Các gói cứu trợ của Chính phủ Malaysia trong đại dịch Covid-19 giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ nước này có tiền đi đầu tư chứng khoán và tạo điều kiện cho thị trường phục hồi mạnh mẽ.
Theo thống kê, số nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường chứng khoán Malaysia đã đạt mức kỷ lục trong năm nay. Điều này trái ngược hoàn toàn với việc các quỹ ngoại liên tiếp rút khỏi các thị trường chứng khoán ở châu Á. Tính tới thời điểm hiện tại, tiền của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã giúp chứng khoán Malaysia phục hồi gần như tất cả mọi sự sụt giảm của năm nay.
Điều này giúp chứng khoán Malaysia nằm trong nhóm những thị trường tốt nhất Đông Nam Á. Cơ quan quản lý chứng khoán Malaysia cho biết các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã mua ròng 1,53 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2020. Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút số tiền lên tới 3,79 tỷ USD trong giai đoạn này.
Sở giao dịch chứng khoán Bursa Malaysia cũng cho biết giao dịch hàng ngày của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đạt trung bình 218,7 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, cao gấp đôi so với mức 95,9 triệu USD được ghi nhận trong cả năm 2019.
Gerald Ambrose, lãnh đạo của Aberdeen Standard Islamic Investments có trụ sở tại Malaysia, cho biết: “Có nhiều sự trùng hợp của các yếu tố khiến thị trường chứng khoán Malaysia trông hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ”.
Ambrose giải thích rằng một số biện pháp của chính phủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái vì đại dịch giúp người dân Malaysia có nhiều tiền mặt hơn. Cụ thể, các biện pháp này bao gồm cho người dân trì hoãn thanh toán một số khoản vay nhất định và nới lỏng các tiêu chí rút tiền từ quỹ hưu trí liên bang.
“Tôi cho rằng những yếu tố này đã giúp mọi người có nhiều tiền mặt để chơi chứng khoán. Người Malaysia rất hăng hái nếu họ thấy có cơ hội kiếm tiền một cách nghiêm túc. Đó là những gì đang diễn ra”, Ambrose nhận định.
Sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã giúp FTSE Bursa Malaysia KLCI Index, chỉ số chứng khoán chuẩn của Malaysia, phục hồi gần như hoàn toàn sau cú bán tháo hồi tháng 3. Tính đến ngày 25/8, chỉ số này còn giảm 2,1% trong năm nay, một mức giảm rất nhỏ nếu so với nhiều chỉ số chính khác ở Đông Nam Á.
Cùng với cú phục hồi ngoạn mục của chứng khoán Malaysia, cổ phiếu nhiều doanh nghiệp đã tăng bằng lần. Cụ thể, do nhu cầu găng tay tăng vọt do đại dịch, cổ phiếu của Top Glove, nhà sản xuất găng ty y tế lớn nhất thế giới niêm yết tại Malaysia, đã tăng 440% trong năm nay.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư và chuyên gia phân tích lo ngại rằng sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ quá mức trên thị trường. Tuy nhiên, Ambrose lại cho rằng sự hiện diện của các nhà đầu tư nhỏ lẻ là điều thực sự tốt.
“Chắc chắn là rất tốt khi nhìn thấy các nhà đầu tư nhỏ lẻ trở lại thị trường. Nếu cổ phiếu tăng giá và mọi người đều kiếm được tiền, tôi nghĩ điều đó chẳng làm hại ai”, Ambrose nói.
Tuy nhiên, Ambrose cũng cảnh báo các sàn giao dịch nên theo dõi những cổ phiếu bị làm giá quá mức trước khi bán tháo bởi nó gây tổn thương nhất đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đây mới chính là những đối tượng gây hại cho thị trường.
Theo Nhịp sống kinh tế (http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/nguoi-dan-mang-tien-cuu-tro-covid-19-di-mua-co-phieu-chung-khoan-quoc-gia-nay-phuc-hoi-tot-nhat-dong-nam-a-42020268144828354.htm)