Trung Quốc tăng trưởng chóng mặt quy mô cho vay
Nikkei cho hay, điều này đã đưa Trung Quốc ngang hàng với Ngân hàng Thế giới (WB) về quy mô các khoản vay đối với những nước kể trên, và trao cho Bắc Kinh sức ảnh hưởng toàn cầu lớn hơn.
Các khoản vay nợ cũng đặt những nước đang phát triển trước rủi ro rơi vào “bẫy nợ”, khiến họ bị ràng buộc vào những mục tiêu chính sách đối ngoại, các sáng kiến ngoại giao và hạ tầng của Trung Quốc.
Tầm ảnh hưởng toàn cầu vốn đã mạnh mẽ của Bắc Kinh đang trở nên to lớn hơn trong nhóm các quốc gia đang phát triển, đặc biệt khi có nhiều nước hiện nay dựa vào viện trợ của Trung Quốc để chống lại dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
Số liệu do Trung Quốc cung cấp cho WB mới đây cho thấy tổng dư nợ mà Trung Quốc dành cho 68 quốc gia trên đã đạt 101.7 tỉ USD vào năm 2018, trong khi số tiền WB cho các nước này vay tính đến cùng thời điểm là 103.7 tỉ USD.
Dư nợ cho vay của Bắc Kinh tăng trưởng đến 90% trong vòng 4 năm, so với 40% của WB và 10% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Trong số 68 quốc gia vay tiền, có 26 nước vướng phải những khoản nợ vượt quá 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mình. Tác động tiềm ẩn của nợ xấu đã được minh chứng tại Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, khi 14 nước trong nhóm trên ủng hộ Luật an ninh quốc gia Hồng Kông mà Trung Quốc ban hành vào tháng 6.
14 nước này đang gánh những khoản nợ với Trung Quốc đến hơn 10% GDP. Quốc gia ở Đông Phi Djibouti – nơi Trung Quốc đặt một cơ sở hậu cần quân sự của Quân giải phóng nhân dân (PLA) – mắc nợ với quy mô đến 39% GDP của họ.
Đoàn tàu di chuyển trên tuyến đường sắt do Trung Quốc cấp vốn ở Mombasa, Kenya, năm 2017 (Ảnh: Khalil Senosi / AP)
Tiền nhanh, lãi cao: Trung Quốc thu lợi đủ đường
Bất chấp lãi cao, các nước đang phát triển thường chọn các khoản tín dụng đắt đỏ của Bắc Kinh bởi tiền được giải ngân không đi kèm các điều kiện, như yêu cầu về kỷ luật tài chính, mà nhiều tổ chức tài chính khác đặt ra.
Các nước phương Tây nêu quan ngại về khả năng Trung Quốc lợi dụng chiến lược cho vay để “gài” các nền kinh tế mới nổi lâm vào nợ nần.
Vào năm 2017, Sri Lanka đã phải trao cho Trung Quốc quyền thuê cảng Hambantota của mình trong thời hạn 99 năm, sau khi không thể trả các khoản nợ phát sinh từ việc xây dựng… chính cảng này.
Một số nước nỗ lực đa dạng hóa nguồn vốn vay để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh. Angola, đất nước ở tây nam châu Phi, nhận khoản vay 3.7 tỉ USD từ IMF. Song WB và IMF lo ngại rằng số tiền có thể chỉ được các nước đang phát triển sử dụng để chi trả cho những khoản nợ với Trung Quốc.
Đại dịch Covid-19 khiến vấn đề nợ nần trở thành tâm điểm chú ý, do lo ngại về việc các nước mắc nợ sẽ cắt giảm chi phí cho y tế cộng đồng, dẫn đến nguy cơ làm tăng đột biến số ca nhiễm.
Các Bộ trưởng Tài chính và đại diện ngân hàng trung ương các nước thành viên nhóm G-20 hồi tháng 4 đã nhất trí một chương trình giãn nợ cho một số nước – bao gồm 68 nước được đề cập vướng vào những khoản nợ lớn với Trung Quốc. Nhiều nước trong số đó là các quốc gia nhỏ và gánh nợ nặng nề.
G-20 đang tiếp tục xúc tiến sáng kiến trên. Đã có các cuộc thảo luận về xóa nợ cho các nước nghèo. Câu lạc bộ Paris – nhóm không chính thức gồm 22 quốc gia chủ nợ, chủ yếu là những nước giàu có ở phương Tây – từng có tiền lệ trong các cuộc khủng hoảng trước đây, khi tạo ra khuôn khổ để giải cứu các nền kinh tế mới nổi. Thế nhưng không một thảo luận nào có thể tiến triển nếu vắng mặt Trung Quốc.
Bắc Kinh đang tận dụng các khoản vay nhằm quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (RMB). Hãng tư vấn Eurasia Group (Mỹ) lưu ý, đã có những đề xuất từ Trung Quốc đến các nước đang phát triển về chuyển đổi các khoản vay bằng USD từ Mỹ thành RMB, nhằm đổi lại việc xóa nợ một phần.
Tổ quốc (http://toquoc.vn/trung-quoc-cho-vay-cat-co-hang-chuc-nuoc-no-ngap-dau-bac-kinh-thu-loi-khung-den-dau-82020138211337178.htm)