Nhiều cuộc thi hoa hậu trong năm nay có chất lượng kém, truyền thông thờ ơ, kết quả tranh cãi và gây thất vọng đối với khán giả.
Lại là câu chuyện bùng nổ cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam trong năm 2022. Sau khi chung kết Miss Peace Vietnam khép lại cách đây vài ngày, dư luận một lần nữa dấy lên tranh cãi.
Quan sát những cuộc thi đã diễn ra từ đầu năm đến nay, tình trạng nhốn nháo, lộn xộn là điều không thể phủ nhận. Một số sân chơi lộ rõ chất lượng thí sinh yếu kém, khâu tổ chức nhỏ lẻ, chưa xứng với quy mô của một cuộc thi được gắn mác “hoa hậu”.
Loạn tên gọi
Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được ban hành cuối năm 2020 không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm. Quy định trên tạo điều kiện cho loạt đơn vị đứng ra xin cấp phép tổ chức thi hoa hậu.
Theo công bố trước đó của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, tổng cộng 25 cuộc thi nộp hồ sơ xin cấp phép, trong đó 3 cuộc không được tổ chức như dự kiến. Đại diện Cục cho rằng 22 cuộc thi trong một năm không quá nhiều. Do các đơn vị tổ chức sát lịch, tần suất dày, khiến công chúng có cảm giác “bội thực” hoa hậu.
Một trong những hệ lụy rõ nhất thời gian qua là tình trạng loạn tên gọi. Điển hình là tình huống tranh chấp bi hài giữa Miss Grand Vietnam 2022 và Miss Peace Vietnam 2022 khi hai cuộc thi cùng có tên tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình. Hai phía đều đưa ra chứng nhận về mặt pháp lý và khẳng định không nhún nhường. Điều bất ngờ là sau vài tháng tranh cãi, cận kề đêm chung kết, đơn vị tổ chức Miss Peace Vietnam công bố đổi tên, chỉ sử dụng danh hiệu tiếng Anh.
Tuy nhiên, tại chung kết (11/9), fanpage của cuộc thi vẫn sử dụng tên Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Trên sóng trực tiếp, ban giám khảo cũng nhắc cụm từ này, khiến nhiều khán giả thắc mắc.
Trao đổi với Zing về vấn đề này, bà Nguyễn Thùy Dương – Trưởng ban tổ chức – lý giải: “Miss Peace Vietnam dịch thuật ra tiếng Việt vẫn là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Để dĩ hòa vi quý, chúng tôi đã có động thái đề nghị đổi tên và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng chưa bao giờ nói rằng chúng tôi không được sử dụng tên tiếng Việt cuộc thi. Tôi mong mọi người không quá khắt khe về vấn đề này”.
Câu trả lời nước đôi của bà Dương càng làm công chúng thấy khó hiểu. Và có vẻ như từ khóa “hòa bình” sẽ vẫn mắc kẹt giữa hai cuộc thi nói trên nếu tổ chức mùa thi thứ hai.
Một cái tên phổ biến khác đã và đang được sử dụng là “hoa hậu du lịch”. Đến lúc này, ít nhất bốn cuộc thi được công bố gồm Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu 2021 (đã kết thúc), Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022 (đang diễn ra), Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam 2022 (đang diễn ra) và Hoa hậu Du lịch bản sắc Việt 2022 (được tổ chức vào tháng 12). Mỗi đơn vị tổ chức đều nhấn mạnh rằng hướng đến mục đích quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và thúc đẩy du lịch.
Trên diễn đàn sắc đẹp, đa số ý kiến bày tỏ gần như không thể phân biệt từng cuộc thi vì tên gọi chồng chéo, quá giống nhau. Việc nhầm lẫn cũng là điều khó tránh. Đến cuối năm 2022, khi những cuộc thi nói trên đều khép lại, chẳng phải Việt Nam có ít nhất bốn tân hoa hậu lĩnh vực du lịch?.
Ngoài ra, nhiều cuộc thi khác ra đời trong năm 2022 với cách gọi tên đa dạng như Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Biển môi trường, Hoa hậu Môi trường Thiếu niên Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Hoa hậu Sinh thái Việt Nam…
Chất lượng kém, thiếu chuyên nghiệp
Với trên dưới 10 cuộc thi đã diễn ra từ đầu năm đến nay, chúng ta phần nào đã có câu trả lời cho mặt trái của việc bùng nổ hoa hậu. Ngoại trừ những sân chơi tìm kiếm đại diện thi quốc tế và đã có thương hiệu như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam…, đa số cuộc thi còn lại được tổ chức với quy mô nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, chất lượng thí sinh đi từ trung bình đến yếu kém.
Miss Peace Vietnam 2022, Miss Fitness Vietnam 2022 (Hoa hậu Thể thao Việt Nam) được nhắc đến với loạt ồn ào. Tân Hoa hậu Thể thao Đoàn Thu Thủy vướng tranh cãi sử dụng bóng cười và phải lên tiếng giải thích. Cô nói: “Đây là bài học lớn đối với tôi. Ở cương vị của một công dân, tôi cam kết chịu trách nhiệm nếu làm gì trái với pháp luật. Với cương vị là thí sinh trong cuộc thi Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022, hướng đến lối sống lành mạnh, tôi sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm nếu làm gì sai”.
Ngay cả với Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022, cuộc thi tìm kiếm đại diện đến Miss Earth và được đầu tư về khâu tổ chức, cô gái chiến thắng Nông Thúy Hằng cũng liên tiếp vấp ý kiến trái chiều từ khi đăng quang. Dư luận càng được đẩy lên cao khi ban tổ chức không lựa chọn Thúy Hằng thi Miss Earth, thay vào đó là Á hậu 2 Thạch Thu Thảo.
Mặt khác, dù đã thi chung kết và tìm được người đội vương miện, Hoa hậu Môi trường Việt Nam 2022, Hoa hậu Áo dài Việt Nam 2022, Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu hay Hoa hậu Biển môi trường 2022… dường như “vô hình” trên các phương tiện truyền thông. Thậm chí, fan sắc đẹp cũng không nhắc tới, không biết hoa hậu là ai.
Một vài cuộc thi cho thấy sự lôm côm từ khâu tuyển chọn thí sinh với tiêu chí khó hiểu. Điển hình, Hoa hậu Áo dài Việt Nam nhận ứng viên trong độ tuổi 18-45, chấp nhận thí sinh đã lập gia đình hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Hoa hậu Biển môi trường có hai hạng mục, phân theo độ tuổi 18-35 và 36-45. Mỗi hạng mục có một giải hoa hậu và hai giải á hậu.
Cuộc thi nào cũng hô vang khẩu hiệu, thông điệp như bảo vệ môi trường, thúc đẩy du lịch, quảng bá văn hóa, hướng đến hòa bình… nhưng thực tế đến đâu lại là câu chuyện còn bỏ ngỏ.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục gương mặt đã được đội vương miện hoa hậu và á hậu – những chiếc vương miện muôn hình vạn trạng. Nhưng không phải danh hiệu nào cũng xứng tầm với hai chữ “hoa hậu”. Có những cuộc thi tự phá vỡ quan điểm về cái đẹp theo đúng nghĩa đen.
Rất nhiều ý kiến cho rằng cuộc thi không đảm bảo chất lượng chỉ nên được tổ chức dưới tên gọi hoa khôi hoặc người đẹp để góp phần giảm tình trạng loạn hoa hậu vốn đang ở mức báo động hiện nay.
Trước đó, trả lời phỏng vấn Zing, bà Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nhấn mạnh cơ quan quản lý sẽ theo sát vấn đề liên quan, tăng cường công tác hậu kiểm. Theo bà, Sở Văn hóa các tỉnh, thành phố cần linh hoạt hơn trong việc cấp phép, giám sát và hậu kiểm.
“Chúng ta cũng nên nhìn nhận đa chiều về các cuộc thi sắc đẹp. Bên cạnh một số hạn chế, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các sân chơi này. Những cuộc thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản góp phần quan trọng trong việc quảng bá du lịch, tôn vinh nét đẹp văn hóa và con người Việt Nam”, bà Trần Ly Ly nêu quan điểm.
Theo Zing.vn