Nhà chức trách Trung Quốc đang theo dõi khá chặt chẽ giá thực phẩm vì chúng là một khía cạnh quan trọng trong việc duy trì ổn định xã hội.
Gao Huan, một nhà nghiên cứu tao cấp tại công ty tư vấn Alvarez & Marsal có trụ sở tại Bắc Kinh, nói rằng việc tăng giá thực phẩm chủ yếu được thúc đẩy bởi sự sụt giảm nguồn cung trong khi gia tăng về nhu cầu. Xu hướng này đang trở nên tồi tệ hơn khi miền nam Trung Quốc đang đối mặt với những trận lụt thảm khốc.
Trong đợt lũ mà nhiều người mô tả là tồi tệ nhất kể từ năm 1998, ít nhất 141 người đã chết hoặc mất tích. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ước tính thiệt hại của trận lũ đã vượt 12,3 tỷ tệ với khoảng 29.000 ngôi nhà bị phá hủy và 2,24 triệu người buộc phải di dời khẩn cấp tới nơi lánh nạn.
Cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả đợt lũ đang xảy ra là nghiệt ngã và nhấn mạnh phản ứng của Trung Quốc trước lũ lụt đang bước vào giai đoạn quan trọng nhằm ngăn những hậu quả tồi tệ hơn nữa.
“Chúng tôi dự đoán rằng lạm phát CPI sẽ tăng lên 2,7% trong tháng 7 vì cú sốc với nguồn cung do trận lụt gần đây ở miền nam Trung Quốc. Tuy nhiên, lạm phát cả năm sẽ giảm xuống bởi nửa cuối năm 2019, Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, khiến giá thịt lợn tăng cao và ảnh hưởng tới giá cả chung.
Giá thịt lợn ở Trung Quốc vẫn cao dù quốc gia này đã tăng cường nhập khẩu. Trong nửa đầu năm 2020, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đã tăng 140% so với một năm trước trong khi thịt bò tăng 42,9% và đậu nành tăng 17,9%.
Sự xuất hiện trở lại của Covid-19 ở chợ nông sản lớn nhất Bắc Kinh đã làm gia tăng áp lực với giá thực phẩm. Cụ thể, giá thực phẩm tươi tăng 9% trong tháng 6 tại thủ đô Trung Quốc.
Việc tăng giá thịt lợn và thực phẩm nói chung đẩy chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc, một thước đo lạm phát, lên 2,5% trong tháng 6, cao hơn một chút so với con số 2,4% trong tháng 5. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều với mức 4-5% của những tháng đầu năm, khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước này.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng việc CPI ở mức 2,5% sẽ phản ánh lạm phát cả năm của Trung Quốc chỉ ở dưới 3%. Đây được xem là một con số tương đối ổn định. Ngoài ra, việc thực phẩm tăng giá được mô tả là diễn biến trong ngắn hạn.
Theo Nhịp sống kinh tế (http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/mua-lu-o-trung-quoc-lam-toi-te-them-cuoc-khung-hoang-gia-thuc-pham-sau-cu-soc-covid-19-420201571195669.htm)