Đêm chung kết Rap Việt cuối tuần qua thu hút 1,2 triệu lượt xem trực tuyến trên Youtube, thuộc hàng cao nhất của các show giải trí trong nước.
Không chỉ đêm thi cuối, hai show thực tế King of Rap và Rap Việt thu hút đông đảo số lượng khán giả theo dõi từ những tập đầu. Mỗi số Rap Việt thu hút vài chục triệu lượt xem trên Youtube. Nhiều bản rap đứng thứ hạng cao trên các nền tảng như itunes, spotify…
Rapper Binz nói: “Bây giờ, bật tivi, mở Youtube, lướt Facebook, ở đâu cũng thấy rap. Rồi sẽ có những thế hệ trẻ lớn lên bằng những bài nhạc rap chứ không phải là nhạc Trịnh Công Sơn, Bằng Kiều, Trần Thu Hà… Rap không chỉ là thú chơi ngông của giới trẻ mà có thể trở thành văn hoá của cả một thế hệ sau này”.
Dù hát nhạc cách mạng, trữ tình, Tùng Dương dành thời gian theo dõi hai show nhạc rap. Anh nói: “Tôi nghĩ nhạc rap đến giờ mới lên ngôi ở Việt Nam là muộn, chậm nhiều nhịp so với quốc tế. Ở nước ngoài, các rapper từ lâu có tầm ảnh hưởng lớn, khả năng tài chính tốt. Kanye West thậm chí còn đứng ra tranh cử tổng thống, nhận được 60.000 phiếu bầu. Giữa nhiều biến động đời sống, nhu cầu thể hiện tiếng nói bản thân ngày càng cao. Với rap, biên độ sáng tạo được mở rộng, các nghệ sĩ bộc lộ được cái tôi một cách trực diện, thẳng thắn, tác động mạnh mẽ đến người nghe, khơi gợi được sự thích thú từ họ”. Tùng Dương ấn tượng với một số rapper như Suboi, Ryhmastic.
Young Uno – người từng nổi tiếng với bản Tuyết yêu thương (2007) – nhận định rap lên ngôi trong năm nay là kết quả xứng đáng cho một chặng đường dài. “Nhiều MV tiệm cận chất lượng quốc tế. Song song đó, phong trào underground vẫn âm ỉ cháy với nhiều cuộc rap chiến (battle rap), rap tự do (freestyle rap), trở thành môn ‘thể thao’ âm nhạc của học sinh, sinh viên. Số lượng tác phẩm cũng ngày một nhiều lên, rapper đứng độc lập chứ không đơn thuần là song ca với các nghệ sĩ pop như trước”, anh nói.
Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận cho rằng giống thời trang, các xu hướng âm nhạc cũng có vòng lặp. Trước rap, R&B, dance, rock… từng có thời gian thịnh hành ở Việt Nam.
Định kiến xấu về nhạc rap như ngôn ngữ đường phố, không văn minh, tục tĩu đang dần được xóa bỏ. Năm 2011, khi ca khúc Rắc rối vượt qua nhiều bản pop giành giải thưởng MTV, Karik đối mặt nhiều tranh cãi. Bản rap của anh có ngôn từ mỉa mai, châm biếm mặt trái của showbiz. Một số bài như Thu dẩm của LK (2018), Phiếu bé ngoan của Mr. T, Yanbi (2013)… bị công chúng phản đối dữ dội vì có ca từ dung tục, nhạy cảm.
Theo rapper Hà Lê, sự tăm tối chỉ là một phần bởi thể loại này còn mang đến những câu từ lãng mạn. Bản chất của rap vốn là chất thơ, bởi được viết tắt từ “Rhythm and poetry” (giai điệu và thi ca). Sự nổi lên của Đen Vâu, Binz và nhiều rapper trẻ trong vài năm trở lại đây với những bản nhạc về tình yêu khiến khán giả dần thay đổi cách nhìn.
Được mệnh danh là “Xuân Diệu của dòng nhạc rap”, Binz mang đến cái nhìn mơ màng về tình yêu trong các bài hát như OK, So Far, Sao cũng được… Đen Vâu chinh phục khán giả bằng các nhạc phẩm có ca từ đẹp như Đưa nhau đi trốn, Bài này chill phết, Hai triệu năm, Trời hôm nay nhiều mây cực… Nhiều câu hát trở thành xu hướng thịnh hành trên mạng xã hội.
Là dòng nhạc xuất phát từ văn hóa Âu Mỹ nhưng rap được các nghệ sĩ trẻ Việt hóa. Dế Choắt – quán quân Rap Việt – tôn vinh phận người nhỏ bé, những giá trị truyền thống. Anh viết bài Phiêu lưu ký theo dạng thơ, nói về tâm tư con người khi sống trên cõi trần, lấy cảm hứng từ một phần giáo lý nhà Phật. Tiết mục của thí sinh RTee trong chương trình lấy cảm hứng từ nhạc xẩm, phần thi của Ricky Star biến tấu từ đồng dao Bắc kim thang.
Dù vậy, cơn sốt thời gian qua mới chỉ báo hiệu sự khởi đầu. Rapper Young Uno nói: “Các rapper trẻ ngày nay có tư duy được tiếp cận với công nghệ thu âm, sản xuất nhạc hiện đại nên dễ dàng tạo hit. Tuy nhiên, để có sản phẩm ghi dấu ấn thực sự hay trở thành nghệ sĩ hạng A, họ cần nỗ lực hơn. Những gì thịnh hành dần dà bị lãng quên, chỉ có sản phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực mới ở lại”.
Hà Thu
https://vnexpress.net/rap-viet-len-ngoi-4192338.html