Ngân hàng đầu tiên xác định không tuyển mới nhân sự năm nay

Việc dừng tuyển nhân sự mới cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng có thể hạn chế mở rộng kinh doanh, đồng thời phải tối ưu hóa nhân sự và hệ thống hiện có.
Ngân hàng đầu tiên xác định không tuyển mới nhân sự năm nay

Ngừng tuyển mới, cơ cấu lại lao động

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vừa tổ chức ngày 27/5, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến năm 2020 thị trường sẽ còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm hơn trước; ngân hàng đã phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cho phù hợp với trạng thái bình thường mới, đồng thời tiếp tối hưu hóa và nâng cao hiệu quả hệ thống.

Theo đó, năm nay, TPBank dự kiến tổng tài sản tăng trưởng 9% lên 180 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến tăng thêm 19% lên gần 10,2 nghìn tỷ đồng.

Tổng dư nợ cho vay và trái phiếu tăng 15% lên gần 117,2 nghìn tỷ đồng trong khi tổng huy động dự kiến tăng 7%, lên 158,8 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2020 đạt 4.068 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với thực hiện năm 2019, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2,5%.

Đáng chú ý, Tổng giám đốc TPBank cho biết, để tiết giảm chi phí hoạt động, trong năm nay, ngân hàng xác định sẽ dừng tuyển mới và không tăng lương cho người lao động.

“Trong thời gian qua, để duy trì hoạt động trong thời gian khó khăn do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, giảm lương nhưng TPBank vẫn cố gắng duy trì đãi ngộ cho nhân viên đó là giữ nguyên lương và không cắt giảm nhân sự”, ông Hưng chia sẻ.

Điều này cũng đồng nghĩa trong năm nay, ngân hàng có thể sẽ hạn chế mở rộng kinh doanh, đồng thời phải tối ưu hóa nhân sự và hệ thống hiện có.

Đây cũng là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống công bố kế hoạch dừng tuyển lao động mới.

Riêng đối với TPBank, 2020 cũng đánh dấu lần đầu tiên trong nhiều năm qua nhân sự dự kiến không đổi.

Trước đó, do liên tục mở rộng quy mô, sản phẩm, TPBank luôn nằm trong top ngân hàng tuyển dụng với tốc độ tăng trưởng số lượng người lao động luôn tăng từ 22 đến 28% mỗi năm.

Việc ngân hàng sử dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” năm nay được xem là một trong những giải pháp khi điều kiện và môi trường kinh doanh thay đổi bởi Covid-19, mà trước đó Ngân hàng Nhà nước cũng đã có định hướng.

 Cụ thể, tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN ban hành hồi cuối tháng 3/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Tại VietinBank, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết, năm nay, ngân hàng không có định hướng cắt giảm nhân viên do cần xây dựng cán bộ đảm bảo cho tăng trưởng tương lai.

Tuy nhiên, Chủ tịch VietinBank cũng nhấn mạnh, sẽ phải cơ cấu lại, bố trí cán bộ theo hướng phù hợp với năng lực, nâng cao năng suất của từng bộ phận.

Theo một chuyên gia kỳ cựu trong ngành tài chính, với bối cảnh hiện tại, việc các ngân hàng vẫn duy trì được “quân số” đã là một tín hiệu đáng mừng. Bởi, xét đến cùng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn và suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, họ cũng không thể nằm ngoài.

Trong khi đó, với đặc thù kinh doanh riêng, ngân hàng còn phải dồn nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn, khách hàng sử dụng dịch vụ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Cắt giảm lương, thưởng

Ở một hướng khác, một số ngân hàng đã quyết định “thắt lưng buộc bụng” bằng cách cắt giảm lương, thưởng của cán bộ nhân viên cũng như chi phí hoạt động nói chung.

SHB là một ví dụ. Nhà băng này cho biết sẽ giảm chi phí hoạt động tối thiểu 10%. Để làm được điều này, SHB cho hay, lãnh đạo Hội đồng Quản trị, Ban điều hành và cán bộ quản lý cấp cao đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch. Các cấp quản lý từ phó phòng trở lên giảm từ 10-30% tùy theo mức thu nhập.

Tương tự, Ngân hàng Phát triển TP HCM – HDBank cũng cho biết, từ tháng 4/2020 đã thực hiện giảm lương kinh doanh 10-25% để đối phó với tình hình phức tạp của đại dịch, áp dụng cho những nhân viên có tổng lương từ 10 triệu trở lên.

Mức giảm lớn nhất (25%) được áp dụng cho người có tổng lương cao hơn 80 triệu đồng.

Trong khi đó, dù chưa đưa ra con số cụ thể, xong cụm từ “tiết giảm chi phí” xuất hiện như là một điểm quan trọng trong “Những giải pháp trọng tâm năm 2020” của Ngân hàng Quân đội – MB.

Một số các ngân hàng khác hiện cũng bắt đầu thực hiện kế hoạch giảm chi phí bằng cách giảm lương của ban lãnh đạo cũng như nhân viên, nhằm đối phó với những khó khăn trong thời điểm hiện tại.

Theo Trần Thúy

BizLive (http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/tai-chinh/ngan-hang-dau-tien-xac-dinh-khong-tuyen-moi-nhan-su-nam-nay-15414266.html)

Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Người Việt Nam mạnh về mua xổ số, đầu tư dựa vào may mắn, chứ không đầu tư bằng tri thức

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề: Làm thế nào để người dân Việt …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *