Vì sao công ty mẹ Uniqlo trụ vững trong Covid-19

Fast Retailing từng thiệt thòi khi phụ thuộc vào Trung Quốc và ít hiện diện tại Mỹ, nhưng trong đại dịch, đây lại là điều may mắn.

Đại dịch đang hủy hoại ngành thời trang toàn cầu, khiến các hãng mất hàng trăm tỷ USD doanh thu và đẩy nhiều tên tuổi như J.Crew vào cảnh phá sản. Dù không công ty thời trang lớn nào thoát được vòng xoáy đó, Fast Retailing (Nhật Bản) – công ty mẹ của Uniqlo lại có vị thế khá vững chắc so với các đối thủ trong cuộc khủng hoảng này.

Tất cả là nhờ những khách hàng trung thành, như Niu Ran – một nhân viên IT 25 tuổi tại Trung Quốc. Tủ đồ của anh đều là đồ cơ bản của Uniqlo, từ áo phông đến tất. Anh cũng dự định mua thêm đồ sau đại dịch. “Tôi thích đồ Uniqlo vì nó dễ kết hợp và chất lượng tốt”, anh cho biết khi đang đợi thử đồ tại một cửa hàng của Uniqlo tại Wangfujing – phố mua sắm của Bắc Kinh, “Nó thỏa mãn tất cả nhu cầu của tôi, nên tôi không cần phải bỏ thời gian đi đâu nữa cả”.

Khách hàng chờ thanh toán tại một cửa hàng của Uniqlo ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Khách hàng chờ thanh toán tại một cửa hàng của Uniqlo ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Trung Quốc là thị trường đầu tiên phải phong tỏa vì đại dịch. Tuy nhiên, lệnh hạn chế đi lại đã được gỡ bỏ từ tháng 3. Nền kinh tế lớn nhì thế giới được dự báo hồi phục nhanh hơn các nước khác. Các thị trường khác ở châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, cũng thành công hơn nhiều so với phương Tây về mặt kiểm soát đại dịch.

Trái lại, các đối thủ của Fast Retailing tập trung vào thị trường Mỹ như Gap, châu Âu như Inditex (công ty mẹ Zara) và H&M được dự báo kinh doanh khó khăn trong thời gian dài. GlobalData dự báo thị trường thời trang toàn cầu sẽ mất 297 tỷ USD năm nay do đại dịch. Gần một nửa số đó thuộc thị trường Mỹ.

“Châu Á hồi phục nhanh hơn khi người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu hơn. Việc này sẽ có lợi cho các công ty có hiện diện lớn ở châu Á”, Honor Strachan – nhà phân tích bán lẻ tại GlobalData cho biết, “Tại các thị trường bão hòa như châu Âu, Mỹ và Canada, chúng tôi dự báo đà hồi phục sẽ lâu hơn”.

Dưới sự lãnh đạo của tỷ phú giàu nhất Nhật Bản Tadashi Yanai, Fast Retailing đã tích cực mở rộng tại Trung Quốc với 750 cửa hàng Uniqlo hiện tại – gần tương đương tại Nhật Bản. Trong 2.260 cửa hàng của hãng trên toàn cầu, chỉ 51 đặt tại Mỹ. Việc ít hiện diện tại thị trường thời trang lớn nhất thế giới từ lâu được coi là gót chân Asin của hãng. Tuy nhiên, hiện tại đây lại là điều may mắn.

Châu Á đóng góp khoảng ba phần tư doanh thu hàng năm cho Uniqlo. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm 20%.

Strachan cho biết dù H&M và Inditex cũng là một trong những tên tuổi tích cực tại thị trường này, châu Á và châu Đại dương chỉ đóng góp 15% doanh thu hàng năm cho H&M. Còn với Zara, mảng Châu Á và các thị trường còn lại đóng góp 23%.

Uniqlo nổi tiếng với nhiều sản phẩm tiện lợi, mặc được lâu, trong nhiều hoàn cảnh và giá cả phải chăng. Theo giới phân tích, điều này hợp với những người tiêu dùng mất việc làm hoặc có nguy cơ mất việc hơn là quần áo hợp thời trang của Zara và H&M. “Chất lượng đồ khá tốt và thiết kế cũng cơ bản”, Jiang Xin – nhân viên một công ty Internet tại Bắc Kinh nhận xét về sản phẩm của Uniqlo.

Dù tháng 4, Fast Retailing cảnh báo lợi nhuận hoạt động có thể giảm 44% trong tài khóa này, các nhà phân tích dự báo hãng sẽ phục hồi nhanh do các thị trường chủ chốt không chịu tác động từ làn sóng lây nhiễm thứ hai. Với phần lớn sản phẩm có kiểu dáng cơ bản, Giám đốc Tài chính Takeshi Okazaki kỳ vọng “sẽ dần bán hết hàng tồn kho trong 18 tháng tới”.

Tốc độ tăng trưởng nhanh đã giúp Fast Retailing tiến gần H&M – hãng bán lẻ lớn thứ nhì thế giới về doanh thu. Năm ngoái, công ty Nhật còn đạt lợi nhuận cao hơn, với 1,5 tỷ USD. Trong khi H&M đạt 1,4 tỷ USD. Dù vậy, Fast Retailing chỉ đạt doanh thu 21 tỷ USD – thấp hơn 3 tỷ USD.

Và dù doanh thu còn kém xa 31 tỷ USD của Inditex. Mục tiêu lâu dài của Yanai vẫn là đưa Fast Retailing trở thành hãng bán lẻ số một thế giới. Vài năm gần đây, mục tiêu này ngày càng khả thi.

Tuy nhiên, giới phân tích cho biết để đạt được điều này, Uniqlo vẫn cần tăng thị phần ở Mỹ. Tức là họ cần nhiều sản phẩm thời trang hơn để cạnh tranh tại đây. “Họ vẫn cần một cách để cạnh tranh tại Mỹ”, Michael Allen – nhà phân tích tại Jefferies cho biết, “Cuộc khủng hoảng hiện tại không thay đổi được công thức này đâu”.

Hà Thu (theo Reuters)

https://vnexpress.net/vi-sao-cong-ty-me-uniqlo-tru-vung-trong-covid-19-4109644.html

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng, chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhờ lạm phát hạ nhiệt

Mỗi ounce vàng tăng gần 20 USD, còn chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tốt …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *