Covid-19 đã thúc đẩy sự thay đổi khi nhiều người mua sắm, hội họp, đào tạo trực tuyến phổ biến, dùng điện thoại, tivi giải trí thường xuyên.
“Khi những hành vi trên giúp người tiêu dùng khám phá những điều tích cực thì các thói quen có thể được giữ lại cả sau đại dịch”, ông Trương Văn Quý, CEO EQVN, một chuyên gia về tiếp thị kỹ thuật số, nhận định.
Các dịch vụ công nghệ – những thành phần lắp ghép nên nền kinh tế số cũng rất tích cực cung cấp những sản phẩm cho người tiêu dùng.
Elsa – công ty khởi nghiệp Việt Nam về một ứng dụng học phát âm tiếng Anh, đã đưa ra gói 3 tháng miễn phí. Amanotes – nhà phát hành trò chơi âm nhạc trên thiết bị di động tại Việt Nam, cũng cung cấp các bản nâng cấp miễn phí cho dịch vụ cao cấp, mở quyền truy cập cho tất cả các bài hát.
Nhóm nghiên cứu InsightAsia và Vero đánh giá, những yếu tố quyết định đối với các dịch vụ công nghệ là người tiêu dùng Việt Nam thích được dùng thử miễn phí, độ ứng dụng rộng rãi, sử dụng và thanh toán dễ dàng.
“Từ việc lên lịch các cuộc họp đến cung cấp bữa ăn, các công ty công nghệ đã biết phát huy thế mạnh của mình để kết nối mọi người. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, các dịch vụ này đã trở thành nền tảng cho thực tế mới của chúng ta”, ông Barkha Narula, Giám đốc nghiên cứu InsightAsia Thái Lan, nói.
Những nền tảng đa dịch vụ đi lên từ mảng gọi xe ở Việt Nam cũng khởi động lại rất nhanh. BeGroup, đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe “be” tuyên bố đã tận dụng thời gian giãn cách xã hội để đẩy mạnh R&D. Mới đây, họ vừa tung ra loạt tính năng mới như lựa chọn nhiều điểm dừng, thay đổi điểm đến, đặt hộ và gói hội viên liên kết với MoMo.
Trong khi đó, Grab công bố một chương trình hỗ trợ tăng tương tác cho doanh nghiệp nhỏ tại Đông Nam Á. Cốt lõi chương trình là để mở rộng mạng lưới đối tác cho Grab khi khuyến khích nhiều đơn vị “lên đời” kinh doanh online trên nền tảng ứng dụng này.
“Covid-19 thúc đẩy sự thay đổi. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng các dịch vụ online tăng vượt bậc gần như chỉ sau một đêm”, bà Hooi Ling Tan, đồng sáng lập Grab, nhận định chung về toàn thị trường Đông Nam Á.
Grab cho rằng, các biện pháp giãn cách xã hội và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Xu hướng này được dự báo có thể kéo dài vĩnh viễn ngay cả khi những quy định về hạn chế di chuyển được gỡ bỏ.
Vietnam Tech Consumer Report 2020 – khảo sát về người tiêu dùng công nghệ tại Hà Nội và TP HCM do InsightAsia và Vero thực hiện vừa công bố mới đây cho biết, người tiêu dùng Việt Nam đang rất thiện cảm với các sản phẩm và dịch vụ công nghệ.
Cụ thể, 65% người được hỏi nói rằng công nghệ nhìn chung có tác động tích cực lên đời sống của họ. Điều này thể hiện rõ qua việc, 84% cho rằng công nghệ đã giúp họ thể hiện tốt hơn trong công việc và 66% xác nhận công nghệ giúp thay đổi tích cực mối quan hệ của họ với người khác.
Trong 3 quốc gia được khảo sát, đa phần người Việt Nam nói rằng công nghệ đang chiếm lĩnh cuộc sống của họ, với tỉ lệ 66%, so với chỉ 39% ở Thái Lan và 52% ở Myanmar.
Việc chiếm lĩnh cuộc sống này có 60% đánh giá theo nghĩa tích cực gồm: cải thiện hiệu suất làm việc, các mối quan hệ, thư giãn, giải tỏa căng thẳng. Còn mặt tiêu cực lớn nhất mà phần đông đồng tình là công nghệ gây ra mất ngủ.
“Với những hạn chế đang dần được gỡ bỏ tại Việt Nam sau dịch, chúng tôi kỳ vọng công nghệ ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, với tiềm năng định hình lại các mô hình kinh doanh cũng như hành vi người tiêu dùng”, ông Raphael Lachkar, Giám đốc điều hành Vero ASEAN, đang làm việc tại Việt Nam, cho biết.
Số liệu của Viện nghiên cứu kinh tế cho ASEAN và Đông Á năm 2019 cho biết, chỉ có 34% doanh nghiệp nhỏ ở Đông Nam Á đang có mặt trên nền tảng trực tuyến. Vì vậy, dư địa cho nền kinh tế số còn khá lớn.
“Sau đại dịch, chúng tôi hy vọng ngành công nghệ Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn. Chiến lược truyền thông hiệu quả và dịch vụ hỗ trợ khách hàng linh hoạt sẽ là điểm quan trọng khiến các công ty trở nên khác biệt”, ông Barkha Narula, Giám đốc nghiên cứu InsightAsia Thái Lan cho biết.
Báo cáo của Google và Temasek trước đây đánh giá, nền kinh tế số của Việt Nam bao gồm 4 lĩnh vực là thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ, có quy mô 12 tỷ USD và sẽ chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025. Báo cáo này đưa ra trước khi có sự xuất hiện của Covid-19.
Đầu năm 2020, đại dịch làm nhiều hoạt động kinh doanh suy giảm, khiến nhiều dự báo tăng trưởng trước đó bị đảo lộn. Tuy nhiên, vài tín hiệu trên cho thấy, riêng hoạt động kinh tế số có thể sẽ sớm vượt khó và tích lũy thêm cơ hội sau dịch.
Viễn Thông
https://vnexpress.net/covid-19-giup-kinh-te-so-tang-toc-4113393.html