Trái ngược với diễn biến giảm của tiền gửi dân cư, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng đã tăng ròng 113.800 tỷ đồng trong tháng 9, đạt mức cao kỷ lục hơn 5,258 triệu tỷ.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng đã đạt mức cao kỷ lục hơn 5,258 triệu tỷ đồng. So với tháng 8 liền trước, số dư này đã tăng ròng 113.858 tỷ, tương đương mỗi ngày các doanh nghiệp, tổ chức lại gửi thêm gần 3.800 tỷ đồng vào các nhà băng.
Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp các doanh nghiệp có xu hướng tăng ròng tiền gửi tại ngân hàng.
So với cuối năm 2020, tổng số dư tiền gửi của nhóm doanh nghiệp, tổ chức tại các nhà băng đã tăng gần 380.300 tỷ đồng, tương đương mức tăng ròng 7,8%.
Theo cơ quan quản lý tiền tệ, trong 9 tháng đầu năm, tổng tiền gửi của các khách hàng tại ngân hàng tăng hơn 530.000 tỷ, tương đương mức tăng 5,3%. Như vậy, riêng số tăng trưởng của nhóm khách hàng doanh nghiệp đã chiếm trên 70% mức tăng này.
Xu hướng trên diễn ra trong bối cảnh tháng 9 vẫn là thời điểm hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong đó, giai đoạn quý III là thời điểm nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM và khu vực phía Nam phải tạm dừng hoạt động một phần hoặc toàn bộ để thực hiện quy định giãn cách xã hội.
Thực tế, diễn biến tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp đã tăng mạnh từ đầu năm 2020, cùng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Trái ngược với xu hướng này, trong giai đoạn dịch bệnh, tăng trưởng tiền gửi của người dân tại các nhà băng lại giảm xuống. Trong tháng 9, lượng tiền gửi của dân cư lại tiếp tục bị rút ròng khỏi ngân hàng.
Cụ thể, đến cuối tháng 9, tổng số dư tiền gửi của dân cư tại các nhà băng đạt trên 5,291 triệu tỷ, giảm 1.473 tỷ đồng so với cuối tháng 8. Trong tháng 8 trước đó, số dư này cũng đã giảm ròng gần 1.000 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, số dư tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng mới tăng hơn 150.000 tỷ đồng, tương đương 2,92%, mức tăng thấp nhất trong hơn một thập niên trở lại đây.
Nếu so với số tăng trưởng của tiền gửi nhóm doanh nghiệp, mức tăng trưởng tiền gửi của người dân chỉ tương đương 1/2.
Số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng đang tăng mạnh. Ảnh: Nam Khánh.
Theo các chuyên gia, tăng trưởng tiền gửi của người dân chậm lại từ khi dịch Covid-19 bùng phát có nguyên nhân từ việc lãi suất huy động giảm liên tục giai đoạn này.
Từ năm 2020 đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm trên 2 điểm %/năm ở hầu hết kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi bình quân bằng VND kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng đã giảm từ 4,3-5%/năm, xuống 3,1-3,8%/năm; tiền gửi kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng giảm từ 5,3-7%/năm, xuống 4-6%/năm.
Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện phổ biến có mức lãi suất ở 5,6-6,7%/năm, trong khi cuối năm 2019 vẫn là 6,6-7,5%/năm.
Ngoài ra, dòng tiền gửi của người dân còn ghi nhận sự chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác có lợi suất hấp dẫn hơn, đặc biệt là chứng khoán.
Trong đó, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân mở mới cao kỷ lục và thanh khoản bình quân mỗi phiên trên thị trường chứng khoán cũng tăng gấp nhiều lần giai đoạn trước dịch.
Quang Thắng
Theo https://zingnews.vn/tien-gui-doanh-nghiep-tai-ngan-hang-cao-ky-luc-post1279054.html