Sau khi NHNN giảm mạnh giá mua USD từ ngày 8/6, giá USD tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do cũng đồng loạt rớt sâu. Việc giảm giá USD sẽ tác động ra sao tới thị trường ngoại hối thời gian tới?
Sáng 8/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bất ngờ điều chỉnh giá mua USD được niêm yết tại Sở giao dịch NHNN. Theo đó, cơ quan điều hành đã giảm 150 đồng USD chiều mua vào xuống mức 22.975 đồng/USD, trong khi đó giữ nguyên giá bán ở mức 23.744 đồng/USD.
Đây là lần Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giá mua USD mạnh nhất trong hơn một năm trở lại đây. Lần điều chỉnh gần nhất được thực hiện vào ngày 24/11/2020, giảm 50 đồng ở giá mua và giảm 7 đồng trong giá bán.
Song song với động thái của Ngân hàng Nhà nước, giá mua bán USD tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do cũng giảm mạnh trong những ngày gần đây.
Tại ngân hàng Vietcombank, hiện giá mua – bán USD ở mức 22.830-23.060 đồng/USD, giảm 90 đồng kể từ đầu tuần này. So với đầu năm, giá USD tại đây đã giảm khoảng 160 đồng.
Tương tự, nhiều ngân hàng cũng giảm mạnh giá mua – bán USD khoảng 80-100 đồng kể từ đầu tuần. Hiện Eximbank niêm yết 22.870-23.060 đồng/USD, ACB niêm yết 22.860-23.060 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, khảo sát tại một số điểm thu đổi ngoại tệ ở khu vực TP HCM, giá USD hiện khoảng 23.130-23.180 đồng/USD. So với mức đỉnh 3 tháng trước đã giảm mạnh trên 800 đồng/USD.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV lưu ý 2 điểm trong chính sách điều hành thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước thời gian gần đây.
Đầu tiên là việc Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh tỷ giá, đồng nghĩa với tăng giá trị VND so với đồng USD. Mức giảm 150 đồng tương đương VND tăng giá khoảng 0,65% so với USD.
Điểm thứ hai là hiện Ngân hàng Nhà nước không cho phép ngân hàng thương mại hủy ngang giao dịch sau khi đã ký hợp đồng cam kết bán ngoại tệ, trong khi trước đây có cho phép hủy ngang trong thời hạn 6 tháng mua bán ngoại tệ có kỳ hạn.
Vị chuyên gia nhận định, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp tục điều hành chính sách ngoại hối theo hướng linh hoạt hơn và lần này theo hướng tăng giá VND, phù hợp với bối cảnh đồng USD gần đây giảm giá và nếu so với đầu năm đến nay gần như không tăng giá. Một số đồng ngoại tệ khác so với đồng USD cũng đã và đang tăng giá.
Ông nói thêm, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt có cả 2 chiều, không chỉ mỗi chuyện giảm giá VND mà cũng có thể tăng.
“Điều này cũng thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc cùng Mỹ giải quyết vấn đề về gắn mác thao túng tiền tệ. Cách đây gần 1 tháng, Mỹ đã gỡ mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam nhưng đây chỉ tạm thời và họ vẫn tiếp tục theo dõi chính sách ngoại hối của chúng ta”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Bên cạnh đó, việc không cho phép ngân hàng thương mại hủy ngang cũng sẽ định hướng các ngân hàng thương mại phải tính toán cẩn trọng hơn trước khi có quyết định bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước. Trước đây do được hủy ngang nên mức độ cân nhắc không cần quá kỹ lưỡng.
Từ đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chủ động hơn trong lượng ngoại tệ mua được, cũng như chủ động được lượng nội tệ cung ứng ra thị trường là bao nhiêu để qua đó là một kênh kiểm soát cung tiền, kiểm soát tốt hơn áp lực lạm phát trong năm nay, trong bối cảnh giá cả, áp lực lạm phát gia tăng.
“Tuy nhiên, điều này tác động không nhiều tới tỷ giá trên thị trường vì tỷ giá cơ bản là quan hệ cung cầu và hiện đang tương đối ổn, mặc dù chúng ta có nhập siêu một chút trong tháng 5 vừa qua (chủ yếu do nhóm doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh). Ngoài ra, chênh lệch lãi suất liên ngân hàng bằng VND và USD đang giảm nhẹ, khiến động cơ bán USD cũng giảm, nhưng bù lại có đang có một số giao dịch M & A với nước ngoài, sẽ bổ sung nguồn cung ngoại tệ sắp tới”. Tựu chung lại, tỷ giá sẽ giảm về xoay quanh mức công bố của NHNN trong ngắn hạn, sau đó sẽ ổn định hơn và tăng không nhiều từ nay đến cuối năm (chỉ khoảng 0,5-1% theo tính toán, dự báo của chúng tôi), TS. Cấn Văn Lực chia sẻ thêm.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
https://cafef.vn/vi-sao-nhnn-bat-ngo-giam-manh-gia-mua-usd-20210610111148378.chn