung cấp cho người đọc những thông tin chính yếu về sự thay đổi diện mạo của thành phố Sài Gòn từ năm 1860 đến năm 1875.

Giúp hậu thế hiểu thêm về Sài Gòn

Sài Gòn trước và sau khi người Pháp thực hiện cuộc viễn chinh Nam kỳ năm 1859 là đối tượng được Trương Vĩnh Ký nhắm đến và miêu tả, là người đương thời, chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của Sài Gòn, Trương Vĩnh Ký phác họa lại bức tranh cổ-kim của thành phố để người đời sau biết tới một Sài Gòn xưa khác thế nào với Sài Gòn – một thành phố thuộc địa, sau 15 năm thay đổi. Qua đó, giúp hậu thế hiểu thêm về tên gọi Sài Gòn, Sài Gòn trước và dưới thời Gia Long, việc Gia Long cho xây dựng thành Sài Gòn, Sài Gòn dưới thời Minh Mạng… mà không ít địa danh, tên gọi đã trở thành dĩ vãng hoặc bị lãng quên.

Thời Minh Mạng, sau loạn Lê Văn Khôi, ông cho phá hủy tòa thành do Olivier dựng dưới thời Gia Long, thành cũ được thay thế bằng một công trình nhỏ hơn. Từ sau khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha hạ thành Gia Định (17.2.1859) xây dưới thời Minh Mạng, chính thức lấy ba tỉnh Đông Nam kỳ sau hòa ước 1862 và chiếm nốt ba tỉnh Tây Nam kỳ năm 1867… Sài Gòn dần thay đổi diện mạo nhằm phục vụ mục tiêu chiếm hữu, cho công cuộc cai trị và sinh hoạt thường nhật của người Pháp.


Cuốn sách Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, Nguyễn Đình Đầu dịch, NXB Trẻ, tái bản tháng 9.2022

Bấy giờ, Soái phủ Nam kỳ bắt đầu lên phương án quy hoạch thành phố với các trục đường chính, bởi đường sá đa phần còn là đường đất nên mùa mưa sẽ gây ra những khó khăn cho việc đi lại. Ngày 30.4.1862, trung tá công binh Coffyn đệ trình lên Thống soái Bonard dự án quy hoạch thành phố Sài Gòn 500.000 dân cho tương lai với những tiêu chí như đường chính rộng 40 m (vỉa vè rộng 4 m), đường cấp hai rộng 20 m (vỉa vè rộng 2 m), cũng như các vấn đề về công trường, giếng phun và vòi nước, thoát nước mưa và nước thải, cửa ngõ thành phố Sài Gòn…

Theo thời gian, Sài Gòn có những con đường mới đặt tên theo tiếng Pháp như Catinat (nay là Đồng Khởi), Charner (nay là Nguyễn Huệ), d’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn), Mac-Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), de la Citadelle (nay là Đinh Tiên Hoàng – Tôn Đức Thắng), l’Hôpital (nay là Thái Văn Lung), La Grandière (nay là Lý Tự Trọng), Chasseloup-Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai)…

Những con đường đá mới và rộng thay thế cho đường đất cũ, rồi kế hoạch xây dựng vỉa hè kể từ năm 1868 với các vật liệu được quy định là đá granit, bê-tông, hoặc gạch nung… Sài Gòn dưới thời Pháp thuộc dần thay đổi diện mạo để phát triển thành thủ phủ của Nam kỳ thuộc địa.


Tu viện Thánh Hài đồng Giê-su, nay là Dòng Thánh Phao-lô trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM

Những ghi chép của Trương Vĩnh Ký trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận cho đến nay vẫn là thông tin quý giá trong việc nhìn lại và tìm hiểu về Sài Gòn xưa. Năm 1894, khi viết cuốn sách Nam kỳ và cư dân các tỉnh miền Tây, J.C.Baurac thay vì dựng lại quá khứ Sài Gòn trước khi người Pháp chiếm đóng hòng tôn vinh công lao của các Thống soái Nam kỳ, vị tác giả này đã dẫn lại phần lớn ghi chép của Trương Vĩnh Ký với sự tán thưởng: “Chúng tôi sẽ dẫn lại một cách trung thực lịch sử do ông Pétrus Ký, giáo sư sinh ngữ, đã viết, và chúng tôi ghi nhận tất cả công lao mà tác giả đem lại” (Huỳnh Ngọc Linh dịch, tr.267).

Theo chân Trương Vĩnh Ký rong ruổi qua các đường phố, làng xóm, kinh rạch, cầu cống, cầu tàu, bến đò, đình chùa, chợ búa… của Sài Gòn, độc giả như được hòa mình vào không gian xưa cũ, và hoài niệm về một trong những thành phố xinh đẹp ở vùng Viễn Đông.

Theo Nguyễn Quang Diệu/Thanhnien.vn

Có thể bạn quan tâm

Phim ‘Móng vuốt’: Kỹ xảo tạo quái thú liệu có đủ sức chinh phục khán giả?

Trước khi chính thức ra rạp, ê-kíp phim “Móng Vuốt” đã hé lộ quá trình …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *