Các toà nhà mang phong cách kiến trúc Pháp ở Sài Gòn là những dấu ấn thời gian, là sự kết nối văn hóa giữa quá khứ và hiện tại. Từng công trình đều có những câu chuyện cực kỳ thú vị mà ít ai biết đến.
Công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng của Sài Gòn xưa
Nhiều người vẫn nghĩ Nhà thờ Đức Bà được xây dựng hoàn toàn bằng những nguyên vật liệu chuyên chở từ Pháp (hoặc Châu Âu) sang Việt Nam. Tuy nhiên sự thật không phải như vậy.
Nhà thờ Đức Bà có tên đầy đủ là Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Vào năm 1877, công trình được khởi công xây dựng với bản thiết kế của kiến trúc sư J.Bourard với phong cách kiến trúc Roman pha trộn Gothic. Tất cả nguyên vật liệu từng được cho là chuyên chở từ Pháp và một số nước châu Âu qua Việt Nam.
Tuy nhiên, cách đây vài năm khi trùng tu phần mái ngói nhà thờ đã phát hiện rất nhiều viên ngói có ký hiệu xuất xứ từ các lò nung ở Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là ngói Wang-tai Saigon.
Theo như phát hiện, trên nóc Nhà thờ có đến hơn 20 loại ngói khác nhau. Trong số đó, có các loại ngói sản xuất ở Việt Nam như: ngói Biên Hòa, ngói Trị An, ngói Nam Kỳ, ngói Đông Dương, ngói Phú Hữu (Cần Thơ)…
Việc này minh chứng cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam đã từng có một thời kỳ phát triển huy hoàng trong lịch sử. Các sản phẩm xuất xứ từ Nam Kỳ có thể vượt qua vòng kiểm tra nghiêm khắc của những kiến trúc sư châu Âu.
Tuy nhiên, đây cũng là điều khiến cho việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà gặp nhiều khó khăn. Bởi phần lớn các lò nung ngày xưa từng cung cấp vật liệu xây dựng nhà thờ nay đã ngừng hoạt động. Vậy nên, việc tìm kiếm các giải pháp thay thế sẽ phức tạp và tốn nhiều thời gian.
Địa chỉ Nhà thờ Đức Bà nằm ở số 1, Công Xã Paris, Phường Bến Nghé, Tuận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Con ma nhà họ Hứa và tòa nhà đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy
Cụm từ “con ma nhà họ Hứa” thường được dùng để chỉ những người hay thất hứa, nói mà không giữ lời. Tuy nhiên nguồn gốc hình thành nên câu nói này lại hoàn toàn khác. Nó gắn liền với một công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi và được bảo tồn rất tốt đến hiện tại.
Đó là Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM tọa lạc ở số 97 Phó Đức Chính, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hàng trăm năm trước, bảo tàng từng là tư dinh của đại gia người Việt gốc Hoa – Hứa Bổn Hòa. Tòa nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc kết hợp giữa Châu Âu và Á Đông dưới sự chỉ huy của kiến trúc sư lừng danh người Pháp – ông Rivera.
Đây cũng là công trình đầu tiên ở Sài Gòn đưa thang máy vào tòa nhà ngay từ bản vẽ thiết kế.
Ngôi nhà trong câu chuyện “con ma nhà họ Hứa” được xây dựng xong vào năm 1934.
Nguồn gốc câu “con ma nhà họ Hứa” có nhiều phiên bản còn lưu truyền. Tổng hợp lại có thể hiểu rằng ông Hứa Bổn Hòa có một cô con gái cực kỳ xinh đẹp và ông rất mực yêu thương. Tuy nhiên cô lại mắc một bệnh nan y (nhiều người cho rằng bệnh cùi hoặc tâm thần) mà thời đó không có thuốc trị. Để tránh tai tiếng cho gia tộc, nhà họ Hứa đối ngoại tuyên bố cô đã chết và làm đám ma. Ban đêm, nhiều người nhìn thấy bóng một cô gái lảng vảng xuất hiện qua các ô cửa sổ tòa nhà (công trình có tận 99 cánh cửa). Người dân xung quanh cho rằng đó chính là hồn ma cô con gái tìm về căn nhà thời thơ ấu. Một phiên bản khác cho rằng cô vẫn còn sống và bị giam lỏng trong chính ngôi nhà này.
Nhưng dù thực tế là gì thì tiếng xấu đồn xa, câu chuyện “con ma nhà họ Hứa” thời đó dần lan rộng ra không chỉ ở Sài Gòn mà cả các tỉnh lân cận. Nhiều năm về sau, ông Hứa Bổn Hòa qua đời, các con ông (anh em cô gái) cũng lần lượt lìa đời. Thế hệ sau nhà họ Hứa qua nước ngoài định cư nên sự thật về bóng ma cô gái trong ngôi nhà đã mãi mãi là một bí ẩn chôn vùi theo năm tháng.
Công trình kiến trúc Pháp và Nhật Bản – khám Chí Hòa
Khám Chí Hòa là một trại giam nổi tiếng không chỉ ở Sài Gòn mà trên cả nước. Hiện tại, nơi đây vẫn tiếp tục thực hiện việc giam giữ những người có tội. Công trình được xây theo hình bát quát. Vì vậy rất ít người biết rằng đây là một kiến trúc được người Pháp xây dựng.
Sự thật là người Nhật (sau khi đảo chính Pháp) đã cho xây dựng khám vào năm 1943. Và việc thiết kế dĩ nhiên do một kiến trúc sư người Nhật đảm nhận. Thế nhưng khi chưa kịp xây xong thì Nhật Bản thua trận trong đệ nhị thế chiến và phải rút quân khỏi Việt Nam. Sau đó, công trình tiếp tục được người Pháp thực hiện dựa trên bản thiết kế cũ (của Nhật).
Khám Chí Hòa – trận đồ bát quái giữa lòng Sài Gòn.
Vì vậy, khám Chí Hòa (1953 hoàn thành) hiện tại có phong thủy dựa theo thuyết ngũ hành bát quái. Tổng thể trại giam là hình bát giác với 8 cạnh bằng nhau và chỉ có một cửa vào duy nhất (cửa tử). Phạm nhân một khi đã vào tù (vào cửa tử) thì sẽ khó thoát ra được. Tuy nhiên, thực tế đã từng có người vượt ngục thành công tại trại giam được xem là bất khả xâm phạm này.
Bên cạnh những công trình trên, Sài Gòn còn rất nhiều tòa nhà mang kiến trúc Pháp được xây dựng cách đây hàng trăm năm như: dinh Độc Lập, bưu điện thành phố, chợ Bến Thành… Nếu có dịp đến thăm TP.HCM, du khách có thể dành thời gian để chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo này.
Theo duyendangvietnam.net.vn