Thái Lan kêu gọi các tỷ phú cứu kinh tế

Giới chức Thái Lan đã nói với các tỷ phú rằng chiến đấu chống lại cú sốc kinh tế do Covid-19 gây ra là nghĩa vụ công dân của họ.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha đã đề nghị 20 người giàu nhất Thái Lan sử dụng tiền bạc và các tổ chức của mình để phát triển các dự án có thể tiếp cận mọi ngóc ngách của đất nước. Ông cũng cho biết chính phủ không cần họ quyên góp tiền.

Ý định này đã được ông đưa ra từ giữa tháng trước. Trong một bài phát biểu trên truyền hình khi đó, Thủ tướng Thái Lan cho biết chính phủ không thể một mình giải quyết các thách thức về y tế và kinh tế do đại dịch gây ra. Họ cần các thành phần khác tham gia.

“Tôi sẽ gửi thư đến 20 người giàu nhất Thái Lan để nghe ý kiến của họ về việc họ có thể giúp chúng tôi và đất nước như thế nào. Vì đó là những người được trọng vọng trong xã hội”, ông nói.

Từ trái qua: Tỷ phú Dhanin Chearavanont, Suthikiati Chirathivat và Chalerm Yoovidhya. Ảnh: Bangkok Post

Từ trái qua: Tỷ phú Dhanin Chearavanont, Suthikiati Chirathivat và Chalerm Yoovidhya. Ảnh: Bangkok Post

Đến nay, động thái của các tỷ phú vẫn khá khiêm tốn so với mức độ thiệt hại kinh tế mà đại dịch gây ra. Nhà sáng lập một công ty tài chính cho biết doanh nghiệp này có thể giúp mọi người không phải đi vay nặng lãi.

Các doanh nghiệp liên quan đến các tỷ phú khác cũng đã chi, hoặc cam kết chi, hơn 110 triệu USD để đảm bảo nguồn cung khẩu trang và an ninh lương thực. Central Group cho biết đế chế bán lẻ và khách sạn của họ sẽ tăng mua từ các nhà cung cấp nhỏ lẻ, quyên góp mặt bằng bán lẻ và duy trì việc làm cho 74.000 nhân viên hiện tại.

“Các tập đoàn lớn nhất tuyển dụng nhiều lao động và có chuỗi cung ứng lớn”, Thanavath Phonvichai – nhà kinh tế học tại Bangkok nhận định, “Họ có thể tạo ra ảnh hưởng lớn với nhu cầu tại địa phương, nhưng quyết định đầu tư thì còn phụ thuộc vào nhu cầu kinh doanh nữa”.

Theo Ngân hàng Thế giới, Thái Lan là nước duy nhất tại Đông Nam Á đã chứng kiến vài lần tỷ lệ nghèo tăng lên kể từ năm 2000. Giai đoạn 2015 – 2018, số người nghèo ở đây còn tăng vọt 38% lên hơn 6,7 triệu. WB cho rằng nguyên nhân là điều kiện kinh tế và tự nhiên (như hạn hán) ngày càng xuống cấp.

“Thái Lan có lẽ đang có lượng lớn người nghèo kinh niên”, Somchai Jitsuchon – nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan cho biết trong một báo cáo hồi tháng 1.

Theo số liệu của Bloomberg tính đến tháng 8/2019, Thái Lan có 3 gia đình nằm trong top 10 gia đình giàu nhất châu Á. Đó là nhà Chearavanonts của CP Group, nhà Chirathivats của Central Group và gia tộc sáng lập nước tăng lực Red Bull Yoovidhyas. Tổng tài sản của ba gia đình này tương đương 16% GDP Thái Lan. Trong khi đó, 10 gia đình giàu nhất Mỹ chỉ đóng góp 3% GDP cả nước.

Theo dự báo của Ngân hàng trung ương Thái Lan, GDP nước này năm nay sẽ giảm mạnh nhất kể từ thập niên 90. Một hội đồng cố vấn kinh doanh cho chính phủ tháng trước cũng cảnh báo 10 triệu người có thể mất việc nếu cuộc khủng hoảng không dịu bớt.

Chính phủ Thái Lan đến nay đã tung gói kích thích tương đương 15% GDP – thuộc nhóm cao nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Trong đó bao gồm 12 tỷ USD tiền hỗ trợ khẩn cấp để khuyến khích tiêu dùng. Khoảng 30 triệu người đã nộp đơn xin khoản trợ cấp 155 USD mỗi tháng này, nhưng không phải ai cũng được duyệt.

Hà Thu (theo Bloomberg, AP)

https://vnexpress.net/thai-lan-keu-goi-cac-ty-phu-cuu-kinh-te-4098580.html

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng, chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhờ lạm phát hạ nhiệt

Mỗi ounce vàng tăng gần 20 USD, còn chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tốt …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *