Ngân hàng Việt lại “mốt” CEO ngoại

Ngân hàng Việt lại "mốt" CEO ngoại

Những ngân hàng này kỳ vọng CEO ngoại sẽ vận dụng được bề dày kinh nghiệp trong lĩnh vực tài chính quốc tế để dẫn dắt ngân hàng phát triển trong giai đoạn mới gắn liền với xu hướng chuyển đổi số.

Năm 2020, hàng loạt ngân hàng có biến động mạnh về nhân sự cấp cao, từ Hội đồng quản trị đến Ban điều hành. Đáng chú ý, lâu lắm rồi mới thấy sự xuất hiện của người nước ngoài được bổ nhiệm vào các vị trí cao nhất trong ngân hàng Việt.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bất ngờ công bố quyết định bổ nhiệm ông Chen Yi-Chung (Jeremy Chen) giữ vị trí Quyền Tổng Giám đốc. Việc bổ nhiệm này diễn ra trong bối cảnh SCB đang triển khai quyết liệt “Chiến lược chuyển đổi và phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2030” với sự tư vấn chiến lược của McKinsey & Company.

Ông Jeremy Chen được kỳ vọng là sẽ dẫn dắt SCB thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi và đưa SCB vào top các ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trong thời gian tới.

Ngân hàng Việt lại mốt CEO ngoại - Ảnh 1.

ông Chen Yi-Chung (Jeremy Chen)

Trước khi gia nhập SCB, ông Jeremy Chen đã có hơn 20 năm kinh nghiệm tại các nước phát triển trong lĩnh vực đầu tư, tài chính ngân hàng và trải qua nhiều vị trí cấp cao tại các công ty và ngân hàng lớn: Phó Chủ tịch ngân hàng Citibank khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Phó Giám đốc Kênh Đầu tư trực tiếp – Ngân hàng Standard Chartered; Phó Tổng Giám đốc – Công ty TNHH China Billion Resources. Ông Jeremy Chen đã tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Chicago (Hoa Kỳ).

Một ngân hàng tư nhân lớn khác là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) cũng bất ngờ bổ nhiệm CEO mới là người nước ngoài thay cho ông Nguyễn Lê Quốc Anh.

Cụ thể, ngày 18/8/2020, ngân hàng chính thức công bố ông Jens Lottner đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Techcombank. Sau khi được bổ nhiệm hơn 1 tháng, CEO mới của Techcombank mua vào được gần 440.000 cổ phiếu TCB.

Techcombank cho biết, Ông Jens Lotter có 28 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tại các tổ chức hàng đầu thế giới như McKinsey và BCG, trong đó hơn 2/3 thời gian sự nghiệp của ông gắn bó tại Châu Á.

Trước khi gia nhập Techcombank, ông là Giám đốc Tài chính tập đoàn của Ngân hàng Thương mại Siam (Thái Lan), nơi ông đã dẫn dắt chương trình chuyển đổi số quy mô lớn, bao gồm việc triển khai nền tảng ngân hàng di động mới, thiết kế lại mô hình kinh doanh cho các phân khúc khách hàng chủ chốt, thiết lập nền tảng phân tích và kho dữ liệu trên điện toán đám mây.

Ngân hàng Việt lại mốt CEO ngoại - Ảnh 2.

ông Jens Lottner

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, ông tin tưởng với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và quản trị ngân hàng quốc tế, ông Jens Lottner sẽ dẫn dắt  Techcombank hoàn thành mục tiêu chiến lược của ngân hàng, từ đó, mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng và cổ đông.

Trên thực tế, trong giai đoạn 2012-2015 cũng từng có một số ngân hàng Việt “chuộng” CEO ngoại với kỳ vọng tìm ra hướng đi mới, phù hợp với quốc tế, giúp ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Trước ông Jens Lottner, Techcombank cũng đã có một số CEO ngoại. Cụ thể, Techcombank từng bổ nhiệm ông Murat Yuldashev vào tháng 4/2015 thay cho ông Đỗ Tuấn Anh giữ Quyền Tổng giám đốc. Và trước đó nữa, ông Simon Morris được bổ nhiệm vào tháng 12/2011, thay thế cho ông Nguyễn Đức Vinh ngồi vào vị trí Tổng giám đốc.

Hay hồi 2012, Maritime Bank (nay đổi tên thành MSB) cũng bổ nhiệm Tổng giám đốc là ông Atul Malik, người từng giữ nhiều trọng trách quan trọng trong Ban điều hành Ngân hàng Deustche Bank.

Trong khi Techcombank và SCB bổ nhiệm chuyên gia nước ngoài làm người đứng đầu ban điều hành thì một ngân hàng tư nhân lớn khác còn gây bất ngờ nữa khi lần đầu tiên có Chủ tịch HĐQT là người nước ngoài.

Ngày 25/6, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bất ngờ thông báo Hội đồng quản trị (HĐQT) của ngân hàng đã chấp thuận ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và bầu chọn ông Yasuhiro Saitoh, Phó Chủ tịch HĐQT đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT thay ông Ninh.

Đây cũng là lần đầu tiên, Eximbank có một Chủ tịch HĐQT là người nước ngoài. Ông Yasuhiro Saitoh sinh năm 1961, quốc tịch Nhật Bản từng là Phó Tổng Giám đốc – AVP, Tập đoàn đầu tư Thu nhập cố định toàn cầu, Khối giao dịch thị trường vốn (Tokyo); Phó Tổng Giám đốc cấp cao, Giám đốc Đầu tư (Trái phiếu, Cổ phiếu, Hàng hóa và đầu tư cổ phần tư nhân) – VP, Khối Quản lý tài sản tại công ty ủy thác Sakura (New York); Phó Tổng Giám đốc Điều hành cấp cao – Phòng Ngân quỹ Ngân hàng Manufacturers (Los Angeles).

Việc ông Yasuhiro Saitoh lên làm Chủ tịch HĐQT không hàm ý về một bước ngoặt mới trong chiến lược kinh doanh của ngân hàng mà lại ẩn chứa những nghi ngại về mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông của Eximbank. Ông Yasuhiro Saitoh từng được Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – cổ đông Nhật nắm 15% vốn tại ngân hàng đã đề cử tham gia vào HĐQT Eximbank. Tuy nhiên, tháng 5/2019, SMBC đã tuyên bố ông Saitoh không còn là đại diện của cổ đông này nữa. Hiện ông Saitoh đại diện cho nhóm cổ đông nào vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, sau khi ông Saitoh lên nắm quyền Chủ tịch HĐQT Eximbank, ngân hàng vẫn chưa thể tổ chức một cuộc họp ĐHĐCĐ thành công.

Thu Thủy

Theo Trí thức trẻ (http://ttvn.toquoc.vn/ngan-hang-viet-lai-mot-ceo-ngoai-42020131010926662.htm)

Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Người Việt Nam mạnh về mua xổ số, đầu tư dựa vào may mắn, chứ không đầu tư bằng tri thức

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề: Làm thế nào để người dân Việt …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *