Hồ muối Great Salt Lake với hai màu rõ rệt một bên xanh ngọc mát mắt, một bên hồng dâu tươi ngọt, tạo nên cảnh tượng lạ mắt thu hút sự chú ý của nhiều người.
Chúng ta đã nghe nhiều về Biển Chết nằm giữa thung lũng Jordan và Bờ Tây Israel với độ mặn cao nhất thế giới. Thế nhưng có một Hồ Muối Lớn được mệnh danh “Biển Chết của Mỹ” cũng đặc biệt không kém, với hai màu sắc xanh – hồng khác biệt và được ngăn đôi bởi đường ray xe lửa băng ngang giữa hồ.
Hồ Great Salt Lake nằm ở phía Bắc tiểu bang Utah, Hoa Kỳ. Đây là hồ nước mặn được biết là rộng nhất Tây bán cầu, rộng thứ 4 trong số các hồ kín trên thế giới và rộng thứ 37 trên trái đất. Với chiều dài 120,7 km và rộng 56,3 km, hồ muối Great Salt Lake chủ yếu nhận nước do 3 con sông Weber, Bear, Jordan đổ về cùng với khoảng 1,1 triệu tấn khoáng chất hằng năm. Hồ chỉ nhận nước mà không có đường thoát, vì thế mà độ mặn ngày càng tăng.
Do không có đường đổ ra biển, các khoáng chất và muối đọng lại dưới đáy hồ ngày càng nhiều. Hiện nay hồ chứa đến khoảng 5 tỷ tấn khoáng chất hòa tan bao gồm chủ yếu là natri và clo, ngoài ra còn có khá nhiều kali, magiê, sulfat… Vì thế độ mặn ở đây rất lớn, hàm lượng muối trong hồ lên đến 12%, chỉ thua mỗi Biển Chết mà thôi. Các du khách đến tắm tại đây có thể nổi trên mặt nước một cách dễ dàng.
Nằm giữa những dải cát rộng, đất mặn và đầm lầy rộng lớn, hồ tách biệt khỏi khu dân cư. Với hơn 17 hòn đảo lớn nhỏ nằm ở phía nam tuyến đường sắt, trong đó lớn nhất là đảo Antelope và Fremont. Great Salt Lake mang lại nguồn kinh tế dồi dào cho người dân qua việc du lịch, khai thác muối, khoáng chất và chài tôm biển.
Đặc biệt với địa hình đầm lầy và bãi bồi thu hút nhiều loài vật quý hiếm. Nơi đây đã xây dựng một khu bảo tồn động vật hoang dã với rất nhiều thủy cầm như chim nhạn, mòng biển, chim cốc, diệc và bồ nông. Ngoài ra, đảo Antelope còn là nơi ẩn náu của các chú bò rừng.
Độc đáo với hai màu “hồng – xanh” khác biệt trên cùng một lòng hồ
Được chia đôi bởi tuyến đường sắt Lucin xây dựng vào năm 1959, Great Salt Lake đã mang đến cảnh tượng độc đáo với một bên hồ nước có màu xanh lục nhạt, nửa hồ còn lại phía bên kia đường ray lại có màu hồng ngọt ngào vô cùng đẹp mắt. Giải thích cho hiện tượng này, các nhà khoa học cho biết là do sự chênh lệch độ mặn ở hai bên phần hồ.
Nếu như phần hồ phía Nam luôn có nước sạch đổ vào, lượng muối được cân bằng khiến nước có màu xanh tự nhiên nguyên thủy thì khu vực phía Bắc của hồ lại không như thế.
Do không nhận được nước ngọt đổ vào, lại chẳng có nơi thoát nước, phần hồ phía Bắc có nồng độ muối ngày càng tăng dẫn đến sự sinh sôi nảy nở của vi khuẩn halophilic. Đây cũng chính là tác nhân khiến cho một nửa của Great Salt Lake có màu đỏ hồng.
Do nồng độ muối quá mặn nên trong hồ chẳng có loài cá nào sống được ngoại trừ vô số những con tôm biển nhỏ bé có tên Brine Shrimp, hay còn gọi là tôm mặn.
Dự kiến trong tương lai, chính quyền Utah sẽ đưa nước ngọt vào nửa phía Bắc của hồ để giảm bớt lượng muối đang ngày một tăng tại đây.
Great Salt Lake đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn nước
Great Salt Lake với tổng diện tích mặt nước trung bình là 4.400 km2, thế nhưng tùy vào lượng nước bốc hơi và dòng chảy của các con sông dẫn nước mà có năm diện tích chỉ đạt 2.460 km2 nhưng cũng có năm lại lên đến 8.500 km2. Mực nước trung bình tại hồ là khoảng 4,5 m và có nơi sâu đến 11 m.
Theo báo cáo mới nhất được ghi nhận của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết, mực nước ở hồ muối trong tháng 7 năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất (khoảng 1,277 m) so với từ trước tới nay.
Nguyên nhân là do đợt hạn hán nghiêm trọng diễn ra trên miền Tây của Mỹ kéo dài vài thập kỷ, cùng với việc sử dụng quá mức cho sản xuất khiến cho lượng nước trong lòng hồ đã giảm liên tục. Cơ quan USGS cho biết rằng Great Salt Lake chỉ còn một phần tư so với thời điểm mực nước cao nhất vào năm 1980 và hiện nay, khoảng 2000 km2 lòng hồ đã bị lộ ra và tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc lượng nước trong hồ cạn kiệt sẽ dẫn đến nhiều mối đe dọa cho đời sống của người dân và các sinh vật sống quanh hồ. Bởi hồ muối chính là nguồn thu lớn cho nền kinh tế của Utah mỗi năm từ du lịch, công nghiệp nuôi tôm cũng như khai thác muối. Ngoài ra, hồ còn cung cấp môi trường sống cho các loại thực vật phù du, các loài chim và các động vật hoang dã.
Thêm nữa, lòng hồ tiếp xúc với không khí khi nước rút, các trầm tích lộ ra, tạo điều kiện phóng thích các lớp bụi đất lẫn các chất cặn bã từ việc khai thác khoáng sản. Lớp bụi này vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe con người khi chúng bị phát tán vào không khí.
Chính những sự nghiêm trọng này đòi hỏi chính quyền Utah cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp cấp thiết, nhằm can thiệp kịp thời để giữ lại lượng nước trong hồ.
Theo Lan Hương/Duyendangvietnam.net.vn