Doanh nghiệp thực phẩm TP.HCM nỗ lực tăng tốc những tháng cuối năm

TP.HCM đang từng bước mở cửa, phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm cũng đã chuẩn bị các kịch bản sản xuất để sẵn sàng tăng tốc…

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, trong thời gian TP.HCM giãn cách do dịch Covid-19, vì là ngành thực phẩm, cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu, nên hầu hết doanh nghiệp trong hội vẫn duy trì sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” với công suất khoảng 50%. Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp không bị thiếu hụt lao động nhiều, có thể phục hồi nhanh.

Trước mắt, các doanh nghiệp trong ngành tập trung cho việc ổn định sản xuất, chuẩn bị mở rộng công suất lên mức 70 – 80% và tùy tình hình để tiến tới 100% công suất. Các doanh nghiệp đều xác định tâm thế cần sớm khôi phục sản xuất để phục vụ thị trường nội địa, nhất là chuẩn bị dự trữ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2022.

NHỮNG KHÓ KHĂN TỪ PHÍA DOANH NGHIỆP

Tuy nhiên, Chủ tịch FFA cho biết, từ nay cho đến tết, doanh nghiệp còn phải đối mặt với rất nhiều áp lực, từ giá nguyên vật liệu tăng cho tới thiếu nhân công. Do đó, ngay trong giai đoạn đầu mở cửa, cần có những gói hỗ trợ “tiền tươi thóc thật” trực tiếp cho các doanh nghiệp TP.HCM như: Giảm, miễn các loại thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất… để giúp doanh nghiệp mau chóng vực dậy.

Tại Công ty Thủy hải sản Sài Gòn (APT), Tổng giám đốc Trương Tiến Dũng cho biết, trong thời gian giãn cách, để bảo đảm an toàn, ổn định sản xuất, có khoảng 70% lao động thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp hỗ trợ nhu yếu phẩm để người lao động yên tâm. Đến nay người lao động đang làm việc đều đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Để chuẩn bị cho phục hồi sản xuất hiện lãnh đạo các tổ, đội sản xuất đang hàng ngày nắm lại tình hình số lao động còn lại.

Do APT có kho lạnh, nên vẫn còn hàng dự trữ. Tuy vậy, hiện cũng có 2 thị trường xuất khẩu mà thời gian qua doanh nghiệp không giao đủ hàng, chỉ bảo đảm được 50% nhu cầu của khách hàng khiến doanh nghiệp đang nợ nhiều đơn hàng xuất khẩu. Về thị trường nội địa, hàng chế biến tuy tiêu thụ tốt, nhưng hàng tươi sống bị chững lại. Tình hình tiêu thụ hiện bắt đầu khôi phục khi các siêu thị cho người tiêu dùng mua trực tiếp.

Về giải pháp tới đây, ông Trương Tiến Dũng cho rằng, tất cả phải xoay quang việc tổ chức sản xuất, chăm lo cho người lao động, giữ chân người lao động và thu hút lao động mới để có thể duy trì và khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó còn phải kết nối, khôi phục lại thị trường, phải giữ cả đầu vào, đầu ra để giữ tăng trưởng.

Do còn nhiều khó khăn nên trước mắt, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên trả nợ những đơn hàng cũ và theo dõi diễn biến dịch.

Một số doanh nghiệp cho biết trước mắt có thể sắp xếp bằng cách nỗ lực giữ chân những người lao động còn bám trụ TP.HCM, cho nghỉ phép luân phiên, vận động họ vào nhà ở tập thể trong nhà máy thay vì ở trọ bên ngoài… Nhưng khó nhất là sự thiếu hụt bao bì, nguyên phụ liệu. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết phải mua vỉ nhựa đựng trứng với giá cao gấp rưỡi trước đây nhưng số lượng cũng hạn chế.

“Các nhà máy sản xuất bao bì cũng gặp khó khăn vì thiếu lao động, không mua được nguyên liệu sản xuất, thủ tục hải quan và vận chuyển ách tắc thời gian qua nên sản lượng sụt giảm trầm trọng. Chúng tôi luôn gối đầu dự trữ bao bì đủ dùng cho 1 tháng nhưng đến khi cả thị trường đều thiếu, nhà cung cấp chậm giao hàng, mình cũng khó xoay xở,” ông Thiện cho biết.

Cũng do thiếu phụ liệu, bao bì mà một số doanh nghiệp rơi vào tình cảnh chắp vá, phải liên tục thay đổi kế hoạch sản xuất. “Nhà cung cấp thùng các-tông, nhôm, giấy, nhựa… đều bị đứt gãy chuỗi cung ứng nên dù có nguyên liệu, có dây chuyền công nghệ hiện đại và vận động được công nhân trở lại làm việc, năng suất sản xuất vẫn không đạt,” đại diện một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến lớn cho hay.

Vì khó khăn như vậy nên trước mắt, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên trả nợ những đơn hàng cũ và theo dõi diễn biến dịch. “Mọi năm, tháng 10 là doanh nghiệp đã bắt đầu gom nguyên liệu, khởi động đơn hàng Tết nhưng tình hình năm nay quá đặc biệt nên hiện doanh nghiệp chủ yếu tập trung khắc phục hậu quả 3 tháng dịch, chưa thể tính gì cho thị trường Tết,” đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM thông tin.

NHỮNG KIẾN NGHỊ CẤP THIẾT

Nhiều doanh nghiệp dự đoán phải mất ít nhất 3 – 4 tháng để vượt qua những khó khăn hiện tại, với điều kiện giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh, thành khác trở lại bình thường và mang tính chất thúc đẩy. Bên cạnh đó, cũng cần phải có liệu pháp tinh thần cho doanh nghiệp, người lao động yên tâm hơn.

Các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm đều xác định tâm thế cần sớm khôi phục sản xuất để phục vụ thị trường nội địa, nhất là chuẩn bị dự trữ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022.

Theo các doanh nghiệp, hiện TP.HCM đã cho người dân có “thẻ xanh” đi lại giữa 4 tỉnh lân cận nhưng vẫn chưa có sự thống nhất trong cách thức tổ chức thực hiện giữa các địa phương. Trong khi đó, hầu như doanh nghiệp nào tại TP.HCM cũng có nhà máy hoặc văn phòng, đại lý, chi nhánh, nhà cung cấp, nhà mua hàng… tại các tỉnh nên nếu việc đi lại còn khó khăn sẽ gây chậm trễ, thậm chí là tổn thất cho doanh nghiệp.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo hình thức trực tuyến vào cuối tuần qua, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho rằng nếu xét theo các tiêu chí hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch đang dự thảo và chỉnh sửa thì TP.HCM sẽ rất khó đáp ứng.

Chính vì vậy, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch khẩn trương ban hành sớm hướng dẫn tạm thời “Thích ứng, linh hoạt với Covid-19” thay thế Chỉ thị 15, 16, Quyết định 2686 ngày 31/5/2021 về quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch phù hợp với tình hình đặc thù của TP.HCM để doanh nghiệp có thể nhanh chóng sản xuất và phục hồi sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp dự đoán phải mất ít nhất 3 – 4 tháng để vượt qua những khó khăn hiện tại.

Bộc bạch nguyện vọng của các doanh nghiệp sản xuất, bà Lý Kim Chi kiến nghị họ cần được trao quyền chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và tự chịu trách nhiệm, được phép tự tổ chức thực hiện sau khi đã thông báo đến cơ quan thẩm quyền địa phương xác nhận.

Nhà nước chỉ thực hiện hậu kiểm bằng kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và yêu cầu đóng cửa ngay lập tức để rà soát, đánh giá, khắc phục nếu cơ sở, đơn vị không đảm bảo các tiêu chí an toàn. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng xin – cho, gây khó dễ cho doanh nghiệp lẫn phát sinh tiêu cực.

Bên cạnh đó, TP.HCM là địa phương có sự gắn kết chặt chẽ với các tỉnh thành phía Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Do đó, đề nghị Chính phủ cần ưu tiên tiêm vaccine phủ diện rộng cho các đối tượng tham gia trong chuỗi cung ứng tại các khu vực này để trước mắt giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa được ổn định, doanh nghiệp mở cửa sản xuất, kinh doanh an toàn.

Lưu Hà

Theo https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-thuc-pham-tp-hcm-no-luc-tang-toc-nhung-thang-cuoi-nam.htm

Có thể bạn quan tâm

Đại biểu đề xuất tiếp tục giảm thuế phí, hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu

Ngoài điều chuyển nguồn vốn chính sách kém hiệu quả, đại biểu Quốc hội đề …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *