Người Mỹ đã bắt đầu quan tâm đến hộ chiếu thứ 2 từ trước đại dịch, nhưng cuộc khủng hoảng đã khiến nhu cầu tăng vọt trong bối cảnh Mỹ hiện đang là nước có dịch bệnh nặng nhất.
Eric Schmidt có tất cả những thứ để trở thành 1 công dân Mỹ siêu giàu: siêu du thuyền, máy bay riêng và 1 căn penthouse ở Manhattan.
Nhưng một trong những tài sản mới nhất của ông là thứ nghe có vẻ lạ lùng: 1 hộ chiếu thứ hai.
Cựu CEO của Alphabet đã nộp đơn xin trở thành công dân Cyprus. Năm nay 65 tuổi, ông gia nhập nhóm ngày càng đông các công dân Mỹ muốn có thêm quốc tịch.
Những năm trước đây, các công dân Mỹ hiếm khi tìm mua “hộ chiếu vàng” của Cyprus – vốn cho phép người nước ngoài sở hữu hộ chiếu nước này thông qua hình thức đầu tư và tự do sinh sống tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác. Ngành kinh doanh “hộ chiếu vàng” chủ yếu nhắm tới các khách hàng từ những nước như Trung Quốc, Nigeria hay Pakistan.
Nhưng điều đó đang thay đổi. Ngày càng có nhiều yêu cầu từ các công dân của đất nước giàu nhất thế giới. Paddy Blewer, giám độc công ty tư vấn Henley & Partners – cho biết “chúng tôi chưa từng thấy hiện tượng này trước đây, làn sóng đã bắt đầu từ cuối năm ngoái nhưng chúng tôi đã không nhận ra, và giờ vẫn đang mạnh lên”.
Chỉ với khoản đầu tư tối thiểu 100.000 USD, hộ chiếu thứ 2 mang đến nhiều lợi ích: mức thuế thấp hơn, các luật lệ lỏng lẻo hơn về đầu tư cũng như di chuyển. Tuy nhiên từ trước đến nay các chương trình đầu tư để đổi lấy hộ chiếu không được nhiều người Mỹ chú ý vì một trong những điểm hấp dẫn chính là thuế không mang lại quá nhiều lợi ích do Mỹ là một trong số ít nước trên thế giới vẫn đánh thuế người dân dù họ đang sinh sống ở bên ngoài Mỹ.
Người Mỹ đã bắt đầu quan tâm đến hộ chiếu thứ 2 từ trước đại dịch, nhưng cuộc khủng hoảng đã khiến nhu cầu tăng vọt trong bối cảnh Mỹ hiện đang là nước có dịch bệnh nặng nhất.
Một số người cũng muốn có hộ chiếu thứ 2 do lo ngại bất ổn xã hội, theo công ty tư vấn Apex Capital Partners. Công ty cho biết số lượng khách hàng đã tăng 650% kể từ ngày bầu cử, trong đó nhiều người nói rằng họ không rời khỏi Mỹ ngay lập tức nhưng đang cảm thấy lo ngại và muốn có 1 lựa chọn đề phòng trường hợp xấu xảy ra.
St. Kitts and Nevis là nơi đầu tiên trên thế giới triển khai chương trình hộ chiếu đầu tư, từ đầu những năm 1980. Sau đó nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng có những chương trình tương tự. Sau gần 10 năm triển khai, Malta đã huy động được số vốn đầu tư trị giá gần 1 tỷ USD, trong khi Dominica thu về hơn 350 triệu USD sau 5 năm.
Tuy nhiên cũng có nhiều vụ bê bối xung quanh các chương trình này. Nhà tài chính người Malaysia Jho Low là một trong số 26 cá nhân đã bị tước quốc tịch Cyprus trong năm ngoái.
Tháng trước, ủy viên hội đồng tư pháp liên minh châu au Didier Reynders viết trên Twitter rằng “các giá trị châu Âu không phải để rao bán”. Sau vụ bê bối khiến 1 quan chức của Cyprus phải từ chức vì bị phát hiện giúp 1 doanh nhân Trung Quốc dù có tiền sử phạm tội vẫn được cấp hộ chiếu, Cyprus đã tuyên bố chấm dứt chương trình hộ chiếu vàng từ ngày 1/11.
Tham khảo Bloomberg
Theo Nhịp sống kinh tế (http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/nha-giau-my-dua-nhau-di-tim-ho-chieu-thu-hai-42020251115292717.htm)